Đấy là con ông nào?

Vũ Bách |

Đúng là dư luận bây giờ rất dễ hồ nghi. Cứ một cán bộ trẻ nào đấy được cất nhắc, bổ nhiệm, người ta lập tức hỏi ngay: "Anh/chị này là con ông nào?".

Chỉ cần trả lời được đó là "con ông nào" thì lập tức hết hồ nghi ngay, nếu cái ông nào lại tình cờ là quan chức to.

Ở chiều ngược lại, cũng dư luận ấy lại rất lạ về sự xác quyết. Bây giờ, cứ cán bộ nào ngã ngựa vì tham nhũng, người ta lại đặt câu hỏi đầu tiên: "Đó là con ông nào?". Bởi nếu không phải là con (hoặc chí ít cũng là cháu, em hoặc đàn em vây cánh) của ông nào thì khó có vị thế để tự tung tự tác ăn dày mà ngã ngựa.

Tham nhũng là đục khoét của công, tức là các tài sản có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước. Mà ngân sách luôn luôn hình thành từ tiền đóng thuế của dân. Tóm tắt, tham nhũng là ăn trên đầu trên cổ, ăn mòn xương mòn thịt nhân dân.

"Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ, còn năng lực thì mặc kệ". Câu tổng kết bộc trực mà đầy cay đắng ấy được đúc kết từ hơn một chục năm nay. Nó là một châm ngôn đúc kết về thực trạng cán bộ. Mà trong ấy, hậu duệ xếp thứ nhất. Hậu duệ nghĩa là 5C: "con cháu các cụ cả".

Xếp dưới rất xa những hậu duệ, quan hệ, tiền bạc đút lót, thì yếu tố "năng lực" của cán bộ chả có mấy ý nghĩa. Ngay cả yếu tố "trí tuệ", người ta cũng dễ dàng tác động từ trên xuống để có, hoặc bỏ bao thư để mua.

Dư luận đồn thổi hiện thời quả nhiên là tài như thánh. Vì cứ chớm hồ nghi là con ông nào, khi hỏi thông tin cụ thể thì đúng là con em hoặc họ hàng hang hốc của ai đó.

Các cụ xưa dạy không có lửa sao có khói, nhưng dư luận bây giờ còn tinh thông hơn, khi chưa thấy khói mà đã biết lửa ở đâu. Tức là khi thấy một số ông quan lên chức cao, người ta đã tiên đoán mai mốt con cháu ông sẽ làm chức gì!

Khi được hỏi về việc có đến 8 người nhà nắm giữ các vị trí chủ chốt tại nhiều sở ngành, lãnh đạo huyện trong tỉnh, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang thừa nhận ngay. Ông còn giải thích rằng "8 người thân của tôi được bổ nhiệm đều đúng quy trình".

Câu chuyện "đúng quy trình" ở Hà Giang chắc chắn sẽ được các cơ quan xem xét, nhưng ở một số nơi, việc "đúng quy trình" trở thành thứ bùa đầy sức mạnh để che lấp đi sự tuỳ tiện. Và người ta cứ múa bùa quy trình để phân bổ quyền lực cho người nhà, họ hàng hoặc đệ tử.

Thời phong kiến, quy định thành văn là các vị trí lãnh đạo dù cấp thấp đều phải giữ chức ở nơi xa, không được làm quan ở quê hương bản quán. Và nếu ở xa đi nữa, mà có hành vi thâm lạm hoặc bè cánh thì đều bị cách chức.

Thời nay, chắc là hiện đại hơn thời phong kiến, vì người ta luôn có sẵn một thứ công cụ vạn năng, có tên là đúng quy trình. Khi đã "đúng quy trình lách", thì năng lực, đạo đức, tầm nhìn của cán bộ sẽ chỉ có vai trò thật là khiêm tốn. Thậm chí, không có mấy cái đó cũng chẳng sao.

Nhưng tất nhiên, cái quy trình đó phải là em song sinh của "con cháu ông nào". Sợ nhất là kịch bản: Không phải là con cháu các cụ, quy trình sẽ khó được áp dụng. Thú thật với quý bạn đọc rằng, người viết bài này khi đọc tin tức về 4 cán bộ trong các công ty có "gốc Dầu khí" vừa bị khởi tố, cũng lập tức băn khoăn: họ có phải là con cháu, đệ tử của ai không?!

Tre già măng mọc, đó là quy luật tự nhiên. Nhưng với cách thức "đúng quy trình" hiện nay, ở nhiều nơi, măng muốn mọc thì phải là măng VIP. Còn các chỗ khác, bê tông đã đổ kín, măng thường dân đừng có mơ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại