Đã có 152.000 doanh nghiệp tự làm con dấu theo mẫu riêng

Nguyễn Tuân |

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 152.000 doanh nghiệp công bố mẫu con dấu trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, quy định doanh nghiệp được tự do quyết định về con dấu là một trong những cải cách hết sức đột phá của Luật Doanh nghiệp 2014, khi chuyển hoàn toàn từ cơ chế cơ quan quản lý cấp phép sang cơ chế doanh nghiệp được tự quyết và công bố mẫu dấu.

Quy định này được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến thời điểm hiện nay đã có 152.000 doanh nghiệp công bố mẫu con dấu trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Từ quy định cứng nhắc trước đây, theo Nghị định 58 và Thông tư 07, đã có sự đa dạng trong việc phát hành con dấu của doanh nghiệp và nó mang tính biểu tượng của doanh nghiệp.

Quy định về con dấu cũng là một trong những quy định đi vào cuộc sống nhanh nhất, cùng với những quy định khác của Luật Doanh nghiệp 2014.

Trước đây, doanh nghiệp sẽ phải đến cơ quan công an để xin giấy phép con dấu, rồi đi khắc dấu, sau đó quay lại cơ quan công an để đăng ký mẫu dấu.

Quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 đơn giản hơn rất nhiều khi doanh nghiệp tự đi khắc dấu sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo bất kỳ hình thù nào doanh nghiệp chọn, miễn sao có mã số doanh nghiệp và tên doanh nghiệp trên con dấu đó để tránh trùng lặp giữa các doanh nghiệp với nhau.

Quy trình về thủ tục con dấu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết kế hoàn toàn tự động, sau 3 ngày kể từ ngày đăng ký nếu không nhận được sự phản đối của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có thể sử dụng con dấu đã đăng ký.

Tuy nhiên, việc công bố mẫu dấu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không phải là điều kiện tiên quyết để con dấu có hiệu lực.

“Doanh nghiệp chỉ cần đến nộp đăng ký mẫu dấu, sau đó về và kê cao gối ngủ yên mà không phải làm thêm bất cứ thủ tục hành chính nào. Chỉ có điều doanh nghiệp phải công bố thời điểm có hiệu lực của con dấu theo sự lựa chọn của chính doanh nghiệp, ông Bùi Anh Tuấn nói.”

Nghị định 96/2015/NĐ-CP cũng đã quy định rất rõ, cơ quan đăng ký con dấu không chịu trách nhiệm về nội dung của con dấu và cũng không kiểm tra nội dung con dấu.

Không phải đợi đến khi doanh nghiệp công bố con dấu thì con dấu có hiệu lực, tuy nhiên, nếu không công bố, doanh nghiệp đã vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin và có thể bị xử phạt hành chính, chứ không hề ảnh hưởng đến hiệu lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại