Dấu chấm hết cho thương vụ Spike giữa Ấn Độ và Israel

Phạm Huy |

Cuộc thử nghiệm thành công tên lửa chống tăng hạng nhẹ vác vai (MP-ATGM) của Ấn Độ vừa qua được cho là dấu chấm hết cho thương vụ tên lửa Spike-MR giữa quốc gia này và Israel.

Cuối tuần qua, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) đã thử thành công tên lửa MP-ATGM tại bãi thử Ahmednagar thuộc bang Maharashtra.

Một số thử nghiệm khác đối với tên lửa sẽ tiếp tục được tiến hành trong thời gian tới, trước khi bàn giao cho quân đội Ấn Độ thực hiện các thử nghiệm riêng.

Tên lửa được cho là một biến thể của tên lửa điều khiển chống tăng lửa NAG thế hệ thứ ba được phát triển bởi DRDO. Dự kiến, tên lửa MP-ATGM được sản xuất đại trà từ năm 2021 và quân đội Ấn Độ sẽ cần khoảng 40.000 tên lửa như vậy trong 20 năm tiếp theo.

Kết quả trên được xem là một bước tiến triển đáng kể trong việc thúc đẩy sáng kiến "Make in India" (tạm dịch: Hãy đến sản xuất tại Ấn Độ) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong lĩnh vực quốc phòng.

Ngoài ra, cuộc thử thành công tên lửa MP-ATGM cũng khẳng định rằng, việc Bộ Quốc phòng Ấn Độ bất ngờ hủy bỏ thương vụ tên lửa chống tăng tầm xa Spike-MR do hãng Rafael của Israel sản xuất vào đầu năm nay để ưu tiên sản phẩm tương tự trong nước sản xuất là hoàn toàn chính xác, giúp quân đội nước này giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí nước ngoài.

Trước đó, năm 2014, hai bên đã ký một bản hợp đồng mua hơn 8.000 tên lửa Spike và 300 bệ phóng trị giá 525 triệu USD, để thay thế cho các tên lửa chống tăng Milan đã lỗi thời hiện đang trong biên chế và "lấp chỗ trống" trong thời gian DRDO tự nghiên cứu sản phẩm tương tự.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đã xuất hiện nhiều thông tin về những khó khăn trong quá trình thương thảo đối với tính năng của loại tên lửa này từ phía Ấn Độ, mà các chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng có liên quan đến chất lượng và hiệu quả của vũ khí.

Dấu chấm hết cho thương vụ Spike giữa Ấn Độ và Israel - Ảnh 1.

Binh sĩ Israel bắn thử hệ thống tên lửa Spike. Ảnh: The Times of Israel.

Nhược điểm đầu tiên là ở hệ thống phóng. Trên mỗi tổ hợp có 4 bệ phóng, thế nhưng khi tên lửa đầu tiên chưa bắn trúng mục tiêu thì tên lửa thứ hai không thể phóng bởi vì tên lửa phải được điều khiển một cách riêng biệt.

Thứ hai là tên lửa không thích ứng tốt với điều kiện sương mù thường xuất hiện ở địa hình đồi núi trên tuyên biến giới Ấn Độ.

Nhiều cuộc thử nghiệm cho thấy, dù đã được cải tiến nhưng Spike chỉ đánh trúng khoảng 50% mục tiêu trong điều kiện đồi núi và có sương mù.

Trong chuyến thăm chính thức New Delhi vào tháng 1/2018 của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Giám đốc điều hành Rafael Yoav Har Even kỳ vọng, các cuộc đàm phán song phương về thương vụ Spike vẫn được tiếp diễn bởi đây là một trong những đơn hàng lớn của hãng sản xuất quốc phòng Israel.

Thậm chí, Rafael còn đưa ra đề nghị sẽ liên doanh với Tập đoàn Kalyani của Ấn Độ để chuyển giao công nghệ sản xuất tên lửa Spike ngay tại Ấn Độ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.

Các chuyên gia Israel cũng đã biết được ý định tự phát triển, sản xuất tên lửa dẫn đường chống tăng hạng nhẹ có thể vác vai của New Delhi.

Tuy nhiên họ khẳng định, quốc gia Nam Á cần phải ít nhất 5 năm để hoàn thành, trong khi sản phẩm Spike đã được kiểm chứng trong nhiều chiến dịch quân sự thời gian qua cũng như trong lực lượng quân đội nhiều nước trên thế giới và Ấn Độ chỉ việc "mua là dùng được ngay".

Chính vì vậy, việc Ấn Độ sớm thử nghiệm thành công tên lửa MP-ATGM được cho là đã đặt dấu chấm hết cho "hy vọng" về thương vụ Spike của Israel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại