Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS "truyền kỳ sân cỏ"

Trần Quỳnh |

Câu chuyện về bóng đá của những vị giáo sư ở tuổi xưa nay hiếm sẽ giúp các thế hệ trẻ hơn hiểu rõ tác dụng dưỡng sinh và tăng cường sức khỏe của môn thể thao vua.

"Hội bóng giáo sư Tứ Xuyên": Truyền kỳ về những cầu thủ đến với sân cỏ khi đã ngoài 60

Hai mươi năm về trước, các giáo sư ở độ tuổi ngoài 60 đã thành lập một hội bóng đá mang tên "Hội bóng đá giáo sư Tứ Xuyên". Trải qua hai thập kỷ, hội bóng của những vị chuyên gia nòng cốt trên nhiều lĩnh vực ấy tới nay vẫn hoạt động kiên trì, bền bỉ với nguyên tắc và tôn chỉ của mình.

Hội bóng này được thành lập vào tháng 3 năm 1996, xuất phát từ kiến nghị của của các giáo sư cốt cán đang công tác tại các đơn vị đào tạo trên địa bàn Tứ Xuyên như giáo sư Thẩm Tế Hồng, giáo sư Lý Bảo Quân, giáo sư Cung Cẩm Nguyên cùng 18 người bằng hữu khác.

Cho tới nay, "Hội bóng đá giáo sư Tứ Xuyên" đã có tới 42 hội viên đến từ các trường đại học, cao đẳng ở Thành Đô cùng nhiều đơn vị nghiên cứu, hành chính khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 18 thành viên cốt cán đang công tác tại Đại học trọng điểm Tứ Xuyên. Độ tuổi trung bình của hội viên là trên 60 tuổi.

Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS truyền kỳ sân cỏ - Ảnh 1.

Hội viện của "Hội bóng đá giáo sư Tứ Xuyên" hầu hết là những vị chuyên gia ở độ tuổi từ 60 đến hơn 80 tuổi. (Ảnh: Nguồn Internet).

Hai thập kỷ thấm thoát trôi qua, những thành viên cốt cán ngày đầu thành lập của "Hội bóng đá giáo sư Tứ Xuyên" có người đã bước qua độ tuổi 80. Nhưng tình yêu đối với sân cỏ của họ chưa bao giờ phai nhạt.

Xuất phát từ thể chất, tuổi tác và quan điểm, hội đã lập ra quy định riêng mang tên "Tân quy tắc vận động của hội bóng người cao tuổi". Từ đó, các giáo sư quyết định bỏ lối chơi đối kháng bạo lực, thay bằng cách đá văn minh, đề cao tinh thần giao lưu, học hỏi và hạn chế những va chạm gây tổn thương thể chất.

Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS truyền kỳ sân cỏ - Ảnh 2.

Hình ảnh giáo sư Thẩm Tế Hồng chơi bóng điêu luyện trên sân cỏ. (Ảnh: Nguồn Internet).

"Hội bóng đá giáo sư Tứ Xuyên" còn thường xuyên giao lưu cùng những đội bóng trẻ tuổi để học hỏi kinh nghiệm. Tình yêu kiên định với sân cỏ cùng thể chất bền bỉ, dẻo dai của những vị giáo sư ấy đã tạo nên nhiều giai thoại trên sân cỏ của nền bóng đá Trung Quốc.

Đại diện cho "Hội bóng đá giáo sư Tứ Xuyên", giáo sư Thẩm Tế Hồng chia sẻ:

"Chúng tôi lựa chọn bóng đá là môn thể thao dưỡng sinh, bởi chơi bóng vừa cần sự dũng cảm, vừa cần trí tuệ, cũng cần chiến lược và cả tinh thần đoàn kết, hợp tác. Chỉ có như vậy, người ta mới có thể đá bóng trong trạng thái hài hòa cả về thể chất và tinh thần."

Giọt mồ hôi rơi trên sân cỏ, nhưng đổi lại cho họ là sức khỏe thách thức thời gian và tinh thần đồng đội trăm năm không mòn. Bóng đá chính là liều thuốc dưỡng sinh hiệu quả nhất để duy trì tinh thần và sức khỏe, khiến các vị giáo sư ấy mãi là những "bảo đao chưa cũ".

Thông qua tình yêu sân cỏ của mình, "Hội bóng đá giáo sư Tứ Xuyên" cũng nhắn nhủ lớp trẻ hãy trân trọng sức khỏe, tận hưởng cuộc sống, đồng thời tăng cường luyện tập thể thao, nâng cao thể chất, cường kiện khí lực, từ đó tôi luyện thêm nhiều phẩm chất tốt đẹp.

Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS truyền kỳ sân cỏ - Ảnh 3.

Bóng đá: Ngai "vua" không chỉ trong thể thao

Được mệnh danh là "môn thể thao vua", bóng đá không chỉ thu hút người ta bởi những pha tranh bóng, ghi bàn gay cấn trên sân cỏ, mà còn khiến nhiều người bị chinh phục bởi nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời dưới đây.

Thứ nhất, tốt cho hệ thần kinh

Trong khi đá bóng, người chơi vừa phải dùng mắt để quan sát, vừa phải dùng chân để di chuyển, cũng vừa cần suy đoán và ứng phó với nhiều tình thế bất ngờ trên sân cỏ.

Cũng bởi vậy, cầu thủ phải tập trung cao độ, đặc biệt là trong những trận thi đấu. Việc thường xuyên phải phán đoán như vậy sẽ giúp tăng cường công năng và tăng độ nhạy bén của hệ thần kinh.

Thứ hai, nâng cao khả năng phản ứng

Đá bóng là lúc người chơi cần "mắt nhìn bốn phương, tai nghe tám hướng", não ở trạng thái "tác chiến", đôi chân không ngừng di chuyển.

Mỗi khi xuất hiện tình thế bất ngờ, cả cơ thể và suy nghĩ đều phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa ra phản ứng kịp thời, thích hợp. Từ đó, thường xuyên đá bóng có thể tăng khả năng phản ứng của cơ thể.

Thứ ba, tăng cường công năng của tim và nội tạng

Loại hình vận động mạnh như đá bóng sẽ khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi và đào thải độc tố.

Bên cạnh đó, khi đá bóng, các cơ quan trong cơ thể càng cần cung ứng lượng máu nhiều hơn để phục vụ cho việc vận động. Lúc đó, tim và cơ quan nội tạng sẽ tăng tần suất hoạt động.

Vì thế, duy trì chơi bóng đều đặn sẽ khiến tim và các cơ quan nội tạng trong cơ thể thường xuyên được rèn luyện và cải thiện công năng.

Không chỉ vậy, đá bóng thường xuyên có mang lại tác dụng phòng chống bệnh tim mạch. Tuy nhiên, người có tiền sử mắc bệnh về tim lại không thích hợp chơi môn thể thao đòi hỏi cường độ vận động cao này.

Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS truyền kỳ sân cỏ - Ảnh 4.

Nếu vận dụng cách chơi khoa học, bóng đá hoàn toàn có thể trở thành môn thể thao rèn luyện toàn diện về thể chất cho mọi lứa tuổi. (Ảnh minh họa).

Thứ tư, tăng cường công năng cho hệ hô hấp

Cường độ vận động của bóng đá cao hơn nhiều so với chạy bộ. Khi đá bóng, lượng không khí trong mỗi hơi thở của chúng ta khi hít vào, thở ra sẽ lớn hơn mức bình thường.

Do đó, hệ hô hấp cần hoạt động mạnh hơn để phục vụ cường độ vận động lớn của người chơi. Thói quen hô hấp này cũng khiến mang lại công hiệu cải thiện dung tích phổi, khiến vùng lồng ngực càng thêm có lực, từ đó tăng cường công năng cho hệ hô hấp.

Thứ năm, tăng lực chi dưới

Bóng đá là một trong những môn thể thao thích hợp nhất để rèn luyện đôi chân.

Trong quá trình đá bóng, chân đóng vai trò chủ yếu. Thường xuyên luyện tập môn thể thao này sẽ giúp người chơi tăng tốc độ tuần hoàn máu ở phần chi dưới, khiến xương chân trở nên khỏe hơn, đôi chân càng thêm bền bỉ, rắn chắc.

Thứ sáu, nâng cao tinh thần đồng đội

Là một bộ môn sở hữu lượng người chơi tương đối nhiều và mang tinh thần cộng tác cao, bóng đá coi tinh thần đồng đội như một trong những yếu tố cốt lõi để làm nên chiến thắng trong mỗi trận đấu.

Người yêu bóng đá không chỉ được tôi luyện được thể chất mà còn rèn luyện được khả năng phối hợp ăn ý và nâng cao kỷ luật cũng như tinh thần đoàn kết.

Thứ bảy, giúp trẻ em phát triển toàn diện

Đến từ Viện nghiên cứu Thể thao tại Hồng Kông, chuyên viên đánh giá thể chất là bác sĩ Lôi Hùng Đức cho biết, tại Hồng Kông ngày nay, có nhiều gia đình tạo điều kiện cho con cái chơi bóng đá từ khi còn nhỏ để rèn luyện cả về thể chất lẫn đức tính.

Bác sĩ Lôi chia sẻ, động tác chạy trong bóng đá khác với kiểu chạy bình thường. Khi đá bóng, cơ thể người chơi vừa phải di chuyển cả phía trước, phía sau, bên phải, bên trái. Nhờ vậy, khả năng phối hợp của cơ thể sẽ càng được nâng cao.

Về phương diện tâm lý, bóng đá là bộ môn thể thao giúp trẻ tôi luyện tinh thần kỷ luật, khả năng độc lập, hình thành sự nhạy bén và phán đoán chính xác, đồng thời nâng cao tinh thần đồng đội.

Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS truyền kỳ sân cỏ - Ảnh 5.

Giáo sư Lôi Hùng Đức - chuyên viên đo lường và thẩm định thể chất tốt nghiệp tại Springfield College (Hoa Kỳ) và hiện đang công tác tại Hồng Kông. (Ảnh: Nguồn Internet).

Đá bóng không đúng cách: Cẩn thận lợi bất cập hại, coi chừng nguy hiểm!

1. Đá không đúng thời điểm

Bóng đá không phải là môn thể thao thích hợp chơi trong mọi thời điểm.Nếu đá bóng khi thời tiết quá nóng, người chơi sẽ có nguy cơ bị cảm nắng, bong gân, thậm chí ngất xỉu. Ngược lại, đá bóng trong tiết trời quá lạnh lại khiến người chơi có nguy cơ bị cảm lạnh.

Lúc sáng sớm, hoàng hôn hoặc thời điểm có sương mù cũng không thích hợp để đá bóng. Khi đó, ánh sáng tự nhiên bị hạn chế, tầm nhìn bị cản trở, khả năng phản ứng của người chơi cũng chậm lại, khó ứng phó với các tình huống bất ngờ trên sân cỏ và tăng nguy cơ bị chấn thương.

Bóng đá cũng không nên chơi lúc trời mưa vì địa hình trơn trượt, tầm nhìn bị hạn chế, người chơi còn có nguy cơ bị cảm, sốt…

Buổi tối muộn cũng không phải là lúc thích hợp để chơi đá bóng. Theo Trung y, buổi tối khoảng từ 20-21h là lúc cơ thể đã rơi vào tình trạng mệt mỏi về sinh lý, không thích hợp chơi thể thao.

Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS truyền kỳ sân cỏ - Ảnh 6.

2. Đá không đúng người

Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, hô hấp nếu chơi bóng đá có thể tăng nguy cơ làm bệnh cũ tái phát, thậm chí trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới đột quỵ.

Đặc biệt, những người cận thị hoặc có tật về mắt cần lưu ý khi lựa chọn môn thể thao này. Bởi họ có võng mạc yếu hơn nhiều so với người bình thường. Nếu bị chấn thương ở mắt trong lúc đá bóng sẽ dẫn tới rủi ro bị bong võng mạc, gây mù lòa.

3. Đá không đúng cách

Bản chất của đá bóng là loại hình vận động mạnh, kết hợp nhiều giác quan, lối chơi chủ yếu là đối kháng, khó tránh khỏi tình trạng quá sức hoặc va chạm thân thể.

Tuy nhiên, việc thường xuyên chơi bóng đá theo lối bạo lực, hoặc không cẩn thận trong lúc di chuyển sẽ làm người chơi có nguy cơ chấn thương thể chất (gãy xương, trật khớp, tổn thương mô mềm…).

Những lưu ý giúp bạn đá bóng "chuẩn không cần chỉnh"!

Về trang phục

Người chơi đá bóng thường đổ nhiều mồ hôi, nên thay vì lựa chọn những bộ đồ quá bó hay quá bí bức, bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Lưu ý chọn chất vải thấm mồ hôi để cơ thể có cảm giác thoải mái.

Người thường xuyên đá bóng cũng cần một đôi giày chuyên dụng để chạy tốt trên sân cỏ.

Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS truyền kỳ sân cỏ - Ảnh 7.

Một đôi giày chơi bóng bền bỉ, chất lượng sẽ giúp bạn tỏa sáng trên sân cỏ như những cầu thủ chuyên nghiệp. (Ảnh minh họa).

Về thời gian

Như đã giải thích ở trên, bóng đá không nên chơi khi trời mưa, không thích hợp chơi khi trời quá nóng, quá lạnh, càng không nên chơi vào lúc hoàng hôn hoặc sáng sớm hay tối muộn.

Thời gian thích hợp nhất cho những loại hình vận động mạnh này là lúc 9-10h sáng hoặc 15-18h chiều. Đây là lúc nhịp độ cơ thể lên cao, cơ bắp, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp sẵn sàng hoạt động cường độ cao.

Tất nhiên, đối với bộ môn đặc thù như bóng đá, người chơi ngoài việc lựa chọn khung giờ còn cần quan tâm tới yếu tố thời tiết, tránh đá dưới tiết trời quá nắng nóng, quá lạnh hoặc có mưa lớn.

Về sân bóng

Một sân bóng tốt sẽ đảm bảo yếu tố an toàn cho người chơi bóng. Sân bóng chất lượng vừa khiến người chơi cảm thấy vui vẻ, cũng làm giảm khả năng bị chấn thương của họ. Ngược lại, nếu sân bóng có địa hình không thuận lợi, nhiều sỏi, đá, người chơi sẽ càng có nguy bị chấn thương.

Về khởi động

Trước khi đá bóng, người chơi nên tiến hành một vài vận động nhẹ để các cơ quan trong cơ thể bắt đầu được "khởi động", lấy đà tăng tốc và đạt được hiệu suất cao trong khi vận động. Việc bỏ qua bước khởi động trước khi chơi bóng sẽ khiến người chơi gặp khó khăn trong vận động hoặc giảm sức bền.

Về cách uống nước

Trong hoặc sau khi chơi bóng, cơ thể của bạn bị tiêu hao rất nhiều sức lực, các cơ quan bên trong vẫn đang trong quá trình trở về trạng thái hoạt động bình thường.

Lúc đó, nếu lập tức uống nhiều nước, đặc biệt là nước lạnh, dạ dày sẽ bị kích thích và sinh ra đau bụng, hơn nữa gánh nặng đối với tim cũng tăng cao. Thay vào đó, bạn nên chú ý uống từng ngụm nhỏ, uống từ từ, nghỉ một lúc rồi mới uống thêm lượng nước lớn hơn, tránh uống nước lã, nước lạnh.

Về tắm rửa

Nhiều người thường có thói quen đi tắm ngay sau khi đá bóng để tiêu trừ mệt nhọc. Kỳ thực đây là cách làm phản khoa học.

Bởi trong lúc đá bóng, lượng máu của cơ thể tập trung đổ dồn về các chi, khiến tim hình thành thói quen truyền dẫn máu như vậy. Khi vừa chơi xong, lượng máu vẫn tiếp tục có xu hướng đổ về tứ chi. Đi tắm vào lúc này sẽ khiến bạn cảm thấy choáng váng, buồn nôn, thậm chí tăng nguy cơ tái phát một số bệnh.

Vì vậy, sau khi đá bóng, bạn nên nghỉ ngơi một chút rồi mới tắm bằng nước ấm.

Đá bóng để khỏe hay để chết: Bài học phải nhớ đến già từ hội GS truyền kỳ sân cỏ - Ảnh 8.

*Theo KKnews.cc/Scu.edu/Sportihealth.com/Jiankanghou.com

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại