Chu Nguyên Chương và những cuộc "tắm máu" người tài

Trần Quỳnh |

Mối nghi ngờ vô căn cứ và sự tàn bạo của Chu Nguyên Chương đối với tầng lớp trí thức đã khiến ông trở thành nỗi ám ảnh của giới sĩ phu, văn nhân đương thời.

Trước khi nhà Minh được thành lập, luật lệ của các triều đại trước đó tuy có nghiêm ngặt, nhưng tầng lớp sĩ phu vẫn được hưởng một vài điều đặc cách nhất định.

Hình thức “sơn lâm ẩn dật” (quy về ở ẩn trong núi rừng) không chỉ được vua chúa khoan dung mà còn được xã hội tôn sùng. Đây chính là “luật bất thành văn” lưu lại cho dân chúng một khoảng trời tự do ít ỏi.

Khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, khung trời tự do cuối cùng này cũng bị tước đoạt. Giới sĩ phu nước nhà phải chịu đủ sự bức bách từ vị Hoàng đế khai quốc này.

Mối ác cảm thường trực đối với tầng lớp trí thức

Đối với việc quy ẩn, Minh Thái Tổ vô cùng bất mãn. Ông cho rằng: phàm là kẻ đọc sách mà không muốn cống hiến cho mình, ắt bởi kẻ đó khinh thường xuất thân làm ăn mày, hòa thượng của ông ngày trước.

Do đó, Chu Nguyên Chương hạ lệnh: “Sống trong bờ cõi này đều là thần tử của nhà vua. Đối với kẻ sĩ mà vua không dùng được, lại tự cho mình cái quyền đứng ngoài thế sự, chém đầu hay tru di cũng không có gì quá đáng.”

Chiếu chỉ trên đã định thêm cho pháp luật Đại Minh một trọng tội mang tên “sĩ phu không cống hiến cho vua”. Điều này cũng phản ánh suy nghĩ của Thái Tổ lúc bấy giờ.

Chu Nguyên Chương cho rằng, thiên hạ này là thiên hạ của mình, những kẻ đọc sách kia đều may mắn hưởng ơn của họ Chu mà sống sót, nếu không phục vụ cho giang sơn của Chu gia sẽ phải chịu tội chết.

Chính sách “cà rốt và cây gậy” được Thái Tổ áp dụng đã tạo nên hiệu quả rõ ràng. Phần tử trí thức trong thiên hạ không còn dám “trốn đông trốn tây”, đều dắt nhau ra phục vụ chính quyền mới.

Nhờ vậy, hệ thống quan lại của vương triều đại Minh được thành lập, các cơ quan trọng yếu của quốc gia cũng bước đầu đi vào hoạt động.

Từ sự nghi ngờ bắt nguồn từ một điển cố…

Đến lúc tuổi già, Chu Nguyên Chương chính thức “đại khai sát giới” với tầng lớp sĩ phu.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt thảm kịch đẫm máu nhất trong lịch sử đối với giới trí thức xảy ra vào những năm Hồng Vũ (niên hiệu từ năm 1368 – 1398 của Minh Thái Tổ).

Tuy luôn mang suy nghĩ coi thường kẻ sĩ, nhưng sự đề phòng của Chu Nguyên Chương đối với đối tượng này lại chưa bao giờ lơi lỏng. Sự mâu thuẫn trong tâm lý của Minh Thái Tổ bắt nguồn từ điển cố “Sỹ Thành tiểu nhân”.

Tương truyền rằng, năm xưa có một vị quan võ bất mãn Chu Nguyên Chương “trọng văn khinh võ”, đã liều mạng tâu với Hoàng đế. Ông gọi kẻ sĩ là những người “lòng dạ nhỏ nhen”, khuyên nhà vua phải “vả vào cái miệng cay nghiệt” của họ.

Ngay trên triều đình, vị quan này còn công khai mắng chửi giới văn nhân: “Người đọc sách có lòng dạ ác độc, đặc biệt giỏi châm chọc, nếu không cảnh giác sẽ dễ bị bọn chúng lừa gạt.”


Các quan văn và giới sĩ phu trở thành cái gai trong mắt Chu Nguyên Chương chỉ vì một điển cố. (Ảnh minh họa).

Các quan văn và giới sĩ phu trở thành cái gai trong mắt Chu Nguyên Chương chỉ vì một điển cố. (Ảnh minh họa).

Để thuyết phục nhà vua bằng lý lẽ của mình, vị võ quan ấy còn nhắc tới Trương Sĩ Thành – một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân cuối đời nhà Nguyên:

- Trương Cửu Tứ (tên cũ của Sĩ Thành), cả đời sủng ái văn nhân, cho họ nhà cao cửa rộng. Vậy mà đến khi nhờ họ chọn tên lại bị lừa gạt, đổi tên sang “Sĩ Thành”.

Chu Nguyên Chương nói:

- Trẫm thấy cái tên này rất tốt, có gì mà xấu?

Vị quan nọ giải thích:

- Điểm xấu vô cùng lớn. Người phụ tá của thần nói rằng: “Mạnh Tử” có câu “Sĩ, thành tiểu nhân dã” (người kẻ sĩ thành ra kẻ tiểu nhân vậy), đọc chệch đi sẽ là “Sĩ Thành, tiểu nhân dã”. Đây chính là cách những tên văn nhân đó mắng Trương Sĩ Thành là kẻ tiểu nhân.

Chu Nguyên Chương nghe xong không khỏi giật mình, lập tức tra cứu trong “Mạnh Tử” thì quả nhiên tìm được câu như vậy.

Khi đó, ông vừa phục vừa sợ mà nghĩ: Trương Sĩ Thành cũng có thể được coi là nửa đời quân vương, nửa đời còn lại bị mắng là tiểu nhân, đến chết cũng không biết, quả thật đáng thương!

Sau đó, Minh Thái Tổ cho rằng họ Trương kia xuất thân là kẻ buôn lậu nên mới bị đám văn nhân coi thường, giễu cợt. Ngẫm người lại thấy mình, Chu Nguyên Chương thầm nghĩ: bản thân ông từng là ăn xin, hòa thượng, ắt cũng bị những kẻ đó ngấm ngầm khinh bỉ.

Từ đó về sau, Minh Thái Tổ bắt đầu nổi lên lòng nghi ngờ đối với các quan văn, xem tấu chương cũng tìm mọi cách để “bới lông tìm vết”.

…đến những kết cục đẫm máu của giới sĩ phu

Sinh thời, Chu Nguyên Chương luôn miệng tự xưng là người “đi lên từ đồng ruộng”, “xuất thân áo vải”. Những lời này nghe qua có vẻ vô cùng hào sảng, thắng thắn.

Nhưng trên thực tế, thân phận ăn xin, hòa thượng năm nào vẫn mãi là vết sẹo chưa lành không thể đả động đến trong lành Minh Thái Tổ.

Kỳ thực, con dân của Đại Minh không ai có gan dám “đụng” tới xuất thân của Hoàng đế. Nhưng bản thân Chu Nguyên Chương luôn mang mặc cảm tự ti, suốt ngày nghi ngờ, phòng bị quá mức.

Để tránh đi vào vết xe đổ của Trương Sĩ Thành năm xưa, ông soi xét rất kỹ lời lẽ từ các quan văn, cũng đưa vô số từ “dễ hiểu nhầm” vào danh sách cấm kỵ của riêng mình.

Theo đó, phàm là những từ như “quang” (nhẵn bóng), “thốc” (trọc), “tăng” (nhà sư) hay những chữ có liên quan tới hòa thượng đều nằm trong “danh sách đen” của vị vua này.

Các đại thần hiểu ý Thiên tử, từ lời ăn tiếng nói cho tới từng chữ trong tấu chương đều hết sức cẩn trọng. Nhưng Chu Nguyên Chương vẫn không hề an lòng.

Đứng trước lời lẽ khép nép của các quan văn, ông lại càng nghi ngờ họ cố tình ăn nói văn hoa, lòng vòng để… chửi khéo mình!


Dưới thời Chu Nguyên Chương, các văn nhân có thể dễ dàng vong mạng chỉ vì một vài từ ngữ đụng chạm đến xuất thân của nhà vua. (Tranh minh họa).

Dưới thời Chu Nguyên Chương, các văn nhân có thể dễ dàng vong mạng chỉ vì một vài từ ngữ "đụng chạm" đến xuất thân của nhà vua. (Tranh minh họa).

Mối hoài nghi vô căn cứ trên lại khiến cho danh sách các từ “phạm húy” đối với nhà vua càng ngày một nhiều và lố lăng hơn.

Từ “sinh” (đọc là “shēng”) vì phát âm gần giống với “tăng” (đọc là “sēng”) cũng khiến Hoàng đế không hài lòng. Từ “tắc” (zé) cũng là cấm kỵ vì một số nơi phát âm giống từ “tặc” (zéi) – có nghĩa là kẻ trộm.

Dưới thời Chu Nguyên Chương, vô số sĩ phu, văn nhân đã phải chịu cảnh máu chảy, đầu rơi vì những từ ngữ như vậy.

Nhà thơ lớn nhất đời nhà Minh là Cao Khải là một nạn nhân nổi tiếng của những án văn tự trong năm Hồng Vũ.

Năm xưa, Cao Khải miễn cưỡng phải vào kinh, được Chu Nguyên Chương ban thưởng chức Hữu thị lang bộ Hộ. Nhưng ông nhất quyết từ chối, một mực xin về quê, khiến nhà vua vô cùng “chướng mắt”.

Một thời gian sau, Tri phủ Tô Châu là Ngụy Quan xây dựng phủ đệ trên nền cung điện của Trương Sĩ Thành, bị Chu Nguyên Chương khép vào tội đại nghịch, phải nhân án tử.

Sau khi tra xét, Cao Khải lại phải chịu án liên đới. Nguyên nhân là do lúc phủ đệ này được xây dựng, nhà thơ nổi tiếng này từng làm một bài thơ ngợi khen phong thủy nơi đây, trong đó có bốn chữ “hổ cứ long bàn” (rồng cuộn hổ ngồi).

Vốn đã không ưa Cao Khải, Chu Nguyên Chương dùng bốn chữ này khép ông vào tội xúi giục Ngụy Quan mưu phản, ra lệnh xử tử giữa chợ, sau đó xẻ thây làm 8 mảnh.

Các nhà thơ nổi tiếng khác như Đới Lương, Trương Mạnh Kiêm năm xưa cũng từng vì có thơ, văn “phạm húy” mà phải chịu kết cục bi thảm.

Không khoan dung với kẻ sĩ đương thời, ngay đối với các bậc tiền nhân, Chu Nguyên Chương cũng không khoan nhượng.

Cuốn “Mạnh Tử” có một vài câu sau: “Vua xem bề tôi như tay chân, thì bề tôi coi vua như lòng dạ. Vua xem bề tôi như chó ngựa, thì bề tôi coi vua như dân thường. Vua xem bề tôi như đất cỏ thì bề tôi coi vua như giặc cướp, như kẻ thù.”

Minh Thái Tổ coi đó là những lời “đại nghịch bất đạo”, hạ lệnh loại bài vị của Mịnh Tử ra khỏi miếu thờ, xóa bỏ tư cách “Á thánh” của ông.

Các thảm án văn tự trong những năm Hồng Vũ không chỉ phản ánh sự bạo tàn của Chu Nguyên Chương mà còn nói lên tâm lý tự ti của vị vua này đối với tầng lớp sĩ phu, văn nhân Trung Hoa lúc bấy giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại