G7 sẽ tuyên bố chung về phán quyết Biển Đông

Trang Trần |

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) có thể sẽ ra tuyên bố chung về phán quyết Biển Đông.

Ngày 11/7, theo Strait Times, Nhật Bản đang đóng vai trò trung gian để ra tuyên bố chung về phán quyết Biển Đông như một phần trong nỗ lực "thúc đẩy ngoại giao tích cực".

Tuyên bố chung này có thể sẽ gây áp lực lên Bắc Kinh yêu cầu nước này tôn trọng phán quyết của Tòa và tuân thủ luật pháp, quy định quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Dự kiến, ngày mai (12/7), Tòa Trọng tài Thường Trực (PCA) sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông. Song, Trung Quốc không công nhận vụ kiện và cứng đầu không tuân thủ phán quyết.

Nhật Bản không phải là một trong những nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông - tuyến đường thủy quan trọng trong giao thương quốc tế. Nhưng, Nhật Bản luôn xem việc Trung Quốc tăng cường quân sự trên Biển Đông như mối đe dọa tới an ninh và phản đối động thái đó.

Chẳng hạn, hiện nay, Trung Quốc đang tập trận bắn đạn thật gần quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, dự kiến sẽ kết thúc trong ngày hôm nay (11/7).

Nhật Bản từng cam kết sẽ hỗ trợ hải quân Việt Nam và Philippines.

Tiến sĩ Masashi Nishihara, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh của Nhật lưu ý rằng, Nhật Bản là nước chủ trì G7 năm nay sẽ nỗ lực "đưa các nước đối tác trong G7 ủng hộ các nước đồng minh trong Đông Nam Á".

Ông Nishihara cho biết: "Trước các cuộc họp của G7, nhiều nước Châu Âu không tuyên bố bất cứ lợi ích cụ thể nào trên Biển Đông nhưng từ sau đó, họ bắt đầu tuyên bố lợi ích lớn hơn trong khu vực này".

Pháp từng bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (Shangri-La) tại Singapore và đề xuất hải quân các nước Châu Âu hợp tác tuần tra trên các vùng biển Châu Á nhằm tăng cường trật tự hàng hải, tuân thủ luật pháp tại đây.

Song, theo Tiến sĩ Ryoko Nakano, giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản lưu ý rằng Nhật Bản có lẽ sẽ duy trì phản ứng không quá mạnh mẽ vì hai lý do.

Thứ nhất, Nhật chưa dám chắc liệu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ xử lý phán quyết của Tòa trọng tài ra sao và Nhật "không muốn bị xem là quá kích động".

Lý do thứ hai, Tiến sĩ Ryoko Nakano cũng lưu ý rằng, Nhật cũng từng tiếp tục đánh bắt cá voi ở Nam Cực bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế yêu cầu nước này kiềm chế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại