Cười người hôm trước, hôm sau người cười: Nga chẳng mất xu nào để có công nghệ tàu Mistral

QS |

Trao đổi với Sputnik, chuyên gia quân sự Alexander Sitnikov đã lý giải về việc: Sau tất cả, Nga cuối cùng đã chiến thắng thương vụ Mistral như thế nào?

Ngày 13/5, hãng tin Sputnik đăng tải bài viết với tiêu đề "Cười người hôm trước, hôm sau người cười: Nga chẳng mất xu nào để có công nghệ tàu Mistral".

Theo đó, thỏa thuận cung cấp trực thăng tấn công Ka-52K giữa Nga và Ai Cập đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Các cuộc thảo luận về giá cả dự kiến sẽ được tiến hành vào nửa sau tháng này.

Ai Cập sẽ sử dụng trực thăng Ka-52K trên các tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral mua lại từ Pháp.

Trao đổi với Sputnik, chuyên gia quân sự Alexander Sitnikov đã lý giải về việc: Sau tất cả, Nga cuối cùng đã chiến thắng thương vụ Mistral như thế nào?

Vì sao Ai Cập tìm đến Nga?

Trước tiên, nhà phân tích cho rằng trực thăng tấn công hải quân Ka-52K là lựa chọn tối ưu cho các tàu Mistral của Ai Cập, bởi chúng được thiết kế đặc biệt cho tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral do Pháp chế tạo.

Công ty đóng tàu Pháp ban đầu đóng 2 tàu Mistral cho Nga nhưng thỏa thuận đã bị hủy bỏ vào giữa năm 2015 do mối quan hệ giữa Nga-phương Tây xấu đi và Washington gây áp lực cho Paris.

Pháp sau đó đã đồng ý bán lại 2 tàu Mistral này cho Ai Cập với giá 950 triệu euro (1,06 tỷ USD) và trả lại cho Nga tiền đặt cọc.

Về phần mình, Hải quân Nga đã tiến hành điều chỉnh trực thăng Ka-52K để chúng có thể hoạt động trên tàu sân bay Admiral Kuznetsov.

Mỗi tàu Mistral mang được 16 trực thăng Ka-52K. Tuy nhiên, giới quan sát quân sự cho rằng Cairo có lẽ chỉ mua 8 chiếc trực thăng cho mỗi tàu.

Trực thăng tấn công Ka-52K của Hải quân Nga (Nguồn: Sputnik)

Có thông tin các kỹ sư Nga đang trong quá trình điều chỉnh trực thăng tấn công Ka-52K theo yêu cầu của quân đội Ai Cập.

Chuyên gia phân tích quân sự Nga Alexander Sitnikov cho biết, ngoài trực thăng tấn công, Nga còn có thể cài đặt lại thiết bị mà họ đã tháo dỡ khỏi các tàu Mistral sau khi thương vụ với Paris đổ vỡ.

Theo ông Sitnikov, có bằng chứng cho thấy Nga sẽ tham gia cùng với Pháp để bảo dưỡng kỹ thuật cho các tàu Mistral của Ai Cập và huấn luyện thủy thủ cho họ.

"Theo cách này", ông Sitnikov viết, "chúng ta có thể nói về sự khởi đầu của một liên minh chiến lược mới tại Trung Đông".

"Tháng Một năm nay, Ai Cập đã tuyên bố thành lập Hạm đội phương nam (đóng ở Biển Đỏ). Hạm đội này, ngoài các tàu Mistral do công ty STX Pháp ở St Nazaire chế tạo, còn có 1 khinh hạm đa nhiệm FREMM của Pháp-Ý, 4 tàu hộ tống Gowind 2500 và 4 tàu ngầm tấn công diesel-điện Type 209.

Tất nhiên, năng lực của nhóm tàu chiến này sẽ không đủ để đáp ứng tham vọng địa-chính trị của Ai Cập nếu không có sự hỗ trợ từ phương tiện đường không" - ông Sitnikov cho hay.

Sau tất cả, Moscow đã cùng với Pháp bán 2 tàu Mistral cho Ai Cập. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Cairo và Washington đã trở nên xấu đi vào năm 2013, sau khi Tổng thống Mohammed Morsi (do Mỹ hậu thuẫn) bị quân đội lật đổ.

Theo vị chuyên gia, sự can thiệp trơ trẽn của Washington vào các vấn đề nội bộ của Ai Cập thông qua việc ủng hộ làn sóng Mùa xuân Ả Rập đã khiến hầu hết người dân Ai Cập chợt nhận ra rằng Mỹ đang đẩy họ xuống vực thẳm.

Trong tình cảnh đó, Cairo tất yếu phải tìm tới Paris và Moscow - những nước vẫn có thể duy trì mối liên hệ với nhau bất chấp áp lực từ Washington.

Cười người hôm trước, hôm sau người cười: Nga chẳng mất xu nào để có công nghệ tàu Mistral - Ảnh 2.

Tàu Vladivostok, chiếc Mistral đầu tiên mà Pháp đóng cho Nga. Ảnh chụp tháng 9/2014 (Nguồn: AP)

Nga chẳng tốn xu nào để có công nghệ Mistral

Việc hủy bỏ thỏa thuận Mistral giữa Nga-Pháp đã có tác động tiêu cực tới danh tiếng của công ty STX nói riêng và hình ảnh của cả ngành công nghiệp quốc phòng Pháp nói chung.

Trong một cuộc khảo sát tại Pháp năm 2015, có tới 72% số người tham gia cho rằng Pháp nên thực hiện đến cùng các hợp đồng quân sự vì lợi ích quốc gia, còn hủy bỏ chúng sẽ ẩn chứa những rủi ro kinh tế đáng kể.

"Chính vì điều này mà Paris đã làm mọi thứ có thể để đảm bảo các bên đều cảm thấy vui vẻ, như trả lại Nga 949,7 triệu euro tiền đặt cọc, chuyển giao các công nghệ then chốt để chế tạo tàu chở trực thăng cỡ lớn và công nghệ chống thấm nước.

Tờ Le Monde của Pháp ước tính tài liệu thiết kế mà nước này chuyển giao cho Moscow trong thương vụ Mistral có giá trị tới 220 triệu euro.

Chuyển giao công nghệ đã được xem là một vấn đề quan trọng trong thỏa thuận Mistral với Nga ngay từ khi bắt đầu" - ông Sitnikov cho biết.

Đề cập tới sự hợp tác giữa Pháp-Nga-Ai Cập trong vấn đề tàu Mistral, ông Sitnikov nhấn mạnh rằng "từ khi bắt đầu thảo luận chi tiết về việc cung cấp các tàu Mistral, Hải quân Ai Cập đã nói rõ rằng họ cần sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Quốc phòng Nga".

"Dẫu sao thì các tàu Mistral vốn được chế tạo theo yêu cầu của Nga và để thích ứng với các hệ thống của Nga. Việc sửa đổi chúng theo tiêu chuẩn của NATO tuy khả thi về mặt kỹ thuật nhưng không hợp lý nếu xét trên phương diện thương mại: Tháo dỡ làm phế liệu thậm chí còn đỡ tốn chi phí hơn" - ông Sitnikov nêu quan điểm.

"Nếu Nga đạt được thỏa thuận cung cấp trực thăng cho các tàu Mistral (khả năng này rất cao), các chuyên gia Ai Cập sẽ cho phép các kỹ sư Nga tiếp cận tất cả hệ thống trên tàu.

Điều đó sẽ cho phép Nga nắm bắt được cơ chế hoạt động của mẫu tàu chở trực thăng này trên thực tế. Và Bộ Quốc phòng Nga cũng không hề giấu giếm khả năng sẽ ứng dụng kinh nghiệm có được từ sự hợp tác đó để phát triển các phiên bản Mistral nội địa.

Nói chung, Nga đã lên kế hoạch chế tạo các tàu chở trực thăng dựa trên mẫu Mistral ngay từ đầu. Việc đặt hàng 1 chiếc, và sau đó là 2 chiếc Mistral từ Pháp có thể xem như một sự chuyển nhượng thương mại. Nói thẳng ra thì Moscow đã nhận được tài liệu về tàu Mistral mà không mất xu nào, bởi chính xác thì đó là tiền của Cairo.

Ai Cập là bên thắng lớn nhất trong thương vụ này. Sau khi triển khai Hạm đội phương Nam, Cairo sẽ trở thành cường quốc hàng hải trong khu vực và sẽ đủ khả năng bảo vệ mỏ khí đốt khổng lồ mới phát hiện gần khu đặc quyền kinh tế của họ.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Síp và Hy Lạp đều tuyên bố quyền sở hữu với mỏ này. Tuy nhiên, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp cho thấy tàu chiến là phương tiện hiệu quả nhất".

Ngoài ra, Hạm đội phương Nam còn cho phép Ai Cập bảo vệ các tuyến đường biển thương mại ở vịnh Aden và tác động lên Iran, cùng Saudi Arabia trong cuộc xung đột đang tiếp diễn tại Yemen.

"Trong giao dịch này, không bên tham gia nào bị thua thiệt. Paris dù 'không tuân lệnh' Washington nhưng đã có thêm nhiều hợp đồng quân sự, Nga có được tài liệu của tàu Mistral, cùng với một đồng minh chiến lược mới. Trong khi đó, Ai Cập đã giành được vị thế của một cường quốc hải quân" - vị chuyên gia kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại