"Đau đầu" vì ứng phó với Iran, Mỹ phó mặc "chảo lửa" Idlib ở Syria cho ông Putin tự giải quyết?

Quốc Vinh |

Washington sẽ tiếp tục kêu gọi kiềm chế và bày tỏ sự lo ngại thương vong dân sự. Nhưng cũng giống như trường hợp ở Aleppo, Mỹ sẽ muốn đứng bên lề ở Idlib, Syria.

Trong khi sự chú ý quốc tế đang tập trung vào cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đặt trên vai gánh nặng ngăn chặn nguy cơ xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở Idlib.

Syria và Nga tuyên bố lực lượng của họ chỉ tấn công những kẻ khủng bố như thành viên của nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đã mở rộng quyền kiểm soát Idlib trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, Nga và Syria dường như không chỉ nhắm mục tiêu HTS; họ đang tìm cách loại bỏ tất cả các phe đối lập vũ trang với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang còn tồn tại. Nhiều nhóm trong số đó được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phần mình, Mỹ đang bận tâm ở những nơi khác trong khu vực và để lại Idlib cho Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tự tay giải quyết.

Washington sẽ tiếp tục kêu gọi kiềm chế và bày tỏ sự lo ngại thương vong dân sự.

Nhưng cũng giống như trường hợp ở Aleppo, Mỹ sẽ muốn đứng bên lề ở Idlib, tờ Al-Monitor nhận định.

Đau đầu vì ứng phó với Iran, Mỹ phó mặc chảo lửa Idlib ở Syria cho ông Putin tự giải quyết? - Ảnh 2.

Idlib đang là vấn đề mà chỉ mình Nga giải quyết.

Nga sát cánh với Syria

Sự leo thang ở Idlib đang làm tăng nguy cơ đụng độ giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Idlib đã trở thành thùng thuốc súng kể từ khi chính phủ Syria chiếm lại Aleppo vào năm 2016.

Sự tham gia của Tổng thống Putin là rất cần thiết trong việc cách ly các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nhưng sự đồng thuận mong manh này có thể bị xói mòn.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thiết lập khu vực phi quân sự ở Idlib vào tháng 9/2018, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có thời gian và không gian để phân tách phe đối lập ôn hòa với khủng bố, cũng như tránh một trận chiến toàn diện.

Nỗ lực này đã được chứng minh là không thành công, trong khi có câu hỏi đặt ra về mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với một số nhóm vũ trang ở đó.

Các lực lượng Syria, được hậu thuẫn bởi sức mạnh không quân Nga, đã nối lại hoạt động ở Idlib trong vài tháng trở lại đây.

Tổng thống Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nghĩ rằng họ đã có thể kiểm soát tình tình bằng lệnh ngừng bắn mới nhất hôm 12/6, tuy nhiên mọi chuyện đã không đi theo dự định.

Về cơ bản, ông Putin không thể kiềm chế được lực lượng Syria và ông Erdogan không thể kiềm chế HTS.

Kể từ đó, lực lượng Syria đã pháo kích hai trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ, làm bị thương ba binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tấn công mới nhất. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã bắn trả một cách thận trọng để tránh leo thang.

Một cuộc bao vây lớn ở Idlib đồng nghĩa với việc có hàng chục ngàn người tị nạn hoặc thậm chí nhiều hơn, chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã tiếp đón khoảng 3,5 triệu người Syria di tản.

Tổng thống Putin biết đây là một cái giá không thể chấp nhận được đối với ông Erdogan, nhà lãnh đạo muốn người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước họ càng sớm càng tốt.

Nhưng bất chấp rủi ro nói trên, thiên hướng của Tổng thống Putin là tiếp tục hỗ trợ cuộc tấn công của chính quyền Assad, đồng thời sử dụng các kênh ngoại giao để giữ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tránh khỏi một cuộc chiến toàn diện, dù cho sự cân bằng này khó có thể đạt hiệu quả, theo Al-Monitor.

"Nếu Damascus tiếp tục các cuộc tấn công này, chúng tôi sẽ phải làm những gì cần thiết ", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh.

Nga đã tranh cãi Thổ Nhĩ Kỳ về các cuộc tấn công gần đây, đổ lỗi cho những kẻ khủng bố Syria - thay vì quân đội Syria - đã tấn công trạm quan sát.

Walid Moallem, Phó Thủ tướng Syria hôm 20/6 tuyên bố, trong khi Syria không tìm kiếm một cuộc đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đang tìm cách buộc Thổ Nhĩ Kỳ rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria.

Quân đội Syria kiệt sức

Đau đầu vì ứng phó với Iran, Mỹ phó mặc chảo lửa Idlib ở Syria cho ông Putin tự giải quyết? - Ảnh 4.

Idlib sẽ tiếp tục trở thành địa điểm giao tranh giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc chiến cho Idlib được coi là khó khăn với quân đội Syria. Lực lượng mong manh của chính quyền Assad được cho là phụ thuộc nhiều vào sức mạnh không quân Nga và thậm chí phải dựa vào các tân binh từ phe đối lập để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Trong các trận chiến chống lại phe đối lập vũ trang ở vùng nông thôn phía Bắc Hama, phía Nam tỉnh Idlib, chính quyền Syria đã tuyển mộ các chiến binh phe phái đối lập đã hòa giải với Damascus trong những năm gần đây, một số từ các tỉnh phía Nam Daraa, Damascus và Quneitra, và những người khác từ tỉnh Homs ở miền Trung Syria, theo Al-Monitor.

Những kẻ khủng bố và các nhóm đối lập vũ trang biết Idlib là thành trì cuối cùng để tồn tại. Sau trận chiến Aleppo, các nhóm vũ trang đã phải rút lui về Idlib. Nhưng lần này sẽ không có lối thoát, ngoại trừ qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đó là điều mà Tổng thống Erdogan sẽ không bật đèn xanh.

Theo giới phân tích, Tổng thống Putin có thể sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc tấn công của chính quyền Assad vào Idlib để bảo đảm quyền kiểm soát các đường cao tốc M5 và M4 quan trọng chạy từ Aleppo đến các thị trấn ven biển Hama và Latakia, và sau đó có thể ngăn chặn cuộc bao vây toàn thành phố .

Việc tạm dừng một cuộc chiến toàn diện ở Idlib sẽ cho phép Tổng thống Putin theo đuổi kết cục ưa thích của mình (và cả Iran), đó là sự thấu hiểu giữa chính quyền Assad và Erdogan, cho phép chủ quyền của Syria đối với Idlib và một số vùng đệm của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria.

Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Erdogan vẫn là những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nòng cốt là người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.

Tổng thống Putin và Iran đang cố gắng môi giới cho các cuộc đàm phán này. Mặc dù có nhiều lời đe dọa đối với người Kurd của Tổng thống Erdogan, Mỹ cho đến nay đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc gặp ở Nhật Bản

Trong khi cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran sẽ còn là tâm điểm chú ý trong tuần tới, Idlib sẽ nhận được ít sự quan tâm hơn.

Idlib sẽ là nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự khi hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ gặp nhau tại cuộc họp G-20 ở Osaka vào ngày 28-29/6.

Trước tiên, Tổng thống Putin sẽ cần ngăn chặn cuộc chiến tiếp theo giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara và Damascus đang rơi vào một cuộc xung đột không hề mong muốn, nhưng họ buộc phải tấn công để đảm bảo lợi ích của mình.

Mỹ đang bận tâm với Iran, vì vậy cơ hội hòa bình sẽ bắt nguồn từ khả năng của Tổng thống Putin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại