Đi tìm lời giải cho vụ “biến mất” bí ẩn của Phi đội 19

Thu Phương |

Vụ mất tích bí ẩn của Phi đội 19 đã kéo theo nhiều giả thuyết hoang đường và phỏng đoán khoa học trong hơn 7 thập kỷ qua. 14 người gồm 10 phi công hải quân, 4 phi công thủy quân lục chiến cùng 5 máy bay không quay về căn cứ.

Một chiếc thủy phi cơ cùng với phi hành đoàn 13 người được cử đi tìm họ cũng biến mất.

Hành trình bay bất thường

Lúc 14h10 mùng 5/12/1945, bắt đầu như mọi ngày, 5 máy bay TBM Avenger cất cánh từ một trạm tuần tra không quân ở Ft. Lauderdale, Florida.

Theo kế hoạch, các máy bay thuộc Phi đội 19 sẽ thực hiện bài tập kéo dài 3 giờ theo chủ đề Vấn đề điều hướng số một. Kế hoạch bay tam giác yêu cầu nhóm phi công bay về hướng đông từ bờ biển Florida và ném bom tại một địa điểm được gọi là Henand Chickens Shoals.

Sau đó, họ sẽ quay về phía Bắc và đi qua đảo Bahama Lớn rồi bay về phía Tây Nam để trở lại căn cứ.

Mỗi chiếc Avengers chở 3 lính hải quân hoặc thủy quân lục chiến, hầu hết đều đã có kinh nghiệm khoảng 300 giờ bay và thực chiến. Chỉ huy chuyến bay là Trung úy Charles C. Taylor, một phi công có kinh nghiệm và là cựu chiến binh của một số nhiệm vụ chiến đấu trong Thế chiến II.

Đi tìm lời giải cho vụ “biến mất” bí ẩn của Phi đội 19 - Ảnh 1.

Vụ mất tích bí ẩn của Phi đội 19 đã kéo theo nhiều giả thuyết hoang đường và phỏng đoán khoa học trong hơn 7 thập kỷ qua.

Ban đầu, chuyến bay của Phi đội 19 diễn ra suôn sẻ như 18 ngày trước đó. Taylor và các phi công di chuyển trên Henand Chickens Shoals vào khoảng 14h30 và thả bom mà không có bất cứ sự cố nào. Nhưng khi nhóm quay về phía Bắc để bắt đầu chặng thứ hai của hành trình, một điều rất lạ lùng đã xảy ra.

Những cuộc điện đàm được đài kiểm soát không lưu Lauderdale ghi lại cho thấy, Taylor đã gọi Đại úy George W.Stivers, phi công điều khiển chiếc Avenger số hiệu FT-117: "117. Hình như la bàn của tôi có vấn đề. Có lẽ tôi đã bay sai hướng".

Rắc rối trở nên nghiêm trọng hơn bởi thời tiết chuyển xấu với mây mù, mưa nặng hạt và gió mạnh. Theo nội dung những cuộc điện đàm được ghi lại, Taylor gọi cho đài kiểm soát không lưu Lauderdale: "Chúng tôi không biết mình đang ở đâu. Hình như đã bị lạc".

Williams Collins, chỉ huy đài không lưu Lauderdale cho biết, trên màn hình radar ở Lauderdale, chẳng ai nhìn thấy tín hiệu của 5 chiếc Avenger nên họ không biết làm cách nào để hướng dẫn các phi công quay về căn cứ.

Nghe được cuộc điện đàm, Trung úy Robert F. Cox, một phi công hải quân đang bay gần bờ biển Florida đã lập tức liên lạc với Taylor để hỏi xem họ có cần hỗ trợ không. Taylor trả lời, giọng bối rối: "La bàn của tôi không chính xác.

Tôi biết là tôi đang ở trên vịnh Florida Keys nhưng tôi không biết hướng nào để quay về sân bay Lauderdale". Robert F. Cox nói: "Vậy anh hãy bay về phía Tây. Hướng Tây là hướng đất liền". Taylor có vẻ cáu: "Nhưng hướng Tây là hướng nào? Trước mặt, sau lưng, bên trái hay bên phải tôi? Nói như thế thà đừng nói...".

Diễn biến tâm lý đáng ngờ của vị chỉ huy

Những thông tin mà Taylor nói dường như vô nghĩa và lộn xộn so với một chỉ huy giàu kinh nghiệm như ông, bởi Florida Keys cách điểm đến của ông hàng trăm dặm. Vị chỉ huy 27 tuổi vừa chuyển đến Fort Lauderdale từ Miami và nhiều người cho rằng, ông có thể đã nhầm lẫn tên một số hòn đảo của Bahamas.

Những vụ đi lạc trước đó ghi nhận, các phi công thường bay quá xa về phía Tây, nhưng Taylor lại nghĩ rằng, anh ta có thể ở trên vịnh Mexico. Hy vọng tìm được bán đảo Florida, ông đã quyết định chuyển hướng Phi đội 19 về phía Đông Bắc, hướng đi xa hơn nữa ra biển.

Một số phi công của ông dường như đã nhận ra sai lầm và lớn tiếng trên radio: "Phía Tây mới là hướng về nhà của chúng ta".

Lúc 18h, các phi công bắt đầu tranh cãi về hướng bay, nhưng rồi, cuối cùng, họ vẫn bay theo yêu cầu của chỉ huy. Đường truyền vô tuyến của Phi đội 19 nhanh chóng trở nên nhiễu dần khi nó tiến xa ra biển. Khi nhiên liệu cạn kiệt, Taylor thông báo nhóm của ông phải đổ bộ. Vài phút sau, mọi thứ trở nên tĩnh lặng đến đáng sợ.

Trụ sở hải quân ngay lập tức cử máy bay tìm kiếm những chiếc máy bay bị mất tích. Khoảng 19h30, chiếc PBM Mariner cất cánh từ một trạm hàng không phía Bắc Ft. Lauderdale. Tuy nhiên, chỉ 20 phút sau, máy bay cũng đột nhiên biến mất khỏi radar.

Những mảnh vỡ của máy bay Mariner và 13 phi công chưa bao giờ được tìm thấy, nhưng nhiều người tin rằng, chiếc thủy phi cơ đã phát nổ ngay sau khi cất cánh.

Các thủy thủ của một tàu thương mại cho biết, họ phát hiện "một quả cầu lửa" và vết dầu loang trên mặt biển. Thông tin này đã trở thành chứng cứ củng cố giả thuyết trên.

Sáng hôm sau, Hải quân đã gửi hơn 300 tàu và máy bay để tìm kiếm Phi đội 19 và chiếc Mariner mất tích. Phái đoàn tìm kiếm đã trải qua 5 ngày, vượt hơn 300.000km2 nhưng không có kết quả.

Trung úy hải quân David White cho biết: "Họ chỉ đơn giản là biến mất. Chúng tôi có hàng trăm máy bay tìm kiếm trong nhiều ngày, rà soát cả đất liền và biển nhưng không tìm thấy, dù chỉ một dấu vết nhỏ".

Một hội đồng điều tra của lực lượng Hải quân cũng được thành lập để điều tra trong nhiều tháng và cuối cùng, kết luận vụ mất tích có "nguyên nhân hoặc lý do không rõ ràng".

Nguyên nhân vẫn chỉ là… phỏng đoán

Sự kiện kỳ lạ ngày 5/12/1945 đã trở thành bí ẩn đối với dư luận và giới chuyên gia suốt nhiều năm qua.

Trong thập niên 1960 và 70, các tạp chí và nhà văn như Vincent Gaddis và Charles Berlitz đã phổ biến giả thuyết rằng, Phi đội 19 đã bị ảnh hưởng bởi Tam giác Bermuda, một khu vực trong Đại Tây Dương nổi tiếng với các vụ đắm tàu hoặc mất tích kỳ lạ.

Những cuốn sách khác và những bức chân dung hư cấu cũng nhắc đến khả năng về sự can thiệp của người ngoài hành tinh. Vào năm 1977, bộ phim Close Encounters of the Third Kind mô tả chuyến bay 19 bị những chiếc đĩa bay mang đi và giấu trong sa mạc Mexico trở nên vô cùng ăn khách.

Vụ mất tích đi kèm với nhiều điều kỳ quặc và những bí ẩn chưa được giải đáp. Có lẽ, kỳ lạ nhất trong tất cả là Trung úy Taylor. Nhiều nhân chứng tiết lộ, ông đã đến trễ đúng 19 phút và yêu cầu không được phép chỉ huy nhưng vẫn kiên quyết nhận nhiệm vụ.

Việc tại sao không có bất cứ phi công nào trong Phi đội 19 sử dụng tần số radio cứu hộ hoặc máy thu ZBX của máy bay để nhờ sự giúp đỡ từ lực lượng hải quân trên đất liền cũng chưa được giải thích.

Các phi công đã nhận được yêu cầu chuyển đổi thiết bị, nhưng họ không nghe thấy tin nhắn hoặc không tuân theo.

Điều gì thực sự đã xảy ra với Phi đội 19? Kịch bản có khả năng nhất là các máy bay bị cạn kiệt nhiên liệu và bị rơi xuống đại dương, ở một nơi nào đó ngoài khơi bờ biển Florida.

Năm 1991, một nhóm săn kho báu dường như đã giải quyết được câu đố khi tình cờ gặp những thi thể được xác định có từ thời Thế chiến II gần Fort Lauderdale. Thật không may, những bộ quân phục mang số hiệu hoàn toàn khác với Phi đội 19.

Nhiều người tin rằng, xác máy bay của Phi đội 19 và máy bay cứu hộ Mariner vẫn có thể đang "ẩn nấp" đâu đó ở Tam giác quỷ Bermuda.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại