Để không còn cảnh học “như điên khùng”

ĐÀO TUẤN |

Xin Bộ trưởng hãy nhìn học sinh lớp 12 trong giờ học. Những gương mặt hốc hác, mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ, vì phải học quá nhiều. Có được một kẽ hở thời gian là các em gục xuống bàn ngủ ngay bất cứ lúc nào.

Học ở trường. Học thêm ở trung tâm. Học ở nhà thầy cô. Học ở nhà. Học từ sáng đến tối không kịp ăn, không được ngủ. Học như điên như khùng. Suốt ngày các em bị giam trong cái “vòng kim cô” của việc học.

Và khi thi xong thì chẳng nhớ gì. Và khi ra đời chẳng áp dụng được bao nhiêu. Không biết những gì đang xảy ra xung quanh mình.

Nhận thức các vấn đề xã hội một cách ấu trĩ. Thiếu kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử, không biết cách bảo vệ mình; không biết bênh vực cái tốt. Và trước cái ác, cái xấu cũng không dám lên tiếng phản đối.

Đây là một, trong 8 lời thỉnh cầu mà một cô giáo - thay mặt chắc không chỉ một thế hệ học trò - gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Vâng, con em của chúng ta đã trở thành những “nữ sinh kính cận - bụng phệ”; trở thành những cái máy, những con rô bốt chỉ biết cắm đầu cắm cổ vào học. Rồi chẳng biết để làm gì.

Nhưng giáo dục không chỉ có chuyện “những cái máy”. Giáo dục triền miên là sự thay đổi theo nhiệm kỳ. Giáo dục còn là sự ôm đồm với chồng chất những môn học không cần thiết.

Và giáo dục, còn là những kỳ thi thảm họa...

Chính các thầy cô, phụ huynh, và nhất là các thế hệ học sinh vẫn cứ đang chờ đợi - hy vọng - rồi lại thất vọng theo những cam kết kiểu “trận đánh lớn”!

Hôm qua, đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi qua điện thoại với tác giả của 8 lời thỉnh cầu ấy với thái độ quan tâm, với mong muốn được lắng nghe.

Và với quyết tâm thay đổi ngành giáo dục đất nước trong nhiệm kỳ của mình.

Lắng nghe, và trân trọng những ý kiến, những thỉnh cầu, thậm chí những phản biện, phê phán... bao giờ cũng là cách quản lý tốt nhất.

Bởi không có thứ lý thuyết tháp ngà nào sinh động hơn thực tế đời sống, nhất là khi thực tế ấy đầy những bất cập, đầy những vô lý, đầy những bức xúc.

Có lẽ, trong cả nhiệm kỳ Bộ trưởng, thầy Phùng Xuân Nhạ chỉ cần tìm cách để giảm tải cho những đứa trẻ, để việc được sống và vui chơi cân bằng với học hành, để học không phải là gánh nặng, là áp lực. Như thế có lẽ cũng đủ rồi.

Thầy Nhạ ơi! Hôm qua vừa có một đứa trò nhỏ, một học sinh giỏi kiểu “gà nòi” của trường chuyên Lê Quý Đôn - Bình Định đã ra đi với một sợi dây.

Xin hãy xem đó như một tấn bi kịch cần phải chấm dứt, thưa thầy!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại