Francisco Pizarro - kẻ hủy diệt cả một nền văn minh

Thư Phong |

Bằng lọc lừa, dối trá và cả sự tàn ác, con người ấy đã lập nên những kỳ tích, đem lại cho Tây Ban Nha cả vinh quang lẫn lợi lộc.

Nhưng, không ai khác, cũng chính ông - Francisco Pizarro - phải chịu trách nhiệm chính trong vai trò là một tên thực dân đầu sỏ khát máu, một kẻ diệt chủng, kẻ hủy diệt cả nền văn minh một thời rực rỡ trên châu lục Nam Mỹ - Inca.

Một Conquistador đích thực

Hiểu một cách khái quát, Conquistador là khái niệm "Kẻ chinh phục" trong tiếng Tây Ban Nha, để chỉ những người thừa lệnh Hoàng gia Tây Ban Nha chinh phục những vùng đất thuộc địa mới, kể từ sau khi Christophe Colombo và Ferdinand Magellan hoàn tất những hải trình xuyên đại dương mang tính đột phá dưới màu cờ ấy.

Nhưng, Conquistador còn mang thêm những hàm nghĩa từ việc Tây Ban Nha là quốc gia mộ đạo Thiên Chúa bậc nhất thời đó. Một Conquistador không chỉ có nhiệm vụ phục vụ nhà vua dưới trần thế, mà còn phải làm tất cả để vinh danh Thiên Chúa trên trời, trước đám ngoại đạo hoặc vô đạo, bằng bất cứ công cụ nào.

Và chuyện kể rằng, khi bị bắt, Atahualpa - vị vua cuối cùng của người Inca ở Peru đã đề nghị một khoản tiền chuộc. Theo nhà nghiên cứu William H.Prescott, ông sẵn sàng "trải đầy vàng trên nền căn phòng mà họ đang đứng.

Những người có mặt lúc đó - Francisco Pizarro và thuộc hạ - đều chỉ cười hoài nghi. Vị thủ lĩnh Inca tiếp tục nhấn mạnh: "Ta sẽ chất đầy căn phòng này bằng vàng".

Lời đề nghị được chấp thuận. Nhưng sau câu chuyện đó (dù chắc chắn là nó được thuật lại với màu sắc phóng đại), Atahulpa vẫn bị xử tử.

Sau khi đã nhận tiền chuộc, Francisco Pizarro vẫn đẩy kẻ thù lên giàn thiêu, với vô số tội danh được tuyên bố từ một phiên tòa dàn dựng của Tòa án dị giáo. Và ở phiên tòa đó, chính Pizarro đóng vai trò thẩm phán, để bảo đảm rằng chắc chắn Atahualpa phải chết.

Kỳ công của kẻ "thất phu"

Gọi là "kẻ thất phu", bởi xuất thân của Pizarro không thuộc giới quý tộc. Và theo nhiều nguồn tài liệu ít ỏi còn lại (vốn cũng không thể xác định được năm sinh của ông), nhiều khả năng Pizarro còn không biết đọc biết viết trong cả cuộc đời. Ông, con ngoài giá thú của một sĩ quan Tây Ban Nha, có thể xem là một kẻ thất học.

Nhưng, kẻ thất học ấy lại sở hữu dũng khí cũng như sự đê tiện để đạp lên tất cả, nhằm phục vụ cho mục tiêu của chính mình - điều đã được chứng minh trong suốt cả cuộc đời.

Francisco Pizarro - kẻ hủy diệt cả một nền văn minh - Ảnh 1.

Hãy nhìn lại bối cảnh thời đó. Sau những phát kiến địa lý và hàng hải vĩ đại của Colombo, Magellan, Vasco de Gama…, mối hiềm khích giữa hai người láng giềng trên bán đảo Iberia, hai cường quốc đại dương, hai "đứa con cưng" của Giáo hoàng ở Vatican là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mỗi lúc một trở nên sâu sắc.

Để xử lý mâu thuẫn này, Giáo hoàng Alexander VI buộc phải ra sắc lệnh (Treaty of Torrdesillas, năm 1494) chia Tân Thế giới (châu Mỹ) thành hai phần, theo một đường ranh giới tưởng tượng mà ông kẻ trên bản đồ cắt đôi Đại Tây Dương. Ngay sau sắc lệnh này, cả hai vương quốc "nhảy bổ" vào những cuộc tìm kiếm thuộc địa mới.

Chuyến hải hành đầu tiên của Francisco Pizarro diễn ra năm 1509, khi ông tham gia đoàn thám hiểm đánh chiếm Panama của Hojeda.

Liên tục bị phục kích bởi thổ dân bản địa, liên tục phải chịu thiếu thốn đói khát, bệnh tật hành hạ, thậm chí còn trúng tên và phải rút chạy…, Francisco Pizarro đã học được những bài học xương máu, để trở thành một kẻ chinh phục tàn bạo như sau này.

1.200 người đồng hành cùng ông, chỉ còn 200 người sống sót. Song, những câu chuyện về các mỏ vàng ở vùng đất mới chỉ càng khiến tham vọng của những kẻ thực dân thêm cháy bỏng.

Đến khoảng hơn 40 tuổi, sau những chặng dài đấu đá tranh giành quyền lực tại thuộc địa suốt mười mấy năm, Pizarro cuối cùng đã có thể tự phát động các cuộc hành quân của riêng mình.

Ở Panama, ông liên kết với Diego de Almagro - một chỉ huy quân đội và Hernando de Luque - một giáo sĩ, sẵn sàng thực hiện một chuyến đi điên rồ về phía nam. Ngày 14-11-1524, Pizarro cùng 112 người Tây Ban Nha, vài người da đỏ bản địa giúp việc và vài con ngựa xuống thuyền.

Mỗi bước tiến là một lần khó khăn, nhưng việc tận mắt nhìn thấy những đồ chế tác bằng vàng của người Inca khiến Pizarro không thể bỏ cuộc. Vài trận đụng độ diễn ra, và ưu thế của súng đạn trước cung nỏ càng làm ông vững lòng.

Ông trở về Panama, thương thuyết với đại diện Hoàng gia, để rồi ngày 10-3-1526 lại khởi hành, trong túi có một thỏa thuận với Thống đốc Don Pedro de lo Rios: Mọi miền đất và tất cả những gì quý giá được tìm thấy sẽ chia đều cho ba người (Don Pedro, Pizarro và Almagro), sau khi đã nộp đủ thuế cho Vua Charles V của Tây Ban Nha.

Đó là điểm bắt đầu của một cuộc chinh phục táo tợn, cũng là ngày tàn của người Inca ở Peru. Mất rất nhiều thời gian, qua bao nhiêu khổ cực, tốn rất nhiều công sức sục sạo, cuối cùng, những đền đài Inca cũng đã hiện ra trong tầm mắt. Đó là khi đoàn thuyền vượt qua Xích đạo, đến vịnh Tumbes.

Người Inca đón tiếp người Tây Ban Nha với tất cả thiện ý. Họ cho thuyền ra quan sát, và mời Pizarro cùng vài thuộc hạ vào tham quan thành phố. Pizarro trở nên điên cuồng, khi thấy vàng bạc ở khắp nơi. Ông kín đáo quan sát hệ thống phòng thủ, và rồi ông trở về tận Tây Ban Nha, để thuyết phục triều đình cung cấp quân đội cùng chính danh cho mình.

Những câu chuyện của ông làm Madrid xiêu lòng. Ngày 26-7-1529, Pizarro - khi ấy, từ một kẻ "thất phu" đã được phong Thống đốc, Đại tướng và Thuyền trưởng, cùng Luque - giám mục mới được tấn phong của vùng Tumbes, lại căng buồm ra khơi.

Cần phải nhấn mạnh: Trong lần xuất chinh này, Almagro không có gì, cả danh vị lẫn lương bổng. Pizarro đã phản bội người bạn chiến đấu lúc hàn vi của mình, gạt Almaro ra để lấy chỗ cho toàn bộ anh em trong nhà. Hernando, một trong số đó, kẻ cực kỳ độc ác, sau này sẽ là cánh tay phải của Pizarro.

Vinh quang và trả giá

Với ba tàu, 180 thủy thủ, 27 ngựa, vũ khí, thuốc nổ, lương thực đầy đủ, Pizarro tiến vào vương quốc Inca. May mắn thay cho Pizarro, không thể còn thời điểm nào hợp lý hơn. Bởi khi ấy, vương quốc Inca đang xảy ra xung đột trong nội bộ.

Nhưng, dù sao, Vua Inca - Atahualpa - lúc ấy cũng còn trong tay tới hàng vạn chiến binh. Có lẽ ưu thế ấy khiến vị thủ lĩnh trở nên quá mất cảnh giác, và để cho trí tò mò dẫn dụ.

Bất kể thuộc hạ của Pizarro đã để lộ bộ mặt tham tàn qua những lần cướp phá lẻ tẻ, Atahulpa vẫn không tấn công chặn trước. Ông để Pizarro tới sát kinh đô của mình và còn chấp nhận hội kiến, theo cách thức một buổi lễ biểu dương lực lượng.

Francisco Pizarro - kẻ hủy diệt cả một nền văn minh - Ảnh 2.

Phiên tòa Dị giáo xử Atahualpa.

Pizarro đã nhận ra rằng mình mạo hiểm tới mức nào. Và ông ta sử dụng thứ vũ khí hiệu quả nhất của mình: Sự tráo trở. Ông viết cho Atahulpa một lá thư, nói rằng vị vua ấy thiếu sự gan dạ cần thiết của một con người cao quý đích thực.

Ngây thơ và muốn chứng tỏ lòng can đảm, như người Inca vẫn sẵn sàng, Atahualpa rời thành đến doanh trại Tây Ban Nha, chỉ với một nhóm hộ vệ gồm 6000 quân không mang vũ khí.

Họ đối diện nhau. Một tu sĩ (tên là Valverde) nhét cuốn Kinh Thánh vào tay Atahualpa, đòi ông phải thề tin vào Chúa Trời, cũng như thừa nhận Hoàng đế Charles V của Tây Ban Nha.

Atahualpa ném cuốn Kinh Thánh xuống đất. Pizarro thét lên một mật hiệu xung trận. Và quân Tây Ban Nha, giáp trụ sẵn sàng, nã súng và đại bác vào những đoàn người tay không của địch thủ. Cuộc thảm sát bắt đầu như thế, rồi kết thúc bằng những lưỡi gươm đỏ máu.

Atahualpa - Thần Mặt trời của người Inca - bị bắt. Cả vương quốc tê liệt. Với một chút mưu mẹo trí trá, Pizarro đã đánh quỵ tinh thần chiến đấu của cả một đạo đại quân, mà không mất một người lính nào. Lính Tây Ban Nha tỏa ra, cướp bóc, hãm hiếp, giết chóc.

Trong khi đó, như đã kể, Atahualpa chỉ biết hứa hẹn sẽ đáp ứng mọi yêu cầu về tiền chuộc. Của cải cứ nườm nượp được đưa về. Nhưng, sau tất cả, Tòa án dị giáo vẫn lạnh lùng làm việc nó đã được định sẵn.

Với triều đình Tây Ban Nha, những gì Pizarro làm được ở Peru thực sự là một kỳ tích. Nhưng với lịch sử nhân loại, đó là một vết nhơ. Các thuộc hạ của Pizarro đã phá hủy cả một nền văn minh, mà không gì có thể thay thế. Những người dân bản địa hiền lành rên xiết dưới ách thống trị mới. Họ bị đày đọa, bị giết hại, bị cưỡng bức, bị đồng hóa…

Cái chết thê thảm của Pizarro là sự trả giá quá bèo bọt cho những hậu quả tang thương ấy. 26-11-1541, quân phản loạn tiến vào dinh Thống đốc, giết và băm thây Pizarro. Đó là cánh quân được dẫn đầu bởi con trai của Almagro - người chiến hữu năm xưa (mà sau này bị Pizarro giết chết trong một trận tập kích, khi hai bên tranh giành quyền lực).

Trước đó, ông ta vẫn còn chưa kịp dìm cuộc khởi nghĩa cuối cùng của người Inca trong bể máu. Manco, thủ lĩnh của cuộc quật khởi ấy, từ chối lời đề nghị gặp mặt của Pizarro, bởi đã quá hiểu về sự lật lọng. Vợ Manco bị bắt, và bị Pizarro ra lệnh lột hết quần áo, treo lên cây, đánh gần chết bằng gậy.

Một chương kinh khủng của lịch sử nhân loại…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại