ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Bán tàu bay lãi 1 triệu USD/chiếc, sẽ tiếp tục thoái vốn Nhà nước

Trần Thúy |

Sáng nay (20/2), Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (mã HVN) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2017.

Bán và cho thuê lại tàu bay để “làm đẹp” Báo cáo tài chính

Theo tài liệu gửi đến cổ đông trước cuộc họp, lãnh đạo HVN cho biết, quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược được Vietnam Airlines triển khai từ 30/9/2014 và đến gày 1/4/2015, khi chuyển sang CTCP, Tổng công ty mới hoàn thành được một số bước trong quy trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược do tư vấn Morgan Stanley và Citigroup xây dựng bao gồm hoàn thành vòng thăm dò thị trường, bước khảo sát đánh giá.

Đến đầu tháng 7/2016, Vietnam Airlines mới hoàn thành xong các bước còn lại của quy trình tìm đối tác chiến lược và cuối cùng cũng tìm được đối tác chiến lược là Tập đoàn hàng không Nhật Bản - ANA Holdings Inc.

Cụ thể, ANA đã mua 107,66 triệu cổ phần, tương đương sở hữu 8,77% cổ phần HVN. Mức giá mà hãng hàng không Nhật Bản chi để mua cổ phiếu HNV là 21.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với việc chi hơn 2.261 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Với kết quả này, HVN chỉ mới hoàn thành 38% kế hoạch so với mức bán 238 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược mà Đại hội đồng cổ đông HVN thông qua

HVN cho biết, toàn bộ số tiền này sẽ được dùng để bổ sung vào vốn kinh doanh và đội bay của Tổng Công ty.

Cũng tại Đại hội, Ban lãnh đạo HVN trình cổ đông thông qua việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm thay thế một thành viên nghỉ hưu và một thành viên mới là đại diện của nhà đầu tư chiến lược. 

Cụ thể, ông Tạ Mạnh Hùng được đề cử thay thế cho ông Nguyễn Huy Tráng – Đại diện vốn nhà nước tại HVN đã nghĩ hưu hồi tháng 10/2016 trong khi ông Koji Shibata, Phó tổng giám đốc cao cấp, Giám đốc chiến lược Châu Á Thái Bình Dương, đại diện phần vốn của ANA được bầu bổ sung vào TV.HĐQT sau khi ANA đầu tư vào HVN.

Một trong những nội dung đáng chú ý là tại Đại hội, Ban lãnh đạo HVN trình cổ đông thông qua phương án án và thuê lại đối với 1 máy bay Boeing 787-9 và 3 máy bay Airbus 350 sẽ nhận trong 2017. Thời gian dự kiến nhận máy Boeing vào tháng 5, 3 chiếc Airbus còn lại sẽ được bàn giao dần vào các tháng 6, 9, 12 trong năm tới.

Theo HVN, phương án này nhằm giúp giảm tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, cân đối khả năng thanh toán các khoản nợ, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Theo đó, dự kiến hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu sẽ giảm từ 4 lần tại thời điểm 31/12/2016 xuống còn khoảng 3,2 lần tại thời điểm 31/12/2017 và tiến tới giảm xuống dưới 3 lần vào cuối năm 2018.

Bán tàu bay, lãi 1 triệu USD/chiếc

Tại Đại hội, ông Trần Thanh Hiền, trường ban tài chính kiêm kế toán trưởng HVN cho biết, các thông tin bán và cho thuê lại 3 tàu bay A350 sẽ được thông tin chi tiết trong BCTC năm 2016 dự kiến sẽ phát hành vào đầu tháng 4 tới. 

Tuy nhiên, theo quy chế về bán và cho thuê lại, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua, tổng công ty sẽ tiến hành đấu thầu công khai rộng rãi ra quốc tế, trên thực tế HVN đã gửi thông tin mời thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức đấu thầu quốc tế một cách công khai và đã có rất nhiều tổ chức quốc tế chọn thuê chuyên nghiệp đứng đầu thị trường tham gia. 

Sau hai vòng tổ chức đấu thầu và lựa chọn, HVN đã chọn được đối tác trúng thầu là Công ty cho thuê tàu bay của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất – công ty DAE. Đây là một trong những tập đoàn hàng đầu của Chính phủ Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đã tham gia và chào cạnh tranh và đạt được các điều kiện với giá cạnh tranh nhất.

Theo quy định của Tổng công ty và theo quy chế, việc bán và cho thuê lại dựa trên nguyên tắc giá bán phải đảm bảo bù đắp chi phí đã mua tàu bay và các chi phí phát sinh từ lúc mua đến lúc bán. 

Với nguyên tắc đó, HVN đã cố định giá để đảm bảo cơ cấu giá thuê phù hợp và chúng tôi đã có giá chênh lệch giữa giá mua và giá bán khoảng 1 triệu USD cho 1 chiếc tàu bay. Trên thực tế, toàn bộ phần chênh lệch đó đã được ghi nhận vào thu nhập năm 2016 của Tổng công ty.

Việc bán cho cổ đông chiến lược không đạt kế hoạch, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HVN cho biết, kế hoạch của Nhà nước là tiếp tục thoái vốn cho đến khi đạt mức vốn sở hữu là 75%.

“Sau khi IPO, dự kiến nhà nước sẽ bán 20% nhưng vì ANA mới mua hơn 8% cho nên phần vốn còn lại được hiểu là không phải huy động vốn mà là Nhà nước sẽ phải tiếp tục bán phần vốn của mình, trong kế hoạch tiếp theo, Bộ giao thông vận tải kết hợp Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo bán vốn”, lãnh đạo HVN cho biết.

Lãnh đạo hãng hàng không lớn nhất Việt Nam cũng khẳng định, với kế hoạch bán và cho thuê lại tàu bay, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu sẽ tiếp tục giảm như kế hoạch đề ra. Còn phần vốn bán tiếp theo có phải cho nhà đầu tư chiến lược hay không thì sẽ còn phải cân nhắc tiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại