Đánh địch bằng ong

Thùy Trang – Bảo tàng Quân khu 9 |

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân đồng bằng sông Cửu Long phải chiến đấu trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt, khó khăn thiếu thốn về trang bị, vũ khí, đạn dược...

Để tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng, phát huy tinh thần "tự lực, tự cường", nơi đây đã sáng tạo ra nhiều cách đánh giặc, mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Tiêu biểu trong đó là cách đánh giặc bằng ong vò vẽ của anh hùng du kích Nguyễn Văn Tư.

Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Tư (tức Thành Ngọc) sinh năm 1935, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Cũng như bao người con của quê hương Đồng Khởi, anh đã sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập vào đội du kích xã chiến đấu bảo vệ xóm làng.

Là chiến sĩ du kích hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, xung quanh là đồn bốt địch, lực lượng vũ trang của ta ít, súng đạn thiếu... Nguyễn Văn Tư đã phát huy cách đánh độc lập, nhỏ lẻ với vũ khí thô sơ tự tạo.

Lúc thì bí mật phục bắt những tên lính ác ôn đi lẻ, khi bố trí bãi chông, bãi mìn, đánh địch càn vào xã. Với lối đánh thông minh, đồng chí đã góp phần làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, gây cho chúng những nỗi kinh hoàng, khiếp sợ. Đặc biệt, đồng chí đã sáng tạo ra cách đánh địch bằng ong vò vẽ.

Đánh địch bằng ong - Ảnh 1.

Giới thiệu về anh hùng Nguyễn Văn Tư tại Bảo tàng Quân khu 9 - Ảnh BTLSQSVN.

Ong vò vẽ là một trong nhiều loài ong phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long, thường làm tổ ở mặt đất (ngoài đồng ruộng hay trong vườn), trên tường và trên cây. Loài vật này là sống thành từng đàn, vốn hiền lành nhưng khi bị đe dọa sẽ trở nên hung hăng, nguy hiểm.

Điều đặc biệt ở loài ong này là chúng có thể chích (đốt) liên tục, không như ong mật chỉ chích (đốt) một lần rồi sau đó sẽ chết. Khi chích kẻ thù, ngoài tiêm nọc độc, chúng còn tiết ra một chất đặc biệt như một tín hiệu để báo cho "đồng đội" trong tổ ở gần đó kéo đến tấn công.

Là người con của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, nơi có môi trường sống phù hợp với ong vò vẽ, Nguyễn Văn Tư đã hiểu rất rõ về loài ong này để từ đó "huấn luyện" đàn ong trở thành "đội quân" đánh giặc, làm cho kẻ thù hoang mang, khiếp sợ.

Phương pháp bắt và "huấn luyện" ong cũng được đồng chí nghiên cứu rất tỉ mỉ. Đầu tiên là diệt con ong giữ cửa tổ, lấy mảnh vải trùm lên tổ ong bịt kín để bắt trọn đàn ong, sau đó cắt nhẹ cành cây mang về treo trong vườn nhà. Để nọc ong thêm độc, đồng chí cho chúng quen ăn xác chuột chết, rắn độc.

Xung quanh những tổ ong còn bố trí trận địa giả gồm nhiều hình nhân mặc đồ rằn ri với mùi nước hoa (trang phục và nước hoa lính Mỹ hay dùng), tấn công tổ ong từ xa bằng gậy, theo phản xạ tự nhiên bầy ong sẽ bay ra tự vệ, đốt túi bụi vào hình nộm. Qua nhiều lần tập dượt, tạo cho cho đàn ong có được phản xạ có điều kiện.

Đánh địch bằng ong - Ảnh 2.

Tổ ong của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Tư trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 9 - Ảnh BTLSQSVN.

Theo "kế hoạch tác chiến", Nguyễn Văn Tư cho đội quân ong phục kích hai bên vệ đường những lối mà địch thường hay đi càn, kết hợp với mìn được gài trong những lùm cây và chông gai ở dưới nước.

Khi địch lọt vào trận địa phục kích, sẽ tác động vào tổ ong từ xa, theo phản xạ đã được "huấn luyện", đội quân ong tấn công vào bọn địch.

Khi bị ong đốt, bọn địch chui vào bụi cây lẩn tránh thì bị vướng bãi mìn, nhảy xuống nước vướng bãi chông, địch bị thương vong còn ta thì vẫn an toàn.

Đồn An Định (Mỏ Cày) là một trong những đồn bị ong vò vẽ tập kích khiến binh lính địch không dám đi càn, phải bỏ đồn tháo chạy. Sau 30 trận sử dụng ong vò vẽ, Nguyễn Văn Tư đã diệt và làm bị thương 50 tên, làm bọn địch vô cùng hoang mang, lo sợ, khiến chúng không dám ra ngoài đồn bốt đi càn và cướp bóc như trước.

Ngoài nhiệm vụ chỉ huy, trực tiếp chiến đấu, Nguyễn Văn Tư còn tích cực truyền đạt kinh nghiệm huấn luyện tặng cho những đồng chí khác nhanh chóng phát triển đàn ong ra khắp tỉnh. Năm 1961, toàn tỉnh Bến Tre có trên 4.000 tổ ong, mỗi bò rào ở xã, ấp đều có "đội quân ong" canh giữ và đón đánh địch, xen kẽ là những hầm chông, bãi mìn, cạm bẫy...

Trải qua quá trình dày công kiên trì tập luyện, mô hình đánh địch bằng ong vò vẽ đã trở nên phổ biến, được vận dụng một cách có hệ thống và gây được tiếng vang lớn, đặc biệt trong hàng ngũ kẻ thù, hễ nghe nhắc đến tên tuổi của Nguyễn Văn Tư chúng đều hoang mang, khiếp sợ.

Đánh địch bằng ong - Ảnh 4.

Mô phỏng cách bố trí tổ ong tại Bảo tàng Quân khu 9 - Ảnh BTLSQSVN.

Gần 5 năm tham gia chiến đấu chống càn, Nguyễn Văn Tư đã tổ chức bao vây, quấy rối đồn bốt địch hơn 200 trận, (diệt 46 tên, bắn bị thương 113 tên. Hai năm liền (1963 - 1964), đồng chí được bầu là Chiến sĩ thi đua của Quân khu. Đồng chí đã hi sinh anh dũng khi đang ở tuổi 30, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 5/5/1965.

Tổ ong vò vẽ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 9 có số đăng ký BTQK9: 1332-Đ-02. Đây là một trong những hiện vật đặc biệt, thể hiện sinh động truyền thông đấu tranh kiên cường, bất khuất, mưu trí, dũng cảm của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long, tiêu biểu cho truyền thống "quân dân đoàn kết, kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, anh dũng chiến đấu".

Sử dụng ong vò vẽ đánh giặc thể hiện tinh thần sáng tạo, trí tuệ của quân và dân ta, những vũ khí thô sơ, nhân dân Bến Tre vẫn đứng lên quyết tâm giữ nhà, giữ nước, bắt quân thù phải đền tội ác, quyết đánh thắng địch trên hai mặt trận: chiến đấu và sản xuất. Việc dùng ong đánh giặc đã thể hiện rõ ràng cho tinh thần sáng tạo trong chiến đấu của quê hương Đồng khởi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại