F-111 Mỹ tối tân liên tiếp tan xác: Phòng không VN đánh như nào mà xuất sắc thế?

PV - Tổng hợp từ cuốn Điện Biên Phủ trên không-Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam |

Một thiếu tá phi công Mỹ bị bắn rơi ở Hà Nội thú nhận: Lưới lửa tầm thấp dày đặc của VN thật đáng sợ. Một viên súng trường có thể gây tai họa chẳng khác gì một quả đạn tên lửa SAM.

LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!

Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.

Trong số này, mời quý độc giả tìm hiểu về cách phòng không Việt Nam đánh bại máy bay F-111 "cánh cụp cánh xòe" tối tân của Mỹ qua phần giới thiệu của Đại tá Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Quân chủng PK-KQ.

----

F-111 MỸ TỐI TÂN LIÊN TIẾP TAN XÁC; PHÒNG KHÔNG VIỆT NAM ĐÁNH NHƯ NÀO MÀ XUẤT SẮC THẾ?

F-111: "Kẻ đột nhập thần kỳ"

F-111 là máy bay cường kích "cánh cụp cánh xòe được Mỹ khoe là hết sức hiện đại, hơn hẳn F4, F105, A6, A7... So với các loại trên, nó có tốc độ bay lớn hơn, lượng bom mang nhiều hơn (gấp 5 lần loại F4).

Đặc biệt F-111 có lắp thiết bị tự động khống chế độ cao, do đó có thể bay rất thấp (đến 50 mét) trong mọi thời tiết, trên mọi địa hình, kể cả vùng rừng núi một cách dễ dàng.

Đây là loại máy bay ưu việt, được mệnh danh là "kẻ đột nhập thần kỳ" với nhiều lợi thế: bay nhanh, bay thấp, giỏi luồn lách, rất khó phát hiện, rất khó bắn trúng. Giá một chiếc F-111A bằng 15 triệu đô la Mỹ, đắt tiền hơn cả máy bay ném bom chiến lược B-52 (thời giá thập niên những năm 1960).

Biểu tượng in trên thân máy bay là một thanh kiếm cắm thẳng đứng. Từ lưỡi kiếm xòe ra hai cánh chim đại bàng. Bên dưới là một tấm lá chắn và một dòng chữ "TACTICAL AIR COMMAND" (Bộ chỉ huy Không quân chiến thuật). Bọn phi công F-111 Mỹ rất hãnh diện về biểu tượng này của chúng.

Thế nhưng, trong những đợt tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng, 5 chiếc F-111A đã bị bắn rơi, trên tổng số 48 chiếc được huy động. Tỷ lệ bị bắn rơi là 5/48 tức hơn 10%, một tỷ lệ quá cao mà Mỹ không thể ngờ tới.

Vậy chúng ta đã hạn chế những điểm mạnh của máy bay F111 như thế nào để đạt được thành tích cao như thế?

F-111 Mỹ tối tân liên tiếp tan xác: Phòng không VN đánh như nào mà xuất sắc thế? - Ảnh 1.

Máy bay cường kích F-111 của Mỹ. Ảnh minh họa.

Kinh nghiệm diệt F-111 của Việt Nam

Theo kinh nghiệm đánh máy bay thấp, có người lái và không người lái của giặc Mỹ mấy năm trước, phục kích "đón lõng" trên đường đi quen thuộc của kẻ thù là biện pháp hay nhất. Để "đón lõng" có hiệu quả, phải phán đoán đúng đường bay F-111 sẽ bay qua.

Trên suốt đoạn đường bay dự kiến đó, dân quân, tự vệ các địa phương đã bố trí những trận địa phục sẵn của các loại súng, pháo tầm thấp, từ pháo cao xạ 37 ly đến súng trường. Thủ đô Hà Nội hồi ấy có gần 200 trận địa "đón lõng" như thế.

Điều cần thiết trước hết là phải đặt những đài quan sát xa, thật xa phía trước, ở đó có những người "lính canh trời" ngày đêm âm thầm làm nhiệm vụ. Hệ thống đài quan sát của Quân chủng Phòng không - Không quân, cộng thêm các đài của các địa phương, hình thành một mạng quan sát có thể nói là dày đặc quanh Hà Nội.

Tuy ban đêm, nhưng do F111 bay rất thấp, nên các đài quan sát nhiều lúc vẫn nhìn thấy bóng dáng của nó lướt qua, kèm theo tiếng động cơ gầm rít dữ dội. Khi phát hiện được F-111 như nhìn thấy bằng mắt, nghe tiếng động cơ, các trinh sát viên phải lập tức thông báo ngay, bằng thông tin vô tuyến hoặc hữu tuyến.

F-111 Mỹ tối tân liên tiếp tan xác: Phòng không VN đánh như nào mà xuất sắc thế? - Ảnh 2.

Xác một chiếc F-111 bị bắn rơi tại chỗ ở Việt Nam.

Có khi chùm vết đạn vạch đường của đơn vị phía trước bắn lên lại chính là sự báo hiệu cho các đơn vị phía sau kịp thời nổ súng.

Còn phải đề ra chế độ trực chiến thật chặt chẽ: tất cả các nòng súng, nòng pháo quay về một hướng định sẵn, đạn lên nòng, sẵn sàng kéo cò, đạp cò, hễ nhận được thông báo và có lệnh là bắn ngay.

Hàng loạt lưới lửa tung lên, dựng thành một màn đạn có chiều sâu, chặn đứng đường bay của F-111. Trong hàng ngàn vạn viên đạn cỡ nhỏ ấy, chỉ cần một viên trúng chỗ hiểm, thì cho dù hiện đại mấy F-111 cũng phải rơi.

Một thiếu tá phi công Mỹ bị bắn rơi ở Hà Nội đã thú nhận: "Lưới lửa tầm thấp dày đặc của các ông thật đáng sợ? Một viên đạn cỡ 7,6 mi-li-mét từ khẩu súng trường bắn lên có thể gây tai họa cho máy bay phản lực chẳng khác gì một quả đạn tên lửa SAM".

Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, 5 chiếc F-111 đã bị chính lực lượng phòng không tầm thấp bắn hạ.

Vài thí dụ cụ thể: Đêm 20/12, tự vệ nông trường Thanh Hà, Hà Tây, bằng 44 viên đạn 12,7 ly đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F111A. Đêm 22, tự vệ của ba nhà máy thuộc quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng từ trận địa Vân Đồn, bằng 116 viên đạn 14,5 ly cũng hạ tại chỗ 1 chiếc F-111A nữa ở Lương Sơn, Hòa Bình.

Thế là bằng cách đánh sáng tạo, bằng lưới lửa tầng thấp rộng khắp của lực lượng phòng không ba thứ quân, chúng ta đã trị được chỗ mạnh của loại máy bay chiến thuật hiện đại nhất của không quân Mỹ hồi đó.

(Trích giới thiệu của Đại tá Lưu Trọng Lân, nguyên là Phó trưởng phòng Tác huấn, Quân chủng PK-KQ trong cuốn Điện Biên Phủ trên không-Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam, NXB QĐND, 2002).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại