Đô đốc Giáp Văn Cương trong ký ức của những người giữ biển

Trịnh Văn Dũng |

Đô đốc Giáp Văn Cương, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân kính trọng, bởi ông là một vị tướng có tầm nhìn chiến lược với những quyết sách táo bạo, đúng đắn. Ông cũng là một tấm gương về lòng nhân ái, có lối sống trung thực, thẳng thắn, giản dị và tiết kiệm...

Đô đốc Giáp Văn Cương, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân kính trọng, bởi ông là một vị tướng có tầm nhìn chiến lược với những quyết sách táo bạo, đúng đắn. Ông cũng là một tấm gương về lòng nhân ái, có lối sống trung thực, thẳng thắn, giản dị và tiết kiệm.

Vị Tư lệnh có tầm nhìn chiến lược

Đại tá Nguyễn Trương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ tư lệnh Hải quân-kiêm Bí thư cho Đô đốc Giáp Văn Cương xúc động khi nhớ lại những ngày tháng được giúp việc cho Tư lệnh: "Dường như Tư lệnh không có ngày nghỉ.

Ông luôn dành nhiều thời gian và tâm huyết theo dõi và nắm chắc tình hình biển, đảo để có cơ sở vững chắc hoạch định chính xác phương hướng xây dựng Quân chủng Hải quân vững mạnh toàn diện.

Chính vì vậy, từ những ngày đầu làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương đã có những quyết sách đúng đắn, đề ra phương hướng xây dựng hải quân toàn diện, đồng bộ, có nhiều thành phần lực lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo".

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương chỉ đạo tập trung xây dựng lực lượng tàu mặt nước phù hợp với nền kinh tế của đất nước và điều kiện biển, đảo của Việt Nam, trong đó quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ thuyền.

Xác định đất nước ta có bờ biển dài và có nhiều đảo xa bờ nên ông quan tâm đến lực lượng Hải quân đánh bộ, đặc công nước, pháo binh - tên lửa bờ biển. Các lực lượng này giữ vai trò quan trọng trong cấu thành lực lượng của hải quân hiện đại nói chung và Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng.

Đô đốc Giáp Văn Cương trong ký ức của những người giữ biển - Ảnh 2.

Đô đốc Giáp Văn Cương (ngoài cùng, bên trái) đón Đại tướng Lê Đức Anh thăm Trường Sa.

Trong tầm nhìn chiến lược của mình, Đô đốc Giáp Văn Cương cho rằng: Hải quân Việt Nam không thể thiếu các binh chủng không quân hải quân và tàu ngầm.

Cùng với việc xây dựng các trung đoàn, lữ đoàn cơ động trực thuộc Quân chủng vững mạnh toàn diện, ông luôn quan tâm đến chất lượng các căn cứ, các vùng hải quân, các lữ đoàn thuộc vùng và các cơ sở bảo đảm kỹ thuật trên bờ để phục vụ các lực lượng của vùng, của Quân chủng thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Nhiều cán bộ cao cấp của hải quân làm việc cùng thời với Tư lệnh Giáp Văn Cương đều nói rằng: Những năm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông đặc biệt quan tâm đến hoạt động tác chiến.

Để các lực lượng tác chiến thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, xử lý nhanh nhạy các tình huống trên biển, ông chỉ đạo cơ quan, đơn vị chăm lo bổ sung, kiện toàn, mở rộng và nâng cấp lực lượng bảo đảm cho tác chiến như: Thông tin, ra-đa, quan sát biển, trinh sát, bảo đảm hàng hải, công binh chiến đấu...

Trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, vũ khí trang bị của hải quân còn nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong Quân chủng, đồng thời phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vị tướng của Trường Sa, nhà giàn DK1

Ở Trường Sa và nhà giàn DK1 cuối những năm 80 của thế kỷ 20, không ai có thể quên hình ảnh vị tướng già mặc quần đùi đu lên nhà giàn quá đơn sơ lúc ấy để kiểm tra độ an toàn cho chiến sĩ, rồi vị Tư lệnh 68 tuổi chào cờ cùng anh em và xắn quần lặn lội để kiểm tra việc gia cố nhà giàn cho đảo chìm...

Trong xây dựng lực lượng phòng thủ trên biển, điều ông rất quan tâm là bảo vệ thềm lục địa phía Nam.

Theo đề nghị của ông, ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ, tiếp tục khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa của Tổ quốc. Chủ trương này có ý nghĩa vô cùng to lớn, cả trước mắt và lâu dài.

Thẳng thắn, giản dị và tiết kiệm

Đối với cấp trên cũng như cấp dưới, ông luôn thẳng thắn góp ý phê bình. Ông ghét những kẻ nịnh bợ, kéo bè, kéo cánh. Ông là người bao dung và độ lượng, hiểu thấu những khó khăn của cấp dưới, không trù dập những người mắc khuyết điểm.

Ông rất thích những người dám tranh luận phân biệt đúng sai, luôn lắng nghe ý kiến cấp dưới để giải quyết có tình, có lý.

Đô đốc Giáp Văn Cương trong ký ức của những người giữ biển - Ảnh 4.

Tư lệnh Giáp Văn Cương kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại Trường Sa, tháng 5-1988. Ảnh tư liệu.

Một hôm, Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng một số cán bộ cơ quan Quân chủng xuống kiểm tra Tàu HQ-01. Khi phát hiện bệ tên lửa cải tiến han gỉ, ông nhắc anh em trên tàu: Lần sau tôi xuống kiểm tra các đồng chí còn để vũ khí han gỉ thế này sẽ bị kỷ luật.

Nghe vậy, một đồng chí phó thuyền trưởng đã ý kiến: Báo cáo Tư lệnh, nếu cấp trên cung cấp đầy đủ vật tư, dầu mỡ cho chúng tôi mà Tư lệnh kiểm tra vẫn thấy han gỉ thì chúng tôi hoàn toàn chịu kỷ luật. Nhưng nếu cấp trên không cung cấp đầy đủ mà Tư lệnh kỷ luật thì oan cho chúng tôi quá.

Lúc này, ông quay sang hỏi đồng chí Chủ nhiệm Cục Kỹ thuật Hải quân: "Anh Phúc đã nghe rõ anh em nói gì chưa?".

Là một Đô đốc nhưng Giáp Văn Cương luôn sống cuộc sống giản dị và tiết kiệm. Đại tá Nguyễn Trương kể: "Mỗi khi đi công tác xa, Đô đốc Giáp Văn Cương luôn nói với vợ chuẩn bị cơm nắm, tôm rang thịt, lọ muối lạc và bi đông nước sôi để nguội.

Tôi chưa bao giờ thấy ông vào quán ăn khi đi công tác, dù lúc đó đến bữa hoặc quá bữa, ông đều về nhà hoặc đến đơn vị để ăn. Ông thường dặn lái xe khi nào đường vắng, có bóng cây mát đến giờ ăn dừng chân để cùng ăn, trong đó có tôi, y sĩ và lái xe".

Năm 1986, khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, Tư lệnh Giáp Văn Cương vẫn sống một cuộc đời bình dị. Ông vẫn sử dụng ti-vi đen trắng với những tiện nghi sinh hoạt hết sức bình thường.

Đô đốc Giáp Văn Cương sinh năm 1921 tại thôn Thép Thượng, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như: Cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn, quân khu, Phó tư lệnh mặt trận Quảng Đà, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 3-1977, ông được cấp trên điều về làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Năm 1988, ông được phong Đô đốc đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. Ông mất năm 1990. Ngày 7-5-2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại