Đặc nhiệm Mỹ trọng dụng vũ khí Nga

Tuấn Hưng |

Sau súng chống tăng RPG-7, Mỹ tiếp tục mua súng ngắn phi sát thương Osa do Nga sản xuất để trang bị cho lực lượng đặc nhiệm của mình.

Thông tin về việc mua sắm này được hãng Sputnik ngày 1/12 dẫn lời đại diện tập đoàn TECHMASH, sản xuất súng Osa tiết lộ. "Giới chức bang Arizona, Mỹ mới đây đặt hàng nhiều lô súng ngắn phi sát thương Osa của Nga để trang bị cho lực lượng cảnh sát. Đây là lần đầu tiên lực lượng an ninh Mỹ chính thức mua vũ khí phi sát của Nga".

Theo kế hoạch, lô hàng đầu tiên gồm 60 khẩu súng và 10.000 viên đạn sẽ sớm được bàn giao trong thời gian sớm nhất. Paul Babyu, cảnh sát trưởng bang Arizona, Mỹ cho biết việc trang bị thêm vũ khí phi sát thương Nga sẽ giúp các nhân viên cảnh sát giảm bớt các sự cố chết người trong khi bắt giữ và trấn áp tội phạm, trong bối cảnh người nhập cư bất hợp pháp gia tăng.

Paul Babyu nói về lý do mua súng Nga: "Những người nhập cư bất hợp pháp không có vũ khí nhưng họ có thể tấn công cảnh sát bằng gạch đá. Tôi từng chứng kiến nhiều vụ việc trấn áp bằng súng thông thường dẫn đến chết người. Trong trường hợp này súng ngắn Osa của Nga tỏ ra rất hiệu quả".

Osa là loại súng ngắn phi sát thương được phát triển bởi công ty Công nghệ vũ khí mới, Nga từ giữa những năm 1990 như một vũ khí tự vệ dân sự. Súng có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau như đạn gây choáng, đạn pháo sáng. Các loại đạn này được thiết kế với tiêu chí ít gây thương tích cho mục tiêu hoặc gây chấn động như gây sốc, mất nhận thức trong thời gian ngắn.

Trước khi quyết định mua súng Osa, Công ty AirTronics USA và Chemring Ordnance đã ký hợp đồng phát triển biến thể mới của súng chống tăng nổi tiếng RPG-7 của Nga với mục đích chính trang bị cho lực lượng đặc nhiệm nước này.

"Thỏa thuận nhằm tạo ra một liên doanh vững mạnh để giới thiệu tới thị trường hệ thống vũ khí vác vai không giật mà chúng tôi tin rằng sẽ vượt trội hơn bất cứ sản phẩm nào tương tự trên thế giới", TASS dẫn lời của người đại diện công ty AirTronics USA cho biết.

Để chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng này, hồi cuối năm 2014, trường bắn thử nghiệm Aberdeen (Lục quân Mỹ) đã công bố các thông số kỹ thuật của súng phóng lựu chống tăng AirTronics USA Mk.777 - một bản sao của RPG-7.

Bản sao RPG-7 lần đầu tiên được AirTronics USA giới thiệu từ năm 2009. Theo một số nguồn tin quốc phòng Mỹ, mẫu súng này được phát triển theo yêu cầu của lực lượng tác chiến đặc biệt nước này. Kể từ năm 2009, Công ty Mỹ đã trình làng nhiều biến thể hiện đại hóa khác nhau của RPG-7.

RPG-7 là loại súng chống tăng vác vai không giật được Liên Xô đưa vào sử dụng từ năm 1961. Loại súng này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau với từng loại đạn chuyên biệt.

Đối với nhiệm vụ chống tăng, nếu RPG-7 dùng đạn 1 tầng PG-7VL cũng đã cho phép xuyên thủng 330mm RHA và khi sử dụng đạn 2 tầng chống ERA PG-7VR thì sức xuyên lên tới 750mm RHA. Với góc chạm tốt RPG-7 có khả năng hạ gục cả 1 chiếc xe tăng chủ lực hiện đại.

Đối với nhiệm vụ chống lô cốt, công sự, RPG-7 được trang bị đạn nhiệt áp TBG-7 có sức công phá tương đương 1 viên đạn pháo 120 mm. Mặc dù đạn TBG-7 không đủ độ chính xác đến mức có thể chui qua lỗ châu mai như một số súng chống tăng thế hệ mới nhưng liệu điều này có thực sự cần thiết khi TBG-7 đủ sức phá sập luôn cái lô cốt đó.

Thậm chí khi không dùng đạn nhiệt áp TBG-7 mà dùng đạn chống tăng PG-7VR để phá tường thì cũng cho hiệu quả hơn: đạn sẽ sử dụng tầng đầu tiên phá thủng tường bê tông để tầng thứ hai chui vào nổ phá từ bên trong.

Với sức mạnh thuyết phục của vũ khí do Liên Xô/ Nga sản xuất, vì vậy không khó hiểu vì sao Mỹ đã quyết định nội địa hóa từ RPG-7 đến Ak-47, mua Osa và trong thời gian tới, rất có thể Mỹ tiếp tục nội địa hóa những dòng vũ khí khác do Nga sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại