Đòn "ly gián" Nga-Thổ "tầm thường" của Mỹ: Đâu phải cứ có tiền là mua được S-400?

Mạnh Kiên |

Mỹ dường như đã ngây thơ khi cho rằng hỏi mua S-400 là điều dễ dàng, bởi vũ khí của Nga không phải cứ có tiền là mua được.

Đề xuất lạ thường

Mới đây, Thượng nghị sĩ John Thune của đảng Cộng hòa đã đề xuất một cách tiếp cận mới để giải quyết tranh cãi S-400 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua. Theo đó, chính trị gia này đề nghị Ankara bán lại hệ thống phòng không của Nga cho Washington và Ankara có thể quay lại chương trình tiêm kích tàng hình F-35.

Ý tưởng này dự kiến là một trong những điều khoản sửa đổi của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2021, cho phép Washington mua hệ thống S-400 thông qua ngân sách mua sắm dành cho quân đội Mỹ.

Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ - vốn bị trục xuất khỏi chương trình F-35 vì mua S-400 - có thể trở lại, tiếp tục cung cấp hơn 100 bộ phận và lắp ráp phụ tùng cho máy bay chiến đấu, đồng thời đóng vai trò là một trung tâm sửa chữa trong khu vực.

Trong thương vụ tốn nhiều giấy mực của báo chí giữa bộ ba Nga-Thổ-Mỹ, giới quan sát đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ là bên hao tiền tốn của khi đã trả hơn 2,5 tỷ USD để mua tên lửa S-400, nhưng cũng mất thêm lợi tức tiềm năng hàng tỷ đô la đến từ việc tham gia chương trình F-35.

Các nhà lãnh đạo NATO và các quốc gia đối tác F-35 khác cũng đồng tình với quyết định trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình, bởi việc vận hành máy bay tàng hình gần với tên lửa S-400 được cho là sẽ giúp Nga nắm bắt những thông số kỹ thuật bí mật của F-35.

Khủng hoảng S-400 cũng khiến cho quan hệ vốn chua cay giữa Washington và Ankara càng thêm sóng gió. Đã có nhiều giải pháp được hai bên đưa ra để tháo gỡ tình hình nhưng bế tắc vẫn còn đó, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ phải chịu trừng phạt một khi kích hoạt hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.

Chính bởi vậy, cách tiếp cận của Thượng nghị sĩ Thune được đánh giá là có thể tránh những thiệt hại tiềm tàng giữa hai quốc gia đồng minh NATO.

Kế ly gián Nga-Thổ

Không như suy nghĩ đơn giản của Thượng nghị sĩ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có bất kỳ ý định nào sẽ cân nhắc làm theo.

Đòn ly gián Nga-Thổ tầm thường của Mỹ: Đâu phải cứ có tiền là mua được S-400? - Ảnh 2.

Tranh cãi F-35 sẽ chưa ngã ngũ cho đến khi cuộc bầu cử Mỹ kết thúc.

Trong phản ứng gần như ngay lập tức, Nga khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không được tự ý bán lại S-400 cho một bên thứ ba nào khác mà không có sự đồng ý của nước này. Về phần mình, Ankara cũng đưa ra một tuyên bố thể hiện quan điểm chắc chắn của mình và làm yên lòng đối tác bán vũ khí.

"Không có căn cứ pháp lý nào để Thổ Nhĩ Kỳ bán hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất", Omer Celik, thư ký báo chí của đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong cuộc họp báo ngày 30/6. Ông Celik tuyên bố rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là "nước cuối cùng" sử dụng hệ thống phòng không S-400.

Theo đánh giá của giới quan sát, Nga-Thổ dường như nhận ra rằng đề xuất của Thượng nghị sĩ Mỹ dường như chỉ là một chiêu trò ly gián.

Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, Erdogan Karakus, tướng lĩnh nghỉ hưu của không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, "những lời hoa mỹ" của Mỹ về việc mua lại hệ thống S-400 có liên quan đến ý đồ thúc đẩy Moscow-Ankara chống lại nhau.

"Mục tiêu của Mỹ là phá vỡ mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Họ đang cố gắng đẩy hai nước chống lại nhau ở Syria, Libya và một số khía cạnh khác.

Đề nghị của Washington về S-400 không nên được chấp nhận vì nó sẽ gây tổn hại đến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là những gì phía Mỹ đang thực sự theo đuổi", ông Karakus nói.

Ông nhấn mạnh Mỹ đã liên tục thực hiện các sáng kiến ​​như vậy. Do đó, đề nghị gần đây không khiến giới quan sát cảm thấy ngạc nhiên.

"Đây là một đề xuất hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Ankara. Nga đặt niềm tin vào chúng tôi và quyết định cung cấp các hệ thống này.

Sự tôn trọng của Moscow, cũng như các hệ thống phòng không, có giá trị đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ không nên làm mất lòng tin của Nga vì Mỹ. Đề xuất của Mỹ đặt câu hỏi về độ tin cậy của chính họ với tư cách là một đối tác", Karakus nói thêm.

Vị tướng nghỉ hưu cũng nhận định, để mua được S-400 không phải dễ dàng và không phải ai trả tiền cũng mua được vũ khí này. Ông dẫn lại ví dụ về F-35, khi phía Thổ Nhĩ Kỳ dù đã trả tiền vẫn bị Mỹ từ chối cung cấp máy bay.

Karakus cũng nhấn mạnh rằng Ankara không nên mong đợi những tiến bộ về vấn đề F-35 vốn nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trước khi cuộc đua bầu cử ở Mỹ kết thúc.

"Tôi tin rằng lập trường của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn liên quan đến cuộc bầu cử". Có lẽ Tổng thống Donald Trump sẽ tăng thêm áp lực nào đó với Ankara để giành lợi thế bầu cử", ông kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại