Dẹp loạn vỉa hè: Làm đúng luật sẽ không sợ thành 'ngôi sao cô đơn'

Dương Thu (thực hiện) |

"Dẹp doạn vỉa hè nếu như làm đúng luật thì không bao giờ sợ cô đơn", ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm.

Dẹp loạn vỉa hè đã thành một vấn đề nóng suốt thời gian qua, khi nhiều người đứng đầu ở các địa phương đã không ngại va chạm, quyết liệt xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Sự thẳng thắn, cương quyết của những người đứng đầu từ câu nói đến hành động, từ chủ trương đến quyết tâm làm bằng được chắc hẳn đã khiến một số “nhóm lợi ích” không hài lòng.

Thế nhưng, liệu họ có là “ngôi sao cô đơn” khi tận tâm với những công việc có lợi cho dân cho nước? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh chủ đề này.

Dẹp loạn vỉa hè: Làm đúng luật sẽ không sợ thành ngôi sao cô đơn - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại một phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn).

PV: Thưa ông, trên thực tế đã có không ít những người đứng đầu chối bỏ trách nhiệm trước một việc làm sai trái mà mình là một mắt xích quan trọng.

Ví dụ như ông Võ Kim Cự, nguyên là Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh từng nhiều lần khẳng định “không có gì sai” trong vụ việc Formosa xả thải gây hại môi trường biển miền Trung.

Cho đến khi ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, “ông Cự có sai phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét kỷ luật”, ông Cự vẫn đang im lặng trước mọi dư luận xã hội.

Điều đó cho thấy, những người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng “về vườn” nếu không hoàn thành nhiệm vụ là hết sức đáng hoan nghênh?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Đúng như vậy. Thực ra, việc người đứng đầu có quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm là đương nhiên và đã từng có rất nhiều.

Ngay như với sự việc nóng, gần đây nhất là chủ trương dẹp bỏ lấn chiếm vỉa hè đều đã có quy định cụ thể trong pháp luật và được làm nhiều lần trước đó. Chỉ có điều, một số việc chưa làm đến nơi đến chốn đúng với sự quyết liệt của người đứng đầu.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, đây chính là dịp xốc lại vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Cách làm là đúng, nhưng cũng phải rất thận trọng để bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên liên quan theo đúng pháp luật. Chúng ta luôn hoan nghênh những điều có lợi cho dân, cho nước, đúng luật.

PV: Thực tế, sự quyết liệt của người đứng đầu thời gian qua đã khiến không ít “nhóm lợi ích” bị ảnh hưởng. Điều đó càng cho thấy cần người đứng đầu dám “đương đầu”. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Dù có mất lòng một số nhóm lợi ích nhưng nếu làm đúng pháp luật cũng không sao.

Chỉ khi quá hăng hái, lạm quyền rồi vi phạm pháp luật là không được. Mọi việc làm đúng tinh thần pháp luật, dù có phải hy sinh lợi ích của thiểu số để phục vụ đa số, cá nhân tôi rất ủng hộ.

Thực ra, những cái chúng ta đang bàn luận đến ở đây chỉ là người đứng đầu đã làm hết trách nhiệm của mình, chứ chưa “vượt rào”.

Với những công việc được làm hết trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, kết quả đã tốt hơn rất nhiều lần.

PV: Làm sao để những người quyết liệt như thế không còn bị cô đơn, lạc lõng là điều khiến dư luận hết sức quan tâm, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Nếu một việc được cả hệ thống vào cuộc, tất cả mọi người đều nhận thức được trách nhiệm của mình, không bao giờ có chuyện người lãnh đạo bị cô đơn.

Thậm chí, kể cả những đối tượng có quyền lợi bị ảnh hưởng, nhóm lợi ích bị xóa bỏ, đến một lúc nào đó, họ cũng nhận ra mình sai và phải nhường lại cái đúng cho đa số.

Ví dụ gần nhất đây là chuyện lấy lại vỉa hè. Một số người có thể bị ảnh hưởng trước mắt, nhưng cá nhân mỗi người sẽ tự nhận thấy rằng, khi tham gia giao thông, bản thân hoặc con cháu đi lại thuận tiện hơn… họ sẽ tự hiểu ra và điều chỉnh hành vi của mình.

Điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của nhân dân trước một chủ trương để nhận được sự đồng tình, ủng hộ.

Khi người dân nhận ra việc làm sai, bản thân họ tự ý thức thay đổi trước sẽ mang đến kết quả tốt hơn. Như thế, chắc chắn sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu ngày càng được ủng hộ.

Tất nhiên, bên cạnh đó phải có giải pháp cụ thể cho những người mưu sinh trên vỉa hè.

Với cương vị là mắt xích, là những cánh tay nối dài trong quản lý Nhà nước, người đứng đầu cũng phải có trách nhiệm tạo ra môi trường, điều kiện mới để trợ giúp người dân cân bằng cuộc sống của mình. Tôi nhắc lại, mọi việc đều hướng đến cuộc sống tốt nhất cho người dân.

PV: Nhân dân luôn tin tưởng, ủng hộ những người đứng đầu thẳng thắn, cương quyết, dám chịu trách nhiệm?

Ông Nguyễn Hoàng Mai: Đó là điều đương nhiên. Tôi thấy một số lãnh đạo thể hiện quyết tâm làm được việc đã khẳng định, nếu không làm được sẽ xin từ chức “về vườn”.

Điều này là rất đáng mừng, nó thể hiện sự quyết tâm rất cao của những người đứng đầu.

Nhưng điều đáng nói hơn, những cá nhân cho thấy đã đến lúc toàn bộ hệ thống cần quyết liệt, không phải chuyện của một cá nhân nào. Với cương vị chưa phải thống lĩnh của một ngành, một lĩnh vực, quyết liệt rất khó khăn.

Nhưng với tư cách nhà quản lý, chúng ta cần phải hiểu rằng, cả hệ thống vào cuộc, quyết liệt để xử lý vấn đề, mọi việc sẽ thành.

Tất nhiên, bên cạnh việc cần có những người đứng đầu dám chịu trách nhiệm, phải được sự ủng hộ của cả hệ thống. Trong bất cứ việc gì, không ai một mình có thể làm được mọi việc.

Tôi tin rằng, những người lãnh đạo đó không đơn độc. Chúng ta nên tin tưởng vào người đứng đầu. Trao gửi niềm tin sẽ nhận về những quả ngọt.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại