"Đốt" trăm tỷ cho quảng cáo, Điện Máy Xanh tự tin cho rằng giờ đây mình có thể "dọa" ngừng chơi với nhà sản xuất

Theo CEO Nguyễn Đức Tài, việc đổ mạnh tiền vào quảng cáo là để tăng nhận diện thương hiệu đến người tiêu dùng, kéo thị phần lên gấp đôi so với hiện tại. Khi đó, Điện máy Xanh có thể ‘ép ngược’ được nhà cung cấp, nâng lợi nhuận trong dài hạn.

Mới đây, Điện máy Xanh đã dội bom quảng cáo truyền hình bằng một TVC (Phim quảng cáo) với thông điệp: Mua hàng điện máy – Đến Điện máy Xanh.

Đây là một trong những hoạt động quảng cáo nhằm xây dựng thương hiệu cho Điện máy Xanh – một thương hiệu mới ra đời vào giữa năm 2015, xây dựng trên nền tảng chuỗi Dienmay.com (ra đời năm 2010) của CTCP Đầu tư Thế giới Di động.

“Bạn muốn mua Tivi? Đến Điện máy Xanh. Bạn muốn mua tủ lạnh? Đến Điện máy Xanh” - Những giai điệu lặp lại liên tục với từ “Điện máy Xanh” nhắc tới 5 lần trong 30 giây khiến một chuyên gia thương hiệu nhận xét là “khá nhàm chán”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng mục tiêu TVC lại khá phù hợp với đối tượng khách hàng khu vực nông thôn.

Trong lần phát biểu trước báo giới gần đây, CEO Nguyễn Đức Tài tiết lộ kế hoạch quảng cáo, xây dựng thương hiệu Điện máy Xanh dự kiến sẽ ngốn hàng trăm tỷ đồng trong 4 tháng cuối năm.

Mục tiêu đến cuối năm 2017, sẽ đưa chuỗi điện máy này nằm trong Top 3 thương hiệu điện máy trong suy nghĩ của người tiêu dùng Việt Nam, với 400 cửa hàng.

Theo nhìn nhận của một chuyên gia thương hiệu, hiện Điện máy Xanh hiện chỉ nằm trong Top 5. 4 thương hiệu đang được định vị trong tiềm thức của người tiêu dùng tốt hơn Điện máy Xanh là Nguyễn Kim, HC, Pico, Media Mart.

Nhận xét về các chiến dịch mạng xã hội của Điện máy Xanh, chuyên gia này cũng không đánh giá cao khi Fanpage của Điện máy Xanh không có các chiến dịch kể chuyện, Social Games hay bám đuổi một nội dung nào cụ thể - những hoạt động mà Nguyễn Kim đang làm rất tốt.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là đánh giá hiệu quả truyền thông trên mạng xã hội. Xét về chiến lược kinh doanh tổng thể, việc rót cả trăm tỷ đồng cho quảng cáo của Điện Máy Xanh hoàn toàn không đơn giản là hành động "đốt tiền" đơn thuần.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, việc đổ tiền mạnh vào quảng cáo không chỉ làm tăng nhận diện cho thương hiệu mà còn là lời đe dọa trực tiếp đến thị phần của các chuỗi điện máy khác.

Đại diện của Media Mart, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Marketing - cho biết: Động thái này của Điện máy Xanh chắc chắn ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của các đơn vị điện máy nói chung, trong đó có Media Mart.

Cho dù tới thời điểm hiện nay, về thị phần bán lẻ (không gồm bán sỉ) ở miền Bắc, Media Mart đang là số 1.

Tuy nhiên, "cách đi của Điện máy Xanh đang đánh từ vùng ven vào nội thành sẽ ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của các nhà bán lẻ điện máy. Chúng tôi cũng theo dõi rất sát các động thái của họ để có những điều chỉnh kịp thời", ông Hải cho biết.

Đồng tình với ý kiến này từ Media Mart, ông Trần Xuân Thắng - Tổng Giám đốc DigiCity cũng cho rằng việc bùng nổ số lượng của hàng và đổ tiền vào quảng cáo của Điện Máy Xanh cũng sẽ khiến các cửa hàng truyền thống rất lo ngại.

Các chuỗi điện máy bày tỏ sự lo ngại cũng là điều hợp lý. Bởi trong lúc Điện Máy Xanh đầu tư cả trăm tỷ bạc cho riêng quảng cáo, còn các hãng điện máy khác chỉ biết "đứng nhìn" mà không có kế hoạch cụ thể nào, thì việc thị phần dần rơi hết vào túi của Điện Máy Xanh chỉ là vấn đề thời gian.

"Giờ thì chúng tôi có thể 'dọa' ngừng chơi với nhà sản xuất"

Để bùng nổ số lượng cửa hàng nhanh, Điện máy Xanh ngoài mở mới các trung tâm điện máy quy mô chuẩn với diện tích từ 500 – 1.000 m2, còn mở các siêu thị mini với quy mô 300 – 400 m2. Mô hình mini sẽ bung ra ở những nơi nhu cầu chưa đủ lớn với mô hình quy mô chuẩn.

Việc đổ tiền cho quảng cáo dịp cuối năm và bùng nổ số lượng cửa hàng sẽ giúp Điện máy Xanh nhanh chân chiếm lĩnh thị phần trên thị trường điện máy – thị trường mà hiện nay chuỗi điện máy này đang đứng ở vị trí số 1 với 14%, theo công bố của Thế giới Di động.

Ông Nguyễn Đức Tài cho biết, nếu nâng thị phần của Điện máy Xanh lên gấp đôi thì biên lợi nhuận sẽ cải thiện thêm từ 1 – 3%.

Mức biên lợi nhuận này thực tế đã tăng từ 10% lên 13% trong năm 2016.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tài cho biết, mức biên lợi nhuận này không phụ thuộc và số lượng cửa hàng mà phụ thuộc vào “tầm” của nhà bán lẻ.

“Khi tầm quan trọng của nhà bán lẻ đối với nhà sản xuất càng lớn, họ sẽ có những chính sách ưu đãi cho mình hơn những người khác”, ông Tài chia sẻ.

Trước kia, với chiết khấu 10%, dù Điện máy Xanh có phàn nàn là chiết khấu thấp thì nhà sản xuất có thể nói “mua thì mua, không mua thì thôi”. Nhưng câu chuyện nay đã khác.

“Giờ không ai dám nói vậy. Giờ nhà sản xuất sẽ xem xét xem có thể làm được gì, thảo luận nội bộ để cân nhắc tăng chiết khấu lên hay không. Nhiều khi chúng tôi gặp áp lực đến mức phải ngưng bán hàng. Chúng tôi đã từng phải ngưng bán một số sản phẩm”.

“Giờ thì chúng tôi có thể “dọa” ngừng chơi với nhà sản xuất trong 3 tháng. Không có hàng của anh, tôi có thể bán hàng của người khác. Nhưng không có tôi, anh sẽ rớt doanh thu!”, ông Tài nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại