Đua tàu ngầm ở Châu Á - Thái Bình Dương: Chóng mặt

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến -Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

TG đang có những thay đổi lớn với nhiều mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của nhiều quốc gia và khu vực châu Á-TBD đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng tàu ngầm.

Trong Hội nghị An ninh Hàng hải Quốc tế năm 2015 (IMSC), tổ chức tại Sydney - Australia, lãnh đạo Hải quân Cộng hòa Singapore (RSN) đã đề xuất một bộ quy tắc ứng xử chung cho hoạt động của tàu ngầm các nước, nhằm đảm bảo an toàn, tránh va chạm.

Bộ quy tắc ứng xử này sẽ được xây dựng trên một bản thỏa thuận ghi nhớ về quy trình hoạt động chung cho hỗ trợ, cứu hộ tàu ngầm (RSN) đã ký kết với Hải quân Mỹ vào ngày 19/5/2015.

Bộ quy tắc này được mô phỏng theo Bộ Quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) được phê duyệt vào năm 2014 bởi 25 quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương. Đề xuất này tiếp tục được RSN đưa ra thảo luận vào tháng 6/2016 và tháng 1/2017.

Những đề xuất này đến vào thời điểm khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự gia tăng đáng kể số lượng các chương trình mua sắm tàu ngầm của các quốc gia. Ông Stephane Meunier, giám đốc tiếp thị tàu ngầm tập đoàn Quốc phòng DCNS của Pháp cho biết:

"Tàu ngầm là vũ khí chiến lược cho các nước muốn bảo đảm chủ quyền và bảo vệ lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vì tàu ngầm đóng vai trò quan trọng như giám sát, trinh sát, thu thập thông tin tình báo.

Phá hủy sức mạnh hàng hải của các nước khác; hỗ trợ các hoạt động đặc biệt; đặt mìn dưới biển, tuần tra và bảo đảm an ninh trên biên giới biển và các tuyến thương mại".

Australia

Mặc dù Australia không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa trực tiếp nào đến an ninh của họ, nhưng trong báo cáo năm 2016 của Bộ Quốc phòng Australia về chiến lược và các ưu tiên mua sắm quốc phòng của nước này cho thấy: đến năm 2035, khoảng một nửa tàu ngầm thế giới sẽ hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Australia là một trong những quốc gia có vùng lãnh hải rộng nhất thế giới, tiếp giáp với 3 đại dương lớn; do vậy Australia cần tăng cường lực lượng để bảo vệ các lợi ích từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương và tới Nam Đại Tây Dương. Trong đó tàu ngầm là một công cụ mạnh mẽ để ngăn chặn xung đột và là vũ khí tiến công nếu xung đột xảy ra.

Trong bối cảnh này, vào tháng 4/2016, chính phủ Australia thông báo rằng tập đoàn quốc phòng DCNS của Pháp đã giành được hợp đồng có tổng kinh phí lên tới 38,6 tỷ USD để cung cấp 12 chiếc tàu ngầm thông thường chạy bằng động cơ diesel - điện (SSK) thuộc Chương trình tàu ngầm của tương lai, hay còn được gọi là sáng kiến Sea-1000.

Lớp tàu ngầm này của Australia có cùng công nghệ với lớp tàu ngầm lớp "Barracuda" (tàu ngầm tấn công hạt nhân) mà tập đoàn DCNS thiết kế và chế tạo cho Hải quân Pháp.

Trung Quốc

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thể hiện một lập trường quân sự ngày càng cứng rắn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Để đạt được điều này, Hải quân Trung Quốc đã tăng cường số lượng tàu tuần tra trên biển; trong đó tàu ngầm không phải là ngoại lệ.

Trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân, nước này tiếp tục phát triển các tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) thuộc lớp Type-093 (lớp Shang), trong đó có 5 tàu ngầm đã đưa vào biên chế và hai chiếc đang được chế tạo. Những chiếc Type-093 đang dần thay thế các SSN lớp 091 (lớp Hán) được chế tạo từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đua tàu ngầm ở Châu Á - Thái Bình Dương: Chóng mặt - Ảnh 1.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) thuộc lớp Type-093 (lớp Shang) của Trung Quốc

Tàu ngầm lớp Shang được thiết kế với những công nghệ mới nhất của Trung Quốc, kết hợp công nghệ mua và đánh cắp. So với tàu ngầm lớp Hán, nó có hệ thống chiến đấu tiên tiến và hoạt động yên tĩnh hơn,.

Bên cạnh phát triển lớp tàu ngầm tấn công hạt nhân, Trung Quốc còn tích cực phát triển tàu ngầm thông thường (SKK).

Trong lớp tàu ngầm thông thường, tàu ngầm lớp Yuan mới nhất được trang bị hệ thống động cơ đẩy không cần không khí (Air Independent Propulsion - AIP), kết hợp với công nghệ chống ồn từ công nghệ tàu ngầm lớp Kilo 636; có khả năng phóng tên lửa hành trình chống tàu.

Có tin rằng Trung Quốc sẽ chế tạo và đặt mua thêm khoảng 32 tàu ngầm trong 15 năm tới. Dựa trên nguồn thông tin đã được công khai, Trung Quốc sẽ sở hữu một lực lượng tàu ngầm hiện đại với số lượng xấp xỉ 60 tàu ngầm SSK và SSN vào năm 2030, trong đó chủ yếu là các loại tàu ngầm tấn công thông thường tân tiến được trang bị động cơ AIP.

Với một đội ngũ thủy thủ được huấn luyện thích hợp, chúng sẽ trở thành một lực lượng tàu ngầm có năng lực cao với khả năng hoạt động dưới biển lâu hơn và tăng cường khả năng về tiến công, đặc biệt là trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất và Biển Đông.

Indonesia

Mặc dù Indonesia không phải đối mặt với nguy cơ đe dọa an ninh trực tiếp từ Trung Quốc; nhưng thách thức an ninh chính của nước này là các mối đe dọa phi truyền thống như cướp biển, khủng bố.

Theo báo cáo đánh giá về Vận tải Hàng hải do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố vào năm 2016 cho biết: Các khu vực bị ảnh hưởng bởi cướp biển nhiều nhất là eo biển Malacca và Singapore (134 vụ cướp biển và cướp có vũ trang), Biển Đông (81) và biển Ấn Độ Dương (khu vực tiếp giáp) với 38 vụ.

Sách Trắng quốc phòng năm 2008 của Indonesia đã vạch ra chiến lược quốc phòng của nước này đến năm 2030 đó là tập trung phát triển lực lượng hải quân để đối phó với các mối đe dọa.

Để thực hiện chiến lược này, tháng 12/2011, tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc) đã giành được hợp đồng cùng với công ty PT PAL trong nước chế tạo ba chiếc tàu ngầm thông thường lớp Chang Bogo.

Đua tàu ngầm ở Châu Á - Thái Bình Dương: Chóng mặt - Ảnh 2.

Tàu ngầm thông thường lớp Chang Bogo

Chiếc thứ nhất, được chế tạo tại Hàn Quốc, hiện đang trải qua các thử nghiệm trên biển và dự kiến sẽ được giao vào tháng 8/2017. Chiếc thứ hai được khởi công đóng vào tháng 10/2016 tại nhà máy đóng tàu ROK của công ty PT PAL trên cơ sở nhận các khối (module) của tàu ngầm từ Hàn Quốc, chiếc thứ 3 cũng sẽ khởi công vào tháng 12/2016 và dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.

Hàn Quốc

Để đối phó với lực lượng tàu ngầm đông đảo của Triều Tiên, Hải quân Hàn Quốc đang dự kiến tăng nhanh số lượng tàu ngầm. Hai công ty Daewoo và Hyundai đã được giao hợp đồng chế tạo 9 chiếc tàu ngầm thông thường lớp Son Won-II/Type-214.

Trong hợp đồng lớn này, Hyundai đã hoàn thành ba chiếc tàu ngầm đầu tiên vào giữa năm 2007 và năm 2009. Trong khi tất cả các tàu ngầm dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong hải quân Hàn Quốc vào năm 2019.

Đua tàu ngầm ở Châu Á - Thái Bình Dương: Chóng mặt - Ảnh 3.

Tàu ngầm thông thường lớp Son Won-II/Type-214

Năm 2012, Daewoo cũng đã giành được hợp đồng chế tạo hai tàu ngầm lớp KSS-III đầu tiên. Những chiếc tàu ngầm này có chiều dài 83m, được trang bị sonar kiểu Series 30 của hãng Sagem (SOM), tích hợp bốn cảm biến hoạt động đồng thời, chế độ xử lý hình ảnh thực, có thể sử dụng để phát hiện các mối đe dọa từ trên không hoặc mặt biển.

Singapore

Singapore chia sẻ những lo ngại tương tự như Indonesia về việc gia tăng nạn cướp biển ở eo biển Malacca, Ấn Độ Dương và Biển Đông cũng như các mối de dọa truyền thống đang có dấu hiệu bùng phát làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải trong khu vực.

Tuy là một quốc gia nhỏ hẹp, nhưng hiện tại hải quân Singapore đang khai thác 4 tàu ngầm lớp Sjöormen do Thụy Điển sản xuất. Ngoài ra, ngày 2/12/2013 Singapore tuyên bố mua từ Đức 2 tàu ngầm động cơ thông thường AIP kiểu 218SG và dự kiến đưa vào trang bị từ năm 2018 đến năm 2020.

Thái Lan

Mặc dù Thái Lan hiện không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa an ninh trực tiếp nào. Tuy nhiên cuộc đua mua sắm tàu ngầm ở Châu Á Thái Bình Dương có vẻ như đã thúc giục chính phủ khôi phục kế hoạch mua 3 chiếc tàu ngầm diesel-điện S26T từ Trung Quốc.

Ngày 5/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Prawit Wongsuwan khẳng định, Chính phủ Thái Lan hoàn tất ký hợp đồng đặt mua ba tàu ngầm S26T từ Trung Quốc với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD. Hợp đồng được thực hiện trong 11 năm; chiếc đầu tiên có giá 390 triệu USD, dự kiến bàn giao cho hải quân Thái Lan trước năm 2023.

Tàu ngầm Nga phóng tên lửa tấn công IS

Cuộc đua chưa có hồi kết

Hiện nay, những nguy cơ xung đột hàng hải ngày càng gia tăng, đặc biệt là tình hình căng thẳng gia tăng ở khu vực Biển Đông cũng như Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đứng trước nhu cầu về bảo đảm an ninh, sẽ khuyến khích các quốc gia trong khu vực tiếp tục phát triển và hiện đại hóa đội tàu ngầm của họ.

Hiện nay các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ tìm kiếm các đối tác nước ngoài để cung cấp, nâng cấp hiện đại hóa đội tàu ngầm của họ mà còn để đảm bảo chuyển giao công nghệ.

Về mặt tính năng, những chiếc tàu ngầm trang bị động AIP đang là xu hướng phát triển chủ đạo của các nước để đảm bảo khả năng hoạt động lâu dài dưới lòng biển từ vài ngày lên tới hàng tuần, tính năng này trước kia chỉ có ở tàu ngầm hạt nhân, đồng thời bảo đảm tính bí mật.

Xu hướng phát triển đội tàu ngầm thành lực lượng chủ lực nói trên càng rõ nét. Do vậy cuộc đua tàu ngầm ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại