​EU cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

D.Kim Thoa |

Trong động thái nhắc nhở ngoại giao đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc, EU cho rằng tất cả các nước phải được quyền tự do đi lại trên Biển Đông.

Theo Reuters, quan điểm này được Ủy ban Châu Âu (EC) nêu ra ngày 22-6 trong một dự thảo văn bản mới về chính sách của EU với Trung Quốc trong 5 năm tới.

Nhắc nhở đưa ra sau khi các máy bay chiến đấu Trung Quốc ngăn chặn một máy bay quân sự Mỹ tại Biển Đông tháng trước.

Ủy ban châu Âu tránh lên án trực tiếp Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của họ, nhưng cảnh báo rằng liên minh này sẽ phản đối “các hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng và gây gia tăng căng thẳng”.

Điều này rõ ràng đề cập tới mối quan ngại của EU về hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo của Trung Quốc tại Biển Đông.

Dự thảo chính sách của EU với Trung Quốc trong 5 năm tới viết: “EU muốn hoạt động tự do hàng hải và tự do trên không được duy trì tại Biển Đông và biển Hoa Đông”.

Các quốc gia thành viên EU sẽ phải thông qua dự thảo này.

Trước nay EU thường nói họ giữ quan điểm trung lập với các tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước châu Á khác.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cho rằng: “Việc có một số lượng lớn hàng hóa thương mại đường biển quốc tế đi qua khu vực đó cho thấy, tự do hàng hải và tự do đường không là điều quan trọng hàng đầu với EU”.

Theo đó “EU sẽ vận động Trung Quốc đóng góp tích cực vào sự ổn định của khu vực… và ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên pháp luật”.

Bất kể cách dùng câu chữ rất cẩn trọng trong văn bản này của Ủy ban châu Âu, những căng thẳng giữa khối này và Trung Quốc vẫn không ngừng tăng thời gian qua.

Tháng này ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đề nghị EU cần phải tiến hành các cuộc tuần tra “thường xuyên và rõ ràng” tại Biển Đông.

Trong một động thái khác cho thấy tình hình Biển Đông đang nóng hơn khi hôm nay, 23-6, tổng thống Indonesia sẽ đích thân tới quần đảo Natuna kiểm tra chiếc tàu cá Trung Quốc bị Indonesia bắt giữ vì đánh cá trái phép.

Ông Widodo muốn biểu thị tinh thần kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Indonesia sau khi Bắc Kinh nói họ có “chủ quyền chồng lấn” với Indonesia tại một số vùng biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại