Doanh nghiệp thất vọng vì lãnh đạo Trung Quốc nói mà không làm

Cẩm Bình |

Trang Bloomberg cho hay nhiều doanh nghiệp đa quốc gia cảm thấy thất vọng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ tập trung vào chính trị, lơ là trong thực hiện những cam kết về cải cách và mở cửa nền kinh tế.

Bloomberg cho biết từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã nói rất nhiều về việc mở cửa hơn nữa nền kinh tế. Hứa hẹn của ông Tập bắt đầu bằng các chuyến thị sát đến các tỉnh miền nam Trung Quốc, tái hiện lại chuyến “Nam du” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nhằm kêu gọi cải cách thị trường vào những năm 1990.

Đến Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 18 năm 2013, nhiều chính sách nhấn mạnh “vai trò quyết định” của các lực lượng thị trường được công bố.

Và trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không xem trọng toàn cầu hóa thì ông Tập tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã phát biểu: “Chọn chủ nghĩa bảo hộ là tự khóa mình trong một căn phòng tối”.

Chèn ép “người ngoài”

Tuy nhiên, Bloomberg cho biết lời nói của ông Tập không đi liền với hành động. Theo khảo sát vào tháng 1.2017 của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, có 81% trong tổng số 462 doanh nghiệp Mỹ được hỏi cảm thấy họ ít được hoan nghênh tại đây, và hơn 60% doanh nghiệp ít hoặc không tin vào khả năng thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa hơn trong 3 năm tới.

Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Bắc Kinh Mats Harborn cũng cho biết: “Các quyết định đầu tư và làm ăn không thể dựa trên dựa trên những lời hứa hẹn. Bây giờ chúng tôi muốn thấy lời nói biến thành những hành động mở cửa thị trường cụ thể”.

Bloomberg cũng cho hay mặc dù đã hứa cải cách nhưng Trung Quốc vẫn đứng thứ 59 trên tổng số 62 quốc gia được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp hạng về độ mở trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cũng theo Bloomberg, FDI đang ngày càng ít quan trọng hơn với nước này. Năm 2016, FDI chỉ chiếm hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc, thấp hơn tỷ lệ 2,3% năm 2006 và 4,8% năm 1996.

Bloomberg cũng chỉ ra trong những năm đầu Chủ tịch Tập nắm quyền, nhiều công ty nước ngoài đã trở thành đối tượng của chiến dịch chống tham nhũng, và những quy định chống độc quyền khắt khe hơn.

Ba hãng sản xuất sữa bột trẻ em Abbott Laboratories, Danone và Mead Johnson Nutrition vào năm 2013 phải nộp phạt tổng cộng 110 triệu USD vì bị cáo buộc thông đồng giữ giá sữa bột ở mức cao.

Vào tháng 9.2014, công ty dược phẩm GlaxoSmithKline hàng đầu của Anh vì “phạm phải những tội kinh tế nghiêm trọng”, trong đó có tội hối lộ, nên phải nộp phạt gần 500 triệu USD. Theo thông tin từ phía Trung Quốc vào thời điểm đó, GlaxoSmithKline ngoài nộp tiền phạt thì còn phải chấn chỉnh hoạt động kinh doanh để khắc phục những sai phạm.

Doanh nghiệp thất vọng vì lãnh đạo Trung Quốc nói mà không làm - Ảnh 1.

Công ty GlaxoSmithKline bị cáo buộc "phạm phải những tội kinh tế nghiêm trọng", trong đó có tội hối lộ, tại Trung Quốc - Ảnh: Youtube

Ưu tiên “người nhà”

Một kế hoạch lớn vừa được chính quyền Bắc Kinh đưa ra hòng sao chép công nghệ nước ngoài và nhanh chóng tạo ra những doanh nghiệp lớn đủ sức vươn ra thị trường toàn cầu.

Kế hoạch này mang tên “Made in China 2025”, được khởi động vào năm 2015 nhằm tăng năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong vòng 10 năm. Các ngành được thúc đẩy phát triển gồm chế tạo máy bay, phương tiện sử dụng năng lượng mới và công nghệ sinh học.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã gọi kế hoạch này là “cuộc tấn công vào những thiên tài Mỹ”. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 9, ông Ross đã chỉ trích nỗ lực gia tăng tỷ trọng robot sản xuất ở Trung Quốc từ 31% năm 2015 lên hơn 50% vào năm 2020 mà Bắc Kinh đang thực hiện.

Bloomberg cho biết để đạt được mục tiêu, giới chức nước này đã dùng đến mọi cách từ trợ cấp, cho vay lãi suất thấp, miễn thuế suất cho đến miễn phí thuê đất cho các nhà chế tạo lẫn doanh nghiệp mua robot.

Nhờ chính quyền giúp đỡ mà các doanh nghiệp Trung Quốc như công ty TNHH thiết bị robot E-Deodar (Quảng Đông), công ty TNHH cổ phần người máy tự động Tân Tùng (Liêu Ninh), công ty TNHH công nghệ thông minh Effort (An Huy) đã trở thành những tập đoàn đa quốc gia, đe dọa vị thế dẫn đầu của hai công ty cung cấp robot và phần mềm robot ABB Robotics (Switzerland) và Fanuc (Nhật Bản).

Doanh nghiệp thất vọng vì lãnh đạo Trung Quốc nói mà không làm - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất robot Trung Quốc được chính quyền hỗ trợ rất nhiều - Ảnh: China Daily


Ngoài “kế hoạch robot”, Trung Quốc hiện đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Theo tổ chức kiểm toán PwC, nước này mua gần 59% số lượng chíp bán ra trên toàn cầu nhưng các nhà sản xuất chíp của Trung Quốc chỉ chiếm 16,2% doanh thu bán hàng toàn cầu. “Made in China 2025” đã dành ra đến 150 tỷ USD để khắc phục điều này trong vòng 10 năm tới.

Hội đồng cố vấn Khoa học và Công nghệ của Tổng thống Mỹ (PCAST) cũng cho biết thêm rằng Bắc Kinh đang đưa ra các khoản trợ cấp khổng lồ cho những nhà sản xuất chíp nội địa, quy định công ty Trung Quốc chỉ mua chíp của nhà cung cấp Trung Quốc và yêu cầu công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc nếu muốn vào thị trường này làm ăn.

Theo báo cáo tháng 1.2017 của PCAST: “Những chính sách trên đã được Trung Quốc thực hiện trong hàng thập kỷ nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, tạo ra những doanh nghiệp mạnh và cuối cùng là đẩy lùi những đối thủ nước ngoài”.

Bloomberg chỉ ra rằng ông Tập hiện đang đi theo lối mòn của các lãnh đạo tiền nhiệm. Vào giữa những năm 2000, Trung Quốc đặt trọng tâm phát triển những lò phản ứng hạt nhân lớn và hiện đại.

Từ đó, các công ty nhà nước như Tập đoàn Điện nguyên tử Trung Quốc (CGN) và Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) bằng nhiều cách, trong đó có hợp tác với các công ty phương Tây, đã lấy được công nghệ của phương Tây trong lĩnh vực này.

Tại sao ông Tập không thực hiện cam kết cải cách kinh tế?

Một số nguồn tin Trung Quốc cho biết sở dĩ Chủ tịch Tập không thân thiện với doanh nghiệp nước ngoài là bởi vì ông phải tập trung nhiều vào chính trị. Các lãnh đạo Trung Quốc phải cố gắng củng cố quyền lực để các chương trình hành động của họ được hiện thực hóa. Chiến dịch chống tham nhũng và chương trình cải tổ quân đội là minh chứng rõ nhất.

Theo nhà báo Mỹ Sidney Rittenberg, người từng có 4 năm làm phiên dịch cho cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông: “Ông Tập hiện vẫn đang phải đấu tranh với phe chống lại một cuộc cải cách kinh tế lớn, do đó (Trung Quốc) không có tiến bộ về mặt này”.

Người điều hành công ty sản xuất vàng Barrick Gold John Thornton, người từng giúp tập đoàn Goldman Sachs xây dựng việc kinh doanh tại Trung Quốc trong những năm 1990, cho biết trong vòng 20 năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc từ trước đến nay đã ý thức được chuyện phải tăng tốc mở cửa cải cách, nhưng họ vẫn lo ngại việc tự do hóa quá nhanh sẽ khiến thị trường bị doanh nghiệp nước ngoài thao túng.

Theo ông Cao Chí Khải, người từng làm trung gian tài chính cho Morgan Stanley với công ty vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), trong những năm 1990 Trung Quốc phụ thuộc vào vốn đầu tư, kỹ thuật và kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên hiện nay đã khác, doanh nghiệp nước ngoài trở nên kém hấp dẫn hơn vì những gì họ có Trung Quốc cũng đã có.

Ông Cao nhận định: “Xét về dân số, số người dùng Internet, số người dùng điện thoại di động và một số mặt khác thì Trung Quốc là nước lớn nhất thế giới. Đã đến lúc Trung Quốc dẫn đầu xu hướng toàn cầu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại