Màu trắng và những điều lạ kỳ trong dịp Tết của người Mông Cổ

Trần Quỳnh |

Tế lửa, mặc đồ trắng, đua ngựa... là những phong tục kỳ lạ và độc đáo trong ngày Tết Nguyên Đán ở Mông Cổ.

Tôn sùng màu trắng trong dịp Tết

Ở Mông cổ, Tết Âm lịch có rất nhiều cách gọi như “Tết Phô mai”, “Tiệc Ni Cát Lặc"… nhưng phổ biến hơn cả vẫn là “Bạch Tiết”.

Từ thời cổ xưa, dân tộc Mổng Cổ vô cùng coi trọng màu trắng, nên tháng giêng trong nông lịch được gọi là “Bạch Nguyệt” (Tháng trắng). Lễ mừng năm mới cũng vì vậy mà có tên là “Bạch Tiết” (Tết trắng).


Người Mông Cổ tin rằng trang phục màu trắng sẽ đem lại những điều may mắn cho họ trong năm mới. (Ảnh: nguồn internet).

Người Mông Cổ tin rằng trang phục màu trắng sẽ đem lại những điều may mắn cho họ trong năm mới. (Ảnh: nguồn internet).

Người Mông Cổ từ lâu đã xem màu trắng là biểu tượng của sự thuần khiết, đem lại sự cát tường, may mắn. Trong những ngày đầu năm mới, họ thường mặc đồ trắng, mời nhau sữa trắng, tặng đồ trắng thay cho lời chúc tân xuân.

Tế lửa

Hỏa thần là một trong những vị thần tối cao được thờ phụng theo tín ngưỡng Mông Cổ. Do đó, họ thường tổ chức lễ “Tế lửa” cuối năm để tỏ lòng thành kính với vị thần này.

Người Mông Cổ cũng tin rằng: lửa đại diện cho sự kế thừa và quyết định sự thịnh vượng của một gia tộc.

Lễ tế diễn ra vào chạng vạng ngày 23 tháng chạp, sau khi nhà cửa được dọn dẹp. Nghi thức cúng tế được diễn ra tương đối cầu kỳ và long trọng. Gia chủ sẽ chuẩn bị thịt dê, khăn ha đa (một loại khăn truyền thống) màu trắng, mỡ bò và rượu làm tế phẩm.


Buổi “Tế lửa” diễn ra vào cuối năm trong một đại gia đình Mông Cổ. (Ảnh: nguồn internet).

Buổi “Tế lửa” diễn ra vào cuối năm trong một đại gia đình Mông Cổ. (Ảnh: nguồn internet).

Sau đó, chủ nhà sẽ châm chín ngọn đèn nhỏ, đưa tế phẩm vào lửa và khấn vái cầu phúc cho gia đình. Trong lúc tiến hành nghi thức, đàn ông đứng trước, phụ nữ đứng sau, cùng nhau chắp tay cầu phúc.

Khi nghi thức kết thúc, tế phẩm sẽ được lấy ra để cả gia đình cùng thưởng thức, nếu còn dư nhiều sẽ đem chia cho họ hàng. Thời xưa, những gia đình giàu có còn mời các thầy tu chủ trì cho nghi thức quan trọng này.

Món ăn truyền thống độc đáo

Trước đêm Giao thừa, với quan niệm “tiễn cái cũ đi, đón cái mới tới”, người Mông Cổ thường rửa sạch chén bát bằng sữa ngựa. Vào thời khắc chuyển giao sang năm mới, họ còn duy trì tập tục uống trà.

Phong tục thưởng trà trong đêm Giao thừa ở Mông Cổ khá công phu: chủ nhà rót ra một chén trà đầu tiên, đem ra sân trước vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ hai dành cho người chủ gia đình, các chén sau đó mời những thành viên còn lại.


Bữa ăn ngày Tết thịnh soạn trong một gia đình Mông Cổ. (Ảnh: nguồn internet).

Bữa ăn ngày Tết thịnh soạn trong một gia đình Mông Cổ. (Ảnh: nguồn internet).

Món ăn truyền thống trong dịp Tết Mông Cổ được gọi là “Tsagaan Sar”. Đây là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê.

Cơm được ăn cùng với sữa đông, nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa… Bên cạnh đó, do du nhập một số phong tục từ người Hán, trên bàn ăn của người Mông Cổ cũng có vằn thắn và sủi cảo vào dịp đầu năm.

Nghi thức uống rượu cầu kỳ

Vào ngày mùng 1, người trẻ trong nhà có nhiệm vụ kính rượu các bậc trưởng bối. Khi đó, người mời rượu phải quỳ để tỏ lòng thành kính.


Uống rượu là điều không thể thiếu trong các dịp lễ tết ở Mông Cổ. (Ảnh: nguồn internet).

Uống rượu là điều không thể thiếu trong các dịp lễ tết ở Mông Cổ. (Ảnh: nguồn internet).

Đàn ông sẽ quỳ hai gối, cúi đầu xuống thấp, cung kính đưa hai tay về phía trước. Con gái chưa gả chồng cũng hành lễ như vậy. Phụ nữ đã xuất giá chỉ cần quỳ một gối, tay phải đưa lên để mời rượu. Tân nương mới lấy chồng trong lúc kính rượu lại cần ca hát.

Khi nhận rượu mời, các bậc trưởng bối trong gia đình cầu phúc và tuổi thọ cho con cháu.

Mời rượu khi đi chúc Tết cũng phức tạp không kém. Tới nhà người khác, việc đầu tiên phải làm là cúi đầu trước Phật đường, sau đó hành lễ với bậc trưởng bối trong nhà.

Trong lúc chủ nhà kính rượu, bản thân không được phép ngồi, cũng phải uống hết rượu trong cốc để đáp lễ.

Những phong tục bắt nguồn từ gia súc

Mỗi dịp năm hết Tết đến, các bậc cao niên trong những ngôi làng của Mông Cổ thường ăn vận như người chăn dê: khoác áo lâu, đội mũ da. Trên tay họ cầm một chiếc roi, liên tiếp quất vào không trung.

Người Mông Cổ cho rằng hành động này có thể “trừ tà”, bảo vệ dân làng và đàn gia súc của họ.


Sự gắn bó với thảo nguyên và các đàn gia súc đã khiến những con vật này gắn bó đời sống và phong tục của các bộ lạc Mông Cổ. (Ảnh: nguồn internet).

Sự gắn bó với thảo nguyên và các đàn gia súc đã khiến những con vật này gắn bó đời sống và phong tục của các bộ lạc Mông Cổ. (Ảnh: nguồn internet).

Sau ngày mùng 1, nam nữ thanh niên thường chọn con ngựa tốt trong nhà để đi xuống “làng” chúc Tết các trưởng bối. Người trẻ đều chọn dịp này để thể hiện tài năng cưỡi ngựa của mình, đường xuống làng cũng vì vậy mà trở thành đường đua của nam thanh nữ tú.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại