Thủ cấp Chu Nguyên Chương và cái giá đẫm máu chấn động Minh triều

Trần Quỳnh |

Vì giấc mộng đế vương, vị Tể tướng Minh triều Hồ Duy Dung đã cất công thuê 400 sát thủ Nhật Bản hòng lấy thủ cấp của Hoàng đế Chu Nguyên Chương.

Minh triều vừa thành lập, thiên hạ vừa định yên, cũng là lúc Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương bắt đầu công cuộc “khai tử” một loạt các công thần.

Vào năm Hồng Vũ thứ 13, ông hạ thủ Tể tướng đương triều là Hồ Duy Dung vì có dụng tâm làm phản. Nếu tính cả bè lũ “Hồ đảng” và những người có liên quan, thì số người vong mạng trong cuộc thanh trừng chính trị này lên tới... hàng vạn!

Từ chức quan “hạ cấp” tới Tể tướng đương triều

Minh triều dưới thời Chu Nguyên Chương có 4 vị Thừa tướng: Lý Thiện Trường, Từ Đạt, Uông Quảng Dương và Hồ Duy Dung. Trong số đó, ngoài Từ Đạt được truy phong, ba người còn lại đều từng đích thân đảm đương cương vị Tể tướng.

Hồ Duy Dung xuất thân là người Định Viễn. Năm 15 tuổi, Hồ Duy Dung đầu quân cho Chu Nguyên Chương khi ông đánh vào Hòa Châu. Xuất thân là kẻ có chữ nghĩa, họ Hồ rất nhanh đã trở thành “cán bút” cho nhiều tướng soái trong Chu phủ.

Khi còn trẻ, Hồ Duy Dung nhờ gặp thời nên được làm Tri huyện Ninh Quốc (khi đó tri huyện là chức quan ở mức “hạ cấp”).

Nhờ vơ vét của cải một cách khôn ngoan, lại biết mua đường quan lộ, họ Hồ đã dâng lên thủ hạ thân tín của Chu Nguyên Chương là Lý Thiện Trường 200 lượng vàng để lên trung ương làm chức Thái Trường Khanh.

Sau đó, Hồ Duy Dung tiếp tục gả cháu gái cho cháu trai của Lý Thiện Trường nhằm mục đích kết thông gia với nhà họ Lý để tạo phe phái gia tăng thế lực.


Từ một chức quan hạ cấp tại địa phương, Hồ Duy Dung đã dùng tiền bạc và thủ đoạn để leo lên chức Tể tướng Minh triều.

Từ một chức quan hạ cấp tại địa phương, Hồ Duy Dung đã dùng tiền bạc và thủ đoạn để leo lên chức Tể tướng Minh triều.

Sau khi Lý Thiện Trường cáo ốm từ quan, Chu Nguyên Chương bắt đầu tìm kiếm người kế nhiệm chức vị Tể tướng đương triều. Khi bàn bạc với Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn), người đầu tiên Minh Thái Tổ cân nhắc chính là Dương Hiến.

Khi ấy, Lưu Cơ dù có mối quan hệ tốt với Dương Hiến, nhưng vẫn thẳng thừng nhận xét: “Dương Hiến có tài làm Tể tướng, nhưng không có khí chất của bậc Tể tướng.

Người làm chức này phải có tâm như nước, hành sự vì nghĩa lý, đặt mình vào hoàn cảnh mà suy xét. Dương Hiến không có lòng độ lượng như vậy.”

Chu Nguyên Chương lại đề cử Uông Quảng Dương. Lưu Cơ vẫn từ chối: “Người này kém xa Dương Hiến.”

Khi nhắc tới cái tên Hồ Duy Dung, Lưu Cơ càng phản đối cật lực, cho rằng họ Hồ “nhỏ bé không thể làm nên đại sự”.

Vậy, vì sao một kẻ bị gạt khỏi danh sách đề cử như Hồ Duy Dung lại có thể leo lên vị trí “dưới một người trên vạn người” trong triều đình?

Công bằng mà nói, Hồ Duy Dung mặc dù “ngoại hình dù nhỏ bé”, nhưng xét về tâm cơ, thủ đoạn thì lại là một “lão hổ”.

Sau khi nghe tin Dương Hiến được tiến cử làm Tể tướng, họ Hồ đã lặn lội về quê gặp Lý Thiên Trường. Để tranh thủ sự đồng tình của họ Lý, Hồ Duy Dung đã lấy cảnh “đồng hương” ra làm lý do.

Họ Hồ này cho rằng “người Sơn Tây” (chỉ Dương Hiến) làm đại quan, ắt khiến người Hoài Nhân (quê của Hồ Duy Dung và Lý Thiện Trường) không yên ổn.

Triều đình khi ấy có rất nhiều quan lại gốc Hoài Nhân. Lý Thiện Trường và Hồ Duy Dung đã nhân cơ hội này kết thành bè đảng, đổ tội cho Dương Hiến. Sau này, Dương Hiến bị Chu Nguyên Chương ban án tử.

Lý Thiện Trường khi đó cật lực đề cử Hồ Duy Dung với Hoàng đế. Năm Hồng vũ thứ 6, họ Hồ thuận lợi nhậm chức Thừa tướng.

Được vài năm, Hồ Duy Dung bắt đầu lộng quyền: “Từ việc giết người, thăng chức, bãi quan… không tâu lên Hoàng đế. Chuyện trong ngoài trước hết đều qua tay Tể tướng. Phàm là tấu chương bất lợi cho mình đều đem bỏ.”

Vì vậy “quan lại bốn phương từ ngựa quý, trân bảo, vàng bạc, lụa là… đều đem tới biếu, nhiều không kể xiết.”

Lợi dụng chức vị Tể tướng, Hồ Duy Dung không những “một tay che trời”, mà còn tiến hành thanh trừng các đối thủ.

Họ Hồ từng đổ oan cho Đại tướng quân Từ Đạt tội mưu phản, sai ngự y lén bỏ thuốc hạ độc đại thần Lưu Cơ. Từ sau khi loại trừ được hai vị đại thần này, kẻ làm Tể tướng kia lại càng không kiêng nể ai.

Nuôi mộng đế vương cũng vì phong thủy

Một lần, giếng ở quê gốc nhà Hồ Duy Đung đột nhiên xuất hiện “măng đá” – thứ được coi là điềm lành trong phong thủy. Lại có người nói rằng mộ tổ họ Hồ “đêm đêm tỏa ra ánh lửa sáng như ban ngày.”

Duy Dung tự cho đó là điềm trời báo, nuôi mộng một ngày bản thân “thăng tiến” lên làm Hoàng đế.

Đúng lúc đó, trong triều có hai vị công thần đang bị Chu Nguyên Chương dọa ‘khai tử” là An hầu Lục Trọng Hanh và Bình Lương hầu Phí Tụ. Hai người này tới cầu cứu Tể tướng.

Hồ Duy Dung nhân cơ hội đó mở rộng phe cánh, lại thu thập binh mã để “phòng có lúc gấp cần dùng đến”. Trong triều, “Hồ đảng” còn có Trần Ninh hỗ trợ. Hai kẻ này nắm trong tay bản đồ điều động binh mã Minh triều, nuôi mộng đảo chính.

Để tiện hành sự, Hồ Duy Dung còn dụ dỗ em trai của Lý Thiện Trường là Thái bộc Lý Tồn Nghĩa lôi kéo thế lực nhà họ Lý vào cuộc. Tuy nhiên Lý Thiện Trường lúc đó đã gián tiếp từ chối.

Mặc dù là âm mưu làm phản, nhưng họ Hồ hành sự lỗ mãng, không những để cho nhiều người biết mà còn kinh động tới cả đội cấm vệ.

Thuê 400 sát thủ ngoại quốc hòng lấy thủ cấp Hoàng đế

Nhằm tiến hành âm mưu “nội ứng ngoại hợp”, Hồ Duy Dung một mặt âm thầm chuẩn bị nhân lực, tài lực, mặt khác lại “cầu cứu” các thế lực bên ngoài.

Kẻ này sai người gửi thư đến Thái tử của Nguyên Thuận Đế trong sa mạc tự nhận làm “thần tử” (bề tôi), đồng thời cũng cử Lâm Hiền Thung vượt biển sang cầu viện Nhật Bản.

Lâm Hiền Thung tới Nhật Bản, mượn được 400 binh. Đội quân này gồm những sát thủ tới Trung Hoa trên danh nghĩa tiến cống.


400 sát thủ Nhật Bản là thứ vũ khí bí mật được Hồ Duy Dung sử dụng hòng lấy thủ cấp Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.

400 sát thủ Nhật Bản là thứ vũ khí bí mật được Hồ Duy Dung sử dụng hòng lấy thủ cấp Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.

Âm mưu ám sát cũng được chuẩn bị rất chu toàn: Khi sứ thần dâng cống phẩm, bên trong các hòm này sẽ được bố trí sẵn hỏa dược và đao kiếm. Lợi dụng lúc triều đình sơ sẩy, 400 sát thủ sẽ nhân cơ hội tiến hành ám sát Hoàng đế ngay trên đại điện.

Tuy nhiên kế hoạch chu toàn của Hồ Duy Dung lại bị đổ bể vì ba lý do:

Thứ nhất: Hồ Duy Dung không báo cáo chuyện Chiêm Thành tiến cống khiến Chu Nguyên Chương tức giận trách phạt. Điều này đã khiêu khích sự tức giận và chú ý từ phía Hoàng đế đối với vị Tể tướng đương triều này.

Thứ hai: Chu Nguyên Chương phát hiện ra điểm bất thường trong cái chết của Lưu Cơ.

Thứ ba: Con trai Hồ Duy Dung bị tai nạn xe ngựa qua đời. Vị Tể tướng này ỷ thế làm càn, giết chết người đánh xe. Chu Nguyên Chương khi đó vô cùng phẫn nộ, đã lấy đó làm lý do để ép họ Hồ này “đền mạng.”

Đó là chưa kể tới việc vào thời khắc then chốt, Hồ Duy Dung còn bị chính “anh em cột chèo” của mình bán đứng.

Ngự sử trung thừa Đồ Tiết vào năm Hồng Vũ thứ 12 đã tố giác Hồ Duy Dung với Chu Nguyên Chương. Một đồng sự khác của “Tể tướng” trước đó vì bị chính tay Hồ Duy Dung giáng chức, cũng đã bí mật báo với Hoàng đế âm mưu của kẻ này.

Chính những điều trên đã khiến Hồ Duy Dung từ thế tự đắc tới thế “túng quá làm càn”.

Theo “Minh thông ký”: Tháng giêng năm Hồng Vũ thứ 13, Hồ Duy Dung rêu rao rằng giếng nước trong phủ chảy ra rượu ngon, liền mới Hoàng đế tới thưởng thức. Khi đoàn người ngựa đi tới Tây Hoa Môn, có một thái giám liều mình chặn ngựa.

Vì miệng không thể nói, người này liên tục khoa chân múa tay khiến nhiều người tưởng ông ta bất kính với Hoàng đế. Bị đánh đến thập tử nhất sinh, nhưng vị thái giám này vẫn kiên trì dùng các động tác tay, chân tố cáo Hồ Duy Dung.

Đại ý tố cáo là: “Đứng trên tường thành nhìn ra Hồ phủ thấy binh lính phục ở vách tường, đao kiếm san sát, xin Hoàng thượng mau phái quân tới yểm hộ.”

Trên thực tế, thời ấy không có ống nhòm hay kính viễn vọng, làm sao có thể “đứng từ trên tường thành nhìn thấy bên trong Hồ phủ”?

Tuy nhiên, cùng với những chứng cứ đã thu thập trước đó, rất có thể đây cũng là một lý do để Chu Nguyên Chương bắt Hồ Duy Dung.

Như vậy, khi 400 sát thủ Nhật Bản chỉ mới di chuyển đến Nam Kinh thì chủ mưu Hồ Duy Dung đã bị giết. Số người này vừa lên bờ đã bị “đánh úp”, trên danh nghĩa được đưa tới khu rừng núi Vân Nam để “lao động cải tạo”.

Suy cho cùng, Hồ Duy Dung làm phản cũng do sợ hãi trước công cuộc thanh trừng của Minh Thái Tổ.

Chứng kiến một loạt kết cục bi thảm của các bậc công thần, họ Hồ không khỏi nuôi ý định: “Chủ thượng (chỉ Hoàng đế) đã có ý giết công thần, ta cũng khó thoát. Cùng là chết, chi bằng làm phản còn hơn là nằm yên chờ chết.”

Hồ Duy Dung lĩnh án tử, “Hồ đảng” cũng không tránh khỏi kết cục đổ máu. Nếu tính cả họ hàng, bè đảng, những kẻ có giao du, số người thiệt mạng trong vụ án này lên tới 1 vạn 5 ngàn người.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại