Đây chính là dấu hiệu nhận biết trẻ không vui khi đi nhà trẻ mà bố mẹ cần phải lưu tâm

MÈO RÒM |

Sau một tuần, chị Vương cảm nhận Tiểu Mẫn có biểu hiện khác lạ. Tiểu Mẫn không còn ca hát, nhảy nhót trên đường đến nhà trẻ.

Khi Tiểu Mẫn đến tuổi đi nhà trẻ, chị Vương đã chọn nhà trẻ có chất lượng giáo dục đảm bảo cho con theo học. Thời gian đầu, Tiểu Mẫn luôn có biểu hiện vui vẻ mỗi khi đi nhà trẻ.

Mỗi ngày, chị Vương chỉ cần gọi một tiếng thì Tiểu Mẫn liền thức giấc. Tiểu Mẫn thường tỏ ra háo hức khi được mẹ đưa đến nhà trẻ. 

Sau một tuần, chị Vương cảm nhận Tiểu Mẫn có biểu hiện khác lạ. Tiểu Mẫn không còn ca hát, nhảy nhót trên đường đến nhà trẻ.

Chị Vương cho rằng, Tiểu Mẫn đã quen với việc đi nhà trẻ, nên bé không còn cảm giác mới lạ và tỏ ra nhàm chán. 

Một tuần nữa trôi qua, chị Vương phát hiện mọi chuyện không đơn giản như chị nghĩ. Tiểu Mẫn trở nên lầm lì, ít nói, bé không nhắc đến những việc xảy ra ở nhà trẻ với mẹ.

Đây chính là dấu hiệu nhận biết trẻ không vui khi đi nhà trẻ mà bố mẹ cần phải lưu tâm - Ảnh 1.

Khi chị Vương gặng hỏi, Tiểu Mẫn mới phơi bày những điều ấm ức trong lòng, bé chỉ mới kể lể vài câu với mẹ thì đã òa khóc nức nở. Chị Vương đã phải an ủi, vỗ về thì bé mới bình tĩnh kể rõ sự tình cho mẹ nghe.

Tại nhà trẻ, Tiểu Mẫn có mâu thuẫn với các bạn và bé bị bạn bè cô lập. Chị Vương lúc này mới vỡ lẽ mọi chuyện. 

Chị tự trách bản thân đã không quan tâm đến con đúng mức khiến con cảm thấy ấm ức trong lòng. Chị Vương lập tức liên lạc với giáo viên tại nhà trẻ và trao đổi tìm ra cách giải quyết. 

Sau khi mâu thuẫn giữa Tiểu Mẫn với các bạn được hóa giải, Tiểu Mẫn đã khôi phục lại tâm trạng vui vẻ và hoạt bát khi đi nhà trẻ.

Khi trẻ có những biểu hiện dưới đây, chứng tỏ trẻ không vui khi đi nhà trẻ. Bố mẹ cần đặc biệt quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân để giải quyết vấn đề.

1. Trẻ không muốn đi nhà trẻ

Nếu trẻ không muốn đi nhà trẻ, hoặc trước đó trẻ luôn tỏ ra hào hứng khi đi nhà trẻ, sau đó trẻ có biểu hiện chán chường. 

Vậy nhất định trẻ đã gặp chuyện không vui tại nhà trẻ. Có lẽ là trẻ đã xảy ra xung đột, mâu thuẫn với các bạn, hoặc trẻ bị giáo viên trách phạt. 

Bố mẹ cần theo dõi sát sao, liên hệ với giáo viên của trẻ để nắm rõ tình hình và tìm ra hướng giải quyết.

2. Trẻ ăn rất nhiều vào buổi tối

Ở nhà trẻ, nếu trẻ ăn cơm đúng giờ giấc, thì khi về nhà trẻ sẽ ăn một lượng vừa đủ. 

Trong trường hợp nếu trẻ không được ăn no hoặc không được ăn tại nhà trẻ, khi về nhà nhất định trẻ sẽ ăn bù và ăn nhiều hơn. 

Tình huống này, bố mẹ không nên vội vàng hỏi chuyện gì xảy ra tại nhà trẻ. Bố mẹ nên tìm hỏi mọi chuyện thật chậm rãi và tuần tự.

Ví dụ, bố mẹ có thể hỏi: "Con có cảm thấy mệt khi đi nhà trẻ không?", “Con có cảm thấy vui khi chơi với các bạn không?", “Tại nhà trẻ, bữa ăn hôm nay có những món gì?".

Sau khi tìm hiểu mọi chuyện, nếu đúng là trẻ không ăn tại nhà trẻ hoặc trẻ bị bạn bè bắt nạt, bố mẹ cần phải liên hệ ngay với giáo viên của trẻ và tìm ra cách giải quyết.

3. Trẻ tỏ ra sợ hãi giáo viên

Khi trẻ yêu thích giáo viên của mình, trẻ sẽ chủ động tạm biệt giáo viên mỗi khi ra về. Bố mẹ cần phải đặc biệt lưu ý, nếu trẻ tỏ ra sợ hãi hoặc lẩn trốn mỗi khi nói lời tạm biệt với giáo viên.

Trước tiên, bố mẹ không nên trách mắng trẻ hoặc hỏi rõ nguyên nhân ngay trước mặt giáo viên của trẻ. Bố mẹ cần đưa trẻ về nhà và hỏi rõ ngọn nguồn mọi chuyện. 

Nếu thật sự là trẻ bị giáo viên phê bình, bố mẹ cần phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân trước khi đối chất với giáo viên của trẻ. Nếu lỗi sai là ở trẻ, bố mẹ cần phải kịp thời uốn nắn và giáo dục trẻ theo hướng tích cực.

4. Trẻ không nhắc đến những việc xảy ra ở nhà trẻ

Cho dù tính cách của trẻ hoạt bát hoặc ít nói, nhưng khi tiếp xúc với môi trường mới là nhà trẻ, trẻ sẽ có rất nhiều điều thú vị muốn kể cho mẹ nghe.

Nếu trẻ không hé môi nửa lời, hoặc không nhắc đến những việc xảy ra ở nhà trẻ, điều này nghĩa là trẻ đã gặp một chuyện không vui tại nhà trẻ. Thời điểm này, bố mẹ cần tinh tế dẫn dắt trẻ kể ra những điều ấm ức trong lòng.

Chỉ khi bố mẹ nghe được nguyên nhân từ chính câu chuyện của trẻ, bố mẹ mới có thể giúp trẻ giải quyết vấn đề. Bố mẹ chính là người thân thiết nhất đối với trẻ. 

Sự quan tâm và theo dõi sát sao của bố mẹ sẽ là nguồn động viên giúp trẻ cảm thấy an lòng và duy trì tâm trạng vui vẻ mỗi khi đi nhà trẻ.

Nguồn: Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại