Điều TQ lo sợ: Nỗ lực của Obama "công cốc" suốt 4 năm, bỗng thành hiện thực vì Trump đắc cử

Hải Võ |

Cố gắng của chính quyền Obama không đưa được Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau, nhưng mối lo mang tên "Donald Trump" đã thành công.

"Cái bắt tay lịch sử" của Nhật Bản và Hàn Quốc

Ngày 23/11, Nhật Bản và Hàn Quốc chính thức ký kết Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA). Đây là hiệp định hợp tác quân sự đầu tiên giữa 2 nước đồng minh của Mỹ kể từ sau Thế chiến II.

GSOMIA từng "suýt" được ký kết thành công năm 2012, nhưng chính phủ Hàn Quốc phải tạm gác do sự phản ứng từ dư luận trong nước liên quan đến vấn đề "úy an phụ" trong Thế chiến. Tình hình chỉ bớt căng thẳng sau khi hai nước đạt thỏa thuận hòa giải cuối năm 2015.

Việc Hàn Quốc thông qua quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ hồi tháng 7 cũng tạo ra cơ hội củng cố liên minh của Mỹ tại châu Á và giúp Tokyo-Seoul xích lại gần nhau.

Kể từ trung tuần tháng 10, GSOMIA đã trở lại là vấn đề nóng, đặc biệt khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị sa lầy trong bê bối "bà đồng" Choi Soon Sil.

Diễn biến bất ổn trong nước thúc đẩy chính phủ Hàn Quốc tăng cường hợp tác với Nhật nhằm duy trì ổn định trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh vấn đề THAAD làm rạn nứt với Trung Quốc ngày càng sâu sắc.

Khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đầy bất ngờ trong ngày bầu cử 8/11, hệ quả là chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bối rối do mơ hồ về sự bền chặt của liên minh Mỹ-Nhật dưới thời Trump.

Ông Trump từng khẳng định sẽ yêu cầu Nhật Bản chi trả thêm cho sự hiện diện của quân Mỹ ở nước này, trong khi Tokyo tỏ ra bất mãn. Tạp chí National Interest của Mỹ cũng nhận định, nhiều khả năng chính quyền Trump sẽ không cam kết chi viện nếu Nhật xung đột với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Mặc dù cuộc gặp được sắp xếp vội vàng ở New York hôm 17/11 giữa ông Abe và ông Trump phần nào làm dịu lo lắng từ chính phủ Nhật, nhu cầu bức thiết về một quan hệ quân sự khác ở Đông Bắc Á, ngoài với Mỹ, đã trở nên rõ rệt.

GSOMIA đã được ký kết thành công dưới những tác nhân này, đánh dấu cái bắt tay lịch sử của Nhật-Hàn.

Trên thực tế, chính quyền tổng thống Barack Obama đã rất nỗ lực kể từ 2012 để kêu gọi hòa dịu quan hệ Nhật-Hàn, một số diễn biến tích cực đã xuất hiện nhưng chưa thu được kết quả. Ở một góc độ nào đó, có thể nói Donald Trump đã hưởng thành quả từ thời Obama và "thành công ngoài ý muốn".

Điều TQ lo sợ: Nỗ lực của Obama công cốc suốt 4 năm, bỗng thành hiện thực vì Trump đắc cử - Ảnh 1.

Toàn cảnh lực lượng hải quân và không quân các nước tham dự cuộc tập trận Cope North 15 tại căn cứ Andersen trên đảo Guam ngày 13/2/2015, gồm đại diện Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand (Nguồn: Huanqiu)

Và nỗi lo của Trung Quốc

Phân tích trên tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/11, ông Đát Chí Cương - Giám đốc Sở nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện khoa học xã hội tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc - nêu ra các tác động của GSOMIA đối với Trung Quốc và khu vực.

Thứ nhất, thỏa thuận lịch sử với Nhật chứng minh chiến lược an ninh của Hàn Quốc đã được điều chỉnh sâu hơn, cho phép Nhật-Hàn hỗ trợ nhau về công nghệ, địa chính trị và nguồn lực con người, giảm thiểu thủ tục phức tạp trong trao đổi thông tin quân sự, nâng cao hiệu quả tình báo.

Đây là bước đầu để mở ra "chiếc hộp Pandora" vẫn còn là cấm kỵ tại Hàn Quốc: Một liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn đầu tiên sau Thế chiến II.

Đối với Bắc Kinh, sự chuyển biến của Seoul được cho là tín hiệu một cuộc chạy đua vũ trang nhiều khả năng sẽ xảy đến và gây bất ổn địa chính trị khu vực.

Thứ hai, Đát Chí Cương tin rằng liên minh Nhật Bản-Hàn Quốc là sự tổn hại lợi ích và an ninh chiến lược của Trung Quốc.

Theo ông này, quyết định triển khai THAAD cho đến ký kết GSOMIA chứng minh Hàn Quốc đang từ bỏ chính sách cân bằng giữa Mỹ-Trung để "nghiêng" hẳn về Washington. Điều này khiến vai trò kiểm soát nguy cơ mà quan hệ Trung-Hàn đem lại đã bị tổn thất.

Liên minh ba nước do Mỹ đứng đầu bị Trung Quốc xem là "đòn đánh" thẳng vào các lợi ích địa chính trị và kết cấu an ninh của họ, thậm chí đưa quan hệ Trung-Hàn vào giai đoạn lạnh nhạt nguy hiểm.

"Trung Quốc buộc phải tập trung sức mạnh nhất định nhằm đối phó với những thách thức địa chính trị phức tạp mà xu hướng chiến lược an ninh của Hàn Quốc gây ra," ông Đát nhận định.

Đát Chí Cương cảnh báo, các ảnh hưởng tiêu cực từ hiệp định Nhật-Hàn đối với Trung Quốc sẽ nhanh chóng xuất hiện, và hậu quả có thể "nằm ngoài sự dự liệu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại