Đô đốc Mỹ chê Hải quân Trung Quốc non kém

Đan Nguyên |

Khi nói về chiến hạm Trung Quốc, Phó Đô đốc Tom Rowden cho rằng đội tàu chiến Bắc Kinh yếu kém về nhiều mặt và không thể so sánh với Mỹ.

Thử nghiệm vội vàng

Nhận định của Phó Đô đốc Hải quân Mỹ, Tom Rowden được đưa ra khi ông này trả lời phỏng vấn của Tạp chí Defense News về sức mạnh lực lượng chiến hạm của Hải quân Mỹ cũng như so sánh với hải quân Trung Quốc.

Theo ông Rowden, hồi tháng 2/2016, Hải quân Trung Quốc tiếp nhận một chiếc hộ tống hạm cỡ 4.000 tấn và chỉ hơn 1 tháng sau, con tàu này được đưa ngay vào hoạt động sẵn sàng chiến đấu (kéo dài 7 tháng), trong khi đó Hải quân Mỹ phải mất cả năm trở lên sau khi tiếp nhận tàu chiến mới.

Ông Rowden đã ví von rằng có hai tàu chiến cùng đi trên biển với cờ bay phấp phới và thuỷ thủ đông đủ, nhưng 1 chiếc thì "không thể chiến đấu thoát khỏi cái túi giấy ướt", và chiếc kia thì có thể đè bẹp mọi thứ mà nó đối mặt.

Đô đốc Mỹ chê Hải quân Trung Quốc non kém  - Ảnh 1.

Thủy thủ Trung Quốc dùng chậu chống úng cho chiến hạm Type 052C hồi đầu năm 2015.

Được biết câu thành ngữ "chiến đấu thoát khỏi cái túi giấy ướt" được dùng để ám chỉ sự yếu kém và khó mà hoạt động. Ngoài ra, vị Phó đô đốc này còn chỉ trích việc đốt cháy giai đoạn thử nghiệm để đưa tàu chiến vào hoạt động với toan tính khá rõ ràng.

Trước thực tế này, tờ Business Insider cũng cho rằng, người Mỹ không thử nghiệm tàu chiến của mình cho vui, hoặc để xài hết tiền ngân sách, mà việc thử nghiệm tàu chiến mới tiếp nhận là nhằm tạo cho thuỷ thủ đoàn có được "100% sự tự tin với con tàu và tự tin trong việc thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào.

Với cách thử nghiệm này, không khó hiểu vì sao chiến hạm Trung Quốc rất hay gặp vấn đề về kỹ thuật trong quá trình vận hành. Và do đó, độ tin cậy chưa bao giờ là thế mạnh của lực lượng này, ông Rowden cho biết.

Kế hoạch không tưởng

Quân đội Trung Quốc (PLA) luôn coi trọng vấn đề chống ngầm. Cho đến thời điểm hiện tại, khả năng chống ngầm của PLA vẫn bị cho là một trong một trong những mắt xích yếu nhất trong tiềm lực quân sự của nước này. Do đó, giới quân sự Trung Quốc rất coi trọng vấn đề chống tàu ngầm.

Điều này đặt ra câu hỏi cần phải giải đáp cho vấn đề an ninh trên tuyến ven biển cũng như an ninh trên các tuyến đường biển quan trọng của Trung Quốc, và cũng là mối lo lớn cho việc xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển của Bắc Kinh.

Truyền thông Hồng Kông vừa qua có bài viết cho rằng, Trung Quốc đang có ý định triển khai kế hoạch phát hiện tàu ngầm từ không gian vũ trụ, tuy nhiên, các chuyên gia Nga đã bác bỏ nhận định này.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông hồi tháng 10/2016 đưa tin, Trung Quốc có khả năng sử dụng đồng hồ đo giao thoa nguyên tử lạnh được thử nghiệm trên tàu vũ trụ có người lái Thiên Cung 2 và Thần Châu 11 nhằm mục đích phát hiện tàu ngầm từ không gian vũ trụ.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho rằng, nguyên lý kỹ thuật của đồng hồ đo giao thoa nguyên tử lạnh trong Thiên Cung 2 và đồng hồ nguyên tử kiểu mới trang bị trong Thiên Cung là giống nhau.

Mọi người đều biết rằng, đồng hồ đo giao thoa nguyên tử có thể phát hiện được những thay đổi cực nhỏ trong môi trường điện từ trái đất. Về mặt lý thuyết, kỹ thuật này có thể được sử dụng để phát hiện các vật thể chuyển động ngầm dưới nước.

Tuy nhiên không có dấu hiệu hoặc thông tin nào cho thấy loại đồng hồ đo giao thoa nguyên tử này được trang bị cho Thiên Cung 2. Điều này là phù hợp bởi thời hạn hoạt động của Thiên Cung 2 chỉ là 2 năm, vậy việc trang bị cho nó loại đồng hồ đo giao thoa nguyên tử là không có ý nghĩa gì.

Đuổi theo Nga-Mỹ   

Kashin chỉ rõ, hải quân Trung Quốc đang thực hiện các dự án chống ngầm mới, chẳng hạn như dự án sản xuất tàu hộ vệ chống ngầm hạng nhẹ Type 056 và máy bay tuần tiễu chống ngầm cánh cố định, xuất phát từ sân bay đất liền là GX-6 (Cao Tân-6).

Điều quan trọng hơn là nước này còn đang xây dựng mạng lưới thiết bị quan trắc cố định dưới đáy biển. Nguyên lý xây dựng mạng lưới này là rải các cảm biến âm thanh dưới nước (hydrophone), giống với hệ thống theo dõi tàu ngầm SOSUS của Mỹ, phạm vi triển khai là bao trùm toàn bộ chuỗi đảo thứ nhất.

Cũng như những nước khác, Trung Quốc đã đầu tư những khoản kinh phí rất lớn cho kỹ thuật phát hiện tàu ngầm, ví dụ như đầu tư cho vệ tinh. Nếu thiết bị đo giao thoa nguyên tử là có thật, thì đây là một trong những hạng mục đầu tư đó.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Bắc Kinh đã phát triển công nghệ này tới đâu? Công nghệ này có liên quan tới chương trình tàu vũ trụ có người lái hay không? Trong khi đó, phương Tây đã sử dụng vệ tinh để thử nghiệm về phương diện này chứ không dùng tàu vũ trụ như Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã nghiên cứu phát triển các kỹ thuật tiên tiến khác phục vụ cho chiến tranh dưới nước, đặc biệt chú ý phát triển sáng tạo kỹ thuật mới, trong đó phải kể đến thiết bị lặn không người lái.

Mục đích cuối cùng của những việc làm này là tìm ra được giải pháp chiếm ưu thế tuyệt đối để đối phó với số lượng rất lớn các tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ. Nếu Bắc Kinh giải quyết được vấn đề đấu tranh chống tàu ngầm, ít nhất trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất, thì chiến lược “phòng chống tàu ngầm xâm nhập" của Trung Quốc sẽ nâng lên một tầm cao mới.

Nhưng hiện nay thật khó để có thể dự đoán khi nào điều đó sẽ xảy ra, bởi Trung Quốc mới bắt đầu đi vào lĩnh vực này. Do đó, các chuyên gia nhận định rằng, để bắt kịp với các kỹ thuật chống ngầm tổng hợp của Mỹ và Nga, có lẽ Trung Quốc còn phải học hỏi rất nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại