Đừng tưởng bạn đã biết: Đâu mới là cách viết chữ G chuẩn xác nhất?

Hoa Hướng Dương |

Nghiên cứu chỉ ra một sự thật đáng ngạc nhiên, có những điều tưởng chừng rất quen thuộc với chúng ta nhưng khi đi vào chi tiết thì chúng ta chẳng biết gì!

Có những điều tưởng chừng vô cùng quen thuộc nhưng có thể sẽ khiến bạn cảm thấy bối rối khi đi vào chi tiết, hãy thử với câu hỏi đơn giản sau đây: Chữ g thường nào dưới đây là chữ g được viết đúng?

Đừng tưởng bạn đã biết: Đâu mới là cách viết chữ G chuẩn xác nhất? - Ảnh 1.

Đâu là chữ g viết đúng? Ảnh: Đại học Johns Hokins

Một nghiên cứu mới cho thấy một kết quả đáng ngạc nhiên, đa số người lớn cũng không thể trả lời câu hỏi này một cách chính xác dù thường xuyên nhìn thấy nó trên báo, mạng internet, sách... hằng ngày.

Xem video:

Nhiều người cảm thấy bối rối với câu hỏi đơn giản về cách viết chữ g đúng. Nguồn: Đại học Johns Hokins

Đầu tiên một nhóm khảo sát sẽ hỏi 38 người trưởng thành về 2 cách viết chữ g thường với câu hỏi đặt ra "Có hai cách viết chữ g, bạn có thể viết chúng ra không?" và kết quả là chỉ có 1 người viết đúng cả hai kiểu của chữ này.

Mọi người đều nhìn chúng tôi sau câu hỏi vì họ không có bất cứ ý niệm nào về chuyện này" - đồng tác giả nghiên cứu Kimberly Wong cho biết. Không chỉ bị bối rối khi chọn ra từ g được viết đúng, nhiều người thậm chí còn không biết rằng có tới hai cách viết chữ g thường.

Tiếp đến 25 người tham gia được yêu cầu chọn ra chữ g đúng từ 4 chữ g khác nhau (xem hình trên), kết quả chỉ có 7 người có thể chọn đúng đáp án.

Đừng tưởng bạn đã biết: Đâu mới là cách viết chữ G chuẩn xác nhất? - Ảnh 3.

Dù thường xuyên thấy chữ g "đuôi vòng tròn" nhưng ít người có thể viết đúng nó. Ảnh: Hindustan Times

Nghiên cứu cũng chỉ ra lý do cho hiện tượng này, theo đó nguyên nhân chính khiến mọi người cảm thấy lúng túng là do chúng ta đều không được học cách viết chữ g kiểu looptail (đuôi vòng tròn) ở trường học.

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu, giáo sư Michael McCloskey của Đại học John Hopkins, Baltimore cho biết:

"Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nhìn vào điều gì đó đủ lâu, đặc biệt nếu chúng ta chú ý hình dạng của nó khi đọc, chúng ta sẽ biết nó trông như thế nào. nhưng kết quả của chúng tôi lại chỉ ra điều này không phải lúc nào cũng đúng".

"Điều chúng tôi nhận thấy ở đây là chúng ta được học hình dáng của hầu hết các chữ theo từng phần bởi vì chúng được dạy ở trường. Chữ g "đuôi vòng tròn" lại không được dạy, vì vậy mọi người đều không biết nó thật sự trông như thế nào".

Đừng tưởng bạn đã biết: Đâu mới là cách viết chữ G chuẩn xác nhất? - Ảnh 4.

Hai cách viết chữ g thường. Ảnh: Hindustan Times

Giống như hầu hết các chữ viết thường khác, chữ g có hai cách viết (hai "phiên bản" khác nhau). Cách thứ nhất là cách mà chúng ta thường viết tay và cũng được dạy ở trường, gọi là chữ g đuôi mở, trông giống như móc câu cá vậy!

Cách viết thứ hai là chữ g "đuôi vòng tròn" khép kín mà ít người có cách viết tay như vậy nhưng lại vô cùng phổ biển mà chúng ta có thể nhìn thấy nó ở font chữ của máy tính (ví dụ: Times New Roman, Calibri...) hay sách báo, trên mạng internet...

Tại sao chúng ta gặp khó khăn khi đi vào chi tiết những điều tưởng chừng quá quen thuộc?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta gặp khó khăn khi đi vào chi tiết dù cho thứ được hỏi có thể vô cùng quen thuộc hay được nhìn thấy mỗi ngày.

Nghiên cứu năm 2015 của Đại học California, Los Angesles tiết lộ rằng chỉ có 1/85 người được hỏi có thể vẽ đúng logo đơn giản của các thương hiệu nổi tiếng như logo quả táo của Apple.

Không những thế, nghiên cứu năm 1970 của Đại học Tufts, Mỹ cũng cho thấy nhiều người Mỹ còn không thể chọn ra đồng xu penni giữa 16 đồng xu khác có hình dạng gần tương tự hay nhớ chi tiết hướng quay đầu của chân dung Abraham Lincoln trên đồng tiền.

Đừng tưởng bạn đã biết: Đâu mới là cách viết chữ G chuẩn xác nhất? - Ảnh 5.

Những hình ảnh quen thuộc sẽ trở nên lạ lẫm khi bạn đứng trước các hình ảnh tương tự. Ảnh: Dailymail

Nghiên cứu của Đại học Creighton, Nebraska cũng lặp lại thử nghiệm đồng xu trên mạng internet và cho biết: "Mặc dù đồng penni có mặt khắp nơi, nhưng hầu như mọi người không thật sự chú ý đủ để có thể lấy ra đồng xu đúng ngay lần đầu tiên".

"Đa số mọi người đều chọn sai 3 hay 4 lần mới có thể lấy ra đồng xu đúng. Bộ não của bạn sẽ sử dụng màu sắc và cả kích thước đồng xu để phân biệt nó với các đồng xu khác".

Chính vì việc sử dụng màu sắc và kích thước thay vì chi tiết hình ảnh của vật đã gây khó khăn cho chúng ta khi đi vào chi tiết, mặc dù vậy đây lại là cách tốn ít nỗ lực ghi nhớ và có thể giúp chúng ta nhanh chóng nhận diện điều gì đó trong cuộc sống hằng ngày.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Dailymail, Medicaldaily, Bustle.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại