Cứu sống một phụ nữ suýt tử vong vì mắc Hội chứng trái tim tan vỡ

Phạm An |

“Trái tim tan vỡ” là cụm từ mà mọi người thường nhắc đến khi bị thất tình, gặp chuyện buồn, đau khổ,...hay quá vui mừng. Thế nhưng đây là căn bệnh có thật.

Vì buồn chuyện gia đình, kèm theo những căn bệnh khác hành hạ, chị H.T.Q.P (45 tuổi, quê An Giang) đã gặp phải "Hội chứng trái tim tan vỡ".

Ban đầu, người nhà thường thấy chị P. ủ rũ, mệt mỏi, hay suy nghĩ dẫn đến chị bị stress kéo dài. Chị T. liên tục mất ngủ, dẫn đến suy nhược thần kinh. Mỗi đêm, chị phải sử dụng khá nhiều thuốc ngủ mới có thể chợp mắt.

Thấy chị như vậy, người nhà lo lắng nên đã dẫn chị đến hơn 5 bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên, điều chị T. gặp phải không chỉ là những căn bệnh đó, mà là gia đình chị thường xuyên có chuyện buồn, chị lại hay nghĩ ngợi nên ngoài bị stress, chị T. còn gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý.

Trái tim bỗng nhiên "tan vỡ"

Tối ngày 13/9/ vừa qua, gia đình thấy chị T. ngủ ngon nên không để ý. Tuy nhiên, chị T. ngủ quá lâu nên người thân đến xem thì phát hiện chị hôn mê sâu, vỉ thuốc ngủ bên cạnh đã bị bóc ra 7 viên. Gọi mãi chị T. không tỉnh, gia đình lập tức đưa chị đến Bệnh Viên Đa khoa tỉnh An Giang cấp cứu.

Tại đây, chị T. được chuẩn đoán bị hôn mê sâu do uống thuốc ngủ quá liều, suy hô hấp, mất tri giác phải thở máy. Đến ngày 15/9, chị T. được chuyển đến BV Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiếp tục điều trị.

Cứu sống một phụ nữ suýt tử vong vì mắc Hội chứng trái tim tan vỡ - Ảnh 1.

Chị T. hiện đã qua cơn nguy kịch và đang hồi phục nhanh. Tuy nhiên, bác sĩ Linh khuyến cáo người thân nên đưa chị đi đến các chuyên gia tâm lý để chị có thể khắc phục các vấn đề về tinh thần.

Ban đầu, chị T. được theo dõi điều trị tại khoa Chống độc nhiệt đới của BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, 19h30' hôm sau chị đột ngột bị hạ huyết áp, phổi trào bọt hồng qua ống nội khí quản, men tim tăng cao. Lập tức chị được chuyển ngay qua khoa Hồi sức cấp cứu.

"Với những biểu hiện ban đầu khi bệnh nhân đến khoa, chúng tôi nhận định chị T. bị nhồi máu cơ tim, có nguy cơ tử vong cao. Nhưng để có những phán đoán chính xác, chúng tôi tiến hành ngay siêu âm tim thì phát hiện bệnh nhân bị "Hội chứng trái tim tan vỡ".

Ở bệnh viện Chợ Rẫy chưa từng gặp bệnh nhân bị hội chứng này nặng đến như vậy", bác sĩ Trần Thanh Linh – Phó khoa Hồi sức cấp cứu cho biết.

Theo bác sĩ Linh, khi kiểm tra kết quả siêu âm tim của chị T., thì vũng mỏm tim đã phình to như quả bóng, biến dạng khiến tim chịu một áp lực cao. Nếu không kịp thời xử lý, tim có thể bị vỡ ra, bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức.

Vì bệnh của chị T. chuyển biến quá nhanh, nên các bác sĩ tại Khoa Hồi sức chống độc của BV Chợ Rẫy phải dùng mọi biện pháp giành mạng sống cho chị T.. Bác sĩ Linh cho rằng phải đặt máy ECMO ngay để hỗ trợ tim cho chị T.. Thế nhưng đó là 12h khuya, BV chỉ còn các bác sĩ trực nên không đủ nhân lực, kèm theo đây cũng là ca phải đặt ECMO ngay trong đêm khuya nên ai cũng lo ngại.

Bác sĩ Linh nói: "Lúc đó, chúng tôi đã hỏi ý kiến người nhà, vì nguy cơ chị T. tử vong là rất cao. Nhờ sự quyết tâm, và động viên từ phía gia đình bệnh nhân, chúng tôi đã tiến hành đặt máy ECMO thành công. Lúc đó nhìn đồng hồ thì đã hơn 3h sáng. Khi đặt xong máy cho chị T., ai cũng thở phào nhẹ nhõm".

Một tuần sau khi được đặt máy và điều trị tích cực, bệnh tình của chị T. phục hồi khá nhanh. Hiện tại chị T. đã tỉnh, có thể ăn cháo, uống sữa và trò chuyện được với người nhà khiến ai cũng hết sức vui mừng. Theo bác sĩ Linh, khoảng 1 đến 2 tháng nữa, tim của chị T. sẽ trở lại bình thường và có thể xuất viện.

Tuy nhiên, sau khi xuất viện 3 tháng, chị T. nên đi siêu âm tim lại, để tránh trường hợp bệnh tái phát mà gia đình không biết.

Bên cạnh đó, bác sĩ Trần Thanh Linh khuyến cáo, người thân nên đưa chị T. đi điều trị về tâm lý, vì "Hội chứng trái tim tan vỡ" này xuất phát từ vấn đề tâm lý chứ không phải do các yếu tố khác.

Ai cũng có thể mắc phải "Hội chứng trái tim tan vỡ"

"Bệnh này nguy hiểm ở chỗ là các bác sĩ có thể chuẩn đoán nhầm với bệnh nhồi máu cơ tim, vì hai bệnh này có những biểu hiện rất giồng nhau. Để phán đoán chính xác chỉ có một cách là siêu âm tim, nếu như mỏm tim bị phình to, nghĩa là bệnh nhân đang gặp "Hội chứng trái tim tan vỡ.

Tuy nhiên, nếu phát hiện kịp thời thì bệnh nhân hồi phục rất nhanh chứ không nguy hiểm như nhồi máu cơ tim", bác sĩ Linh chia sẻ.

Cứu sống một phụ nữ suýt tử vong vì mắc Hội chứng trái tim tan vỡ - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó Khoa Hồi sức cấp cứu của BV Chợ Rẫy đang chia sẻ về "Hội chứng trái tim tan vỡ".

Theo bác sĩ Linh, hiện nay chỉ có một cách là đặt máy ECMO cho bệnh nhân thì mới có thể cứu chữa được. Điều đáng lo ngại là nhiều bệnh viện tỉnh không có máy ECMO thì bệnh nhân có thể tử vong.

Về vấn đề này, bác sĩ Linh chia sẻ: "Nếu bệnh viện không có máy ECMO thì có thể đặt bóng đối xung vào vùng tim để cấp cứu tạm thời rồi chuyển ngay bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên để kịp thời điều trị".

Bác sĩ Linh cho biết thêm, "Hội chứng trái tim tan vỡ" có thể xảy ra đối với bất kỳ ai, mặc dù họ chưa từng bị các vấn đề về tim, vì đây là căn bệnh xuất phát từ tâm lý bị kích động quá mức như: thất tình, gia đình có biến cố, người bị phá sản… thậm chí gặp chuyện vui quá mức cũng có thể "tan vỡ trái tim".

Phụ nữ phần lớn hay suy nghĩ, có tâm lý yếu đuối nên rất dễ gặp phải, nên chiếm tỉ lệ bệnh khá cao (90% trên tổng số người mắc phải), nhất là phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, stress, trầm cảm,…

Vì vậy, chúng ta nên biết điều tiết cảm xúc của mình, nếu có vấn đề về rối loạn thần kinh, stress kéo dài thì nên đến ngay các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để giải phóng tâm trạng u uất. Ngoài ra, mọi người không nên hút thuốc, uống rượu, thường xuyên tập thể dục, kèm theo chế độ dinh dưỡng hợp lý để có trái tim khỏe mạnh.

"Hội chứng trái tim tan vỡ" là tình trạng căng thẳng cơ tim.

Hội chứng này gây ra những cơn đau thắt tim cho bệnh nhân. Thường xảy ra khi họ gặp áp lực tâm lý quá lớn như: đột ngột mất đi người thân yêu nhất, bị thất tình, phá sản,... 90% người mắc phải Hội chứng này là phụ nữ.

"Hội chứng trái tim tan vỡ" có những biểu hiện y hệt như bệnh nhồi máu cơ tim nên khiến nhiều bác sĩ chuẩn đoán và điều trị nhầm, gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Thậm chí, họ có thể tử vong khi không được phát hiện bệnh kịp thời.

Tình yêu tan vỡ tưởng chỉ là vấn đề của tâm lý, song thực tế nó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của trái tim con người. Khi một người bắt đầu lo lắng, buồn khổ nồng độ Adrenaline, Cortisol tăng cao, sự căng thẳng có thể gây ra cơn đau tim đột ngột và dẫn đến "Hội chứng trái tim tan vỡ" và tử vong bất kỳ lúc nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại