Cuộc đời kỳ lạ của nhà tiên tri nổi tiếng Vanga (Phần 10): Giao tiếp với người chết

Trần Hậu |

Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những biểu hiện kỳ lạ nhất trong tài năng tiên tri của Vanga là khả năng “giao tiếp” với người đã chết.

Vanga giao tiếp với người chết

Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những biểu hiện kỳ lạ nhất trong tài năng tiên tri của Vanga là khả năng “giao tiếp” với người đã chết.

“Tôi nói chuyện được với người chết,- Vanga giải thích như vậy trong một bài trả lời phỏng vấn của mình. - Và khi rơi vào trạng thái thôi miên, tôi cảm thấy điều đó lúc đầu bằng ngôn ngữ, sau bằng não, còn sau nữa nói chung không cảm thấy gì, tất cả lướt qua tôi.

Nhưng nếu những người chết không biết điều gì đó thì ngay lập tức vẳng nghe một giọng nói lạ xa xăm. Như trong điện thoại. Lúc to, lúc nhỏ”.

Bà còn nói rằng “nhìn thấy” những người chết mặc quần áo bình thường, đang chuyển động, dường như họ đang bay trong không trung, và hơi trong suốt hơn những người sống.

Đôi khi Vanga nói những điều rất mạch lạc về những người chết mà bà đã tiếp xúc. Chẳng hạn: “Khi một người đứng trước mặt tôi, xung quanh anh ta tập hợp tất cả những người thân đã chết.

Chính họ đặt câu hỏi cho tôi và sẵn lòng trả lời những câu hỏi của tôi. Những gì nghe được từ họ tôi đều thông báo cho người sống”.

Một lần, Vanga kể cho một vị khách về bà mẹ quá cố của anh ta, và anh ta hỏi, liệu có phải sự có mặt của mình đã “dẫn” người phụ nữ quá cố đến không. Vanga trả lời: “Không, không phải anh. Họ tự tìm đến; bởi vì tôi đối với họ là cánh cổng mở vào thế giới này”.

Không thể không trích dẫn một số trường hợp “giao tiếp” của nhà tiên tri với những người đã chết.

Một lần, khi một phụ nữ trẻ đến gặp Vanga, bà hỏi ngay lập tức: “Chị có nhớ mẹ chị có một vết sẹo bên đùi trái không?”.

Người phụ nữ khẳng định đúng như vậy, và hỏi nhà tiên tri vì sao biết điều đó.

Vanga nói rằng mọi việc hết sức đơn giản: người quá cố đứng trước mặt bà, trẻ trung, vui vẻ, mắt màu xanh, trùm tấm khăn trắng trên đầu, mặc váy, bà vén chân váy lên và nó với Vanga: “Bà hỏi xem con gái tôi có nhớ là tôi có vết sẹo vì ngã không?”.

Vanga còn thông báo: “Mẹ chị bảo Magdalena (người con gái khác của bà ấy) đừng ra nghĩa trang, vì đau đầu gối”. (Bà khách khẳng định rằng em gái của bà đang bó bột đầu gối nên đi lại khó khăn).

Sau đó Vanga im lặng một lúc rồi lại bắt đầu nói: “Mẹ chị còn nhờ tôi nói với chị như sau.

Khi bọn Thổ định đốt làng Galichnik, bố chị đã hối lộ cho chúng một khoản tiền rất lớn để cứu làng. Sau đó mọi người quyết định xây nhà thờ nên đã chặt tất cả những cây dâu trong làng, gần đấy không có cây gì khác.

Dân làng bí mật, vào ban đêm, chuyển những cành cây tới nơi xây nhà thờ. Trước nhà thờ, người ta đã dựng một đài phun nước gồm ba vòi”.

Vị khách ngạc nhiên nói với Vanga rằng chưa bao giờ nghe những điều cụ thể như vậy, nhưng khi đến Galichnik quả thật chị không nhìn thấy ở đấy những cây dâu, còn trước nhà thờ quả có một đài phun nước với ba vòi.

Trong lúc đó, Vanga vẫn tiếp tục nói dường như bằng lời của người quá cố: “Mới đây con trai tôi bị ngã dập đầu và hiện nay đang đau nặng”, - “Đúng”, - vị khách khẳng định, - em trai tôi bị nghẽn mạch máu não, vừa được phẫu thuật.

Vanga nói tiếp: “Hãy phẫu thuật một lần nữa, nhưng cũng chỉ để tự an ủi thôi. Sẽ không có kết quả gì, em trai chị sắp chết”.

Còn một trường hợp nữa. Một phụ nữ có con trai là lính bị tai nạn đã qua đời, đến gặp Vanga. Vanga hỏi:

- Anh ta tên gì?

- Marko, - người mẹ trả lời.

- Nhưng anh ta nói với tôi tên là Mario.

- Vâng, - người phụ nữ khẳng định, - ở nhà chúng tôi gọi cháu là Mario.

Qua Vanga chàng trai cho biết ai là người có lỗi trong vụ tai nạn, anh ta nói thêm:

- Chính thần chết đã cảnh báo con từ hôm thứ sáu, còn con đi hôm thứ ba.

Chàng trai mất hôm thứ ba.

Người quá cố hỏi đã mua đồng hồ cho anh ta chưa?

Bà mẹ kể rằng con trai bà mất đồng hồ, và bà hứa mua đồng hồ mới cho anh ta, nhưng sau khi chết, tất nhiên, bà không mua nữa.

Chàng trai còn hỏi tại sao anh ta không nhìn thấy em gái mình, và bà mẹ trả lời rằng em gái đã tốt nghiệp đại học, hiện sống và làm việc ở thành phố khác.

Sau đây là một số trường hợp thú vị khác.

Một lần, có một phụ nữ trẻ từ Sofia đến gặp Vanga. Vanga quay sang chị ta và hỏi: “Bạn trai của chị đâu?”

Người phụ nữ trả lời rằng anh ta bị chết đuối mấy năm trước khi tắm trên sông.

Vanga mô tả chàng trai và nói rằng nhìn thấy anh ta như đang sống, rằng chính anh ta đang trò chuyện với bà.

“Tôi nhìn thấy anh ta trước mặt. Anh ta cao, da ngăm đen, trên má có một nốt ruồi. Tôi đang nghe anh ta nói. Chàng trai có một khuyết tật nhỏ về ngôn ngữ”.

Người phụ nữ trẻ khẳng định tất cả. Vanga nói tiếp: “Anh ta nói với tôi: “Không ai có lỗi trong cái chết của tôi.

Tự tôi rơi xuống nước và gãy cột sống. Anh ta hỏi chiếc đồng hồ và các đồ dùng khác của anh ta hiện ai giữ.

Anh ta nhớ nhiều người, hỏi thăm những người quen và bạn bè. Anh ta khuyên cô bạn gái sau một thời gian nữa đi lấy chồng và tin rằng cô lựa chọn đúng”.

… Một lần, có một nhà khoa học Tây Ban Nha đến gặp Vanga. Ông ta kể với nhà tiên tri rằng người mẹ quá cố của mình rất hiền lành và chu đáo.

Nhưng suốt đời bà sống nghèo khổ. Vanga ngắt lời ông ta và nói: “Khoan đã, tôi sẽ kể mọi chuyện xảy ra như thế nào.

Lúc lâm chung mẹ anh nói: “Mẹ không có gì để lại cho con ngoài một cái nhẫn gia truyền cũ. Con còn lại một mình, hãy để nó giúp đỡ và phù hộ cho con trong cuộc đời”

Vị giáo sư hết sức ngạc nhiên và khẳng định rằng mọi chuyện đúng như vậy. “Rất tốt, - Vanga nói, - thế điều gì xảy ra với chiếc nhẫn?”

Nhà khoa học Tây Ban Nha trả lời rằng khi đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng, một lần ông đi dạo chơi ở ngoại ô, chiếc nhẫn bị tuột khỏi tay và rơi xuống sông. Ông tìm rất lâu, nhưng không tìm thấy.

- Sao anh lại làm thế? “Anh đã đánh mất mối liên hệ với mẹ mình! - Vanga thốt lên.

Nhà khoa học tỏ ra bối rối và thừa nhận rằng đôi khi ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu ông ta, vì từ đó ông thường gặp điều không may, nhưng vì là một nhà khoa học duy vật, ông xua những ý nghĩ ấy ra khỏi đầu.

Khả năng siêu phàm giao tiếp với người chết của Vanga đã gây ấn tượng mạnh đối với nhà phê bình văn học Bungaria Zdravko Petrov.

Trên tạp chí “Sofia news” (1975, 24-30 tháng 7), ông đã đăng một bài báo rất thú vị với tiêu đề “Nhà tiên tri Bungaria”. Xin giới thiệu một đoạn trích.

“… Anh bạn giới thiệu tôi làm quen với Vanga có một chiếc ô tô và sau bữa trưa anh ta mời mọi người ra ngoại ô chơi… Chúng tôi im lặng ngồi trong xe. Đến nơi, chúng tôi quyết định xuống xe đi ngắm cảnh.

Vanga mù không thích đi cùng chúng tôi nên ngồi lại trong xe với em gái. Họ trò chuyện với nhau, còn tôi dạo chơi trong rừng. Có một lúc nào đó, khi tôi đứng cách Vanga khoảng 7-8 mét, bà bắt đầu nói.

Rõ ràng bà đang nói về tôi. Ngay câu đầu tiên bà đã làm tôi sững sờ: “Ông Pyotr, bố anh, đang ở đây”.

Và tôi đứng sững lại như Hamlet trước linh hồn vua cha. Tôi có thể nói gì? Bố tôi đã mất cách đây 15 năm.

Vanga bắt đầu nói về ông chính xác đến mức tôi như hóa đá. Tôi không còn nhớ chính xác cảm giác của mình lúc bấy giờ, nhưng theo những người có mặt hôm đó bên cạnh tôi thì tôi xúc động đến tái mét.

Vanga nhắc lại mấy lần rằng bố tôi đang đứng trước mặt tôi, thậm chí bà còn chỉ tay vào bố tôi…

Vanga nói rằng bố tôi nói bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Ông vốn là luật sư, nhưng lại làm cán bộ giảng dạy môn kinh tế chính trị và luật dân sự tại trường trung học Thổ Nhĩ Kỳ ở Shumen trước ngày 9 tháng 9 năm 1944.

Sau đó Vanga bắt đầu nói về các chú của tôi. Bà nhắc tên hai người trong họ. Về người chú thứ ba qua đời trong hoàn cảnh rất bi thảm đích thân tôi kể cho bà nghe.

Cái chết của chú rất bí ẩn. Bà nói rằng sự phản bội là nguyên nhân dẫn tới việc chú bị sát hại.

Tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi Vanga hỏi Matei là ai trong gia đình chúng tôi. Tôi trả lời rằng đó là ông tôi. Khi ông qua đời, tôi mới 5 tuổi. Từ đó đến nay đã 40 năm trôi qua. Tôi rất ngạc nhiên vì bà biết ông.

Khi từ Petrovich trở về Sofia, tôi kể với bạn bè về sự ngạc nhiên của mình, một người trong họ hỏi tôi vào thời điểm đó có nghĩ về ông mình không.

Tôi trả lời: hôm ấy là trường hợp đặc biệt. Ở Sofia, tôi hiếm khi nghĩ về ông, vì tôi chỉ có một số người thân mà tôi có thể nói về ông.

Thậm chí những người bạn thân nhất cuả tôi cũng không biết tên ông. Vanga nhận xét rằng ông là một người rất hiền lành…”

Tôi chỉ dẫn ra một số trường hợp Vanga giao tiếp với người đã chết. Khuôn khổ cuốn sách không cho phép liệt kê hết tất cả các trường hợp.

Thiết nghĩ, cũng không cần thiết. Từ những ví dụ trên đây có thể rút ra một điều cơ bản: Vanga thực sự đã giao tiếp với người chết.

Còn có hai đặc điểm bí ẩn trong khả năng kỳ lạ của Vanga.

Đặc điểm thứ nhất. Vanga không chỉ nhìn thấy người chết bằng cái nhìn bên trong của mình mà còn có thể giúp những người khác nhìn thấy họ. Bà có thể, nhưng không làm điều đó.

Tại sao vậy?

Một thời gian ở các thành phố và làng mạc Bungaria có tin đồn rằng Vanga đã giúp một phụ nữ hàng xóm gặp người chồng quá cố của mình. Sau khi người chồng yêu quý mất vì bệnh ung thư, thậm chí chị không nằm mơ thấy anh ta.

Chị rất buồn. Người ta kể rằng khi người đàn bà góa đến gặp Vanga, bà hỏi chị ta có muốn nói chuyện với chồng hoặc nhìn thấy anh ta không.

Tất nhiên, chị ta muốn nhìn thấy chồng. Và khi điều đó xẩy ra, người phụ nữ trẻ bị sốc đến mức phải gọi xe cấp cứu. Từ đó nhà tiên tri không làm những việc như vậy nữa.

Đặc điểm thứ hai. Nếu một người nào đó đến gặp Vanga ngay sau khi người thân của anh ta qua đời thì bà gặp nguy. Vì sao?

Thực tế cho thấy, Vanga dễ tiếp xúc với người đã chết, hơn nữa bà không sợ chết. Vậy vì sao bà bị ngất khi gặp những người thân của người mới chết?

Rõ ràng, ở đây có thể giải thích rằng, những người này mang trong mình, trong trường sinh học của mình, một cường độ nỗi đau lớn đến mức nó làm cho Vanga như bị điện giật.

Trùng phạt

Vanga gặp nguy không chỉ khi tiếp xúc với những người đang trải qua nỗi đau vì cái chết của người thân. Bà cũng rất khó khăn khi tiếp xúc với những người có ý đồ và mục đích vụ lợi hay những người có trái tim không trong sáng.

Đã có lúc bà đuổi thẳng cổ những con người như vậy. Nhưng điều đó rất hạn hữu. Và khi cuộc gặp gỡ với người “xấu” dù sao vẫn diễn ra thì hậu quả của nó rất tồi tệ đối với anh ta. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số trường hợp.

…Trong ngôi nhà của Vanga, người ta treo bức tranh “Chúa Kitô với các môn đệ giữa cánh đồng rộng”.

Krasimira Stoyanova, người cháu của Vanga, kể lại rằng một họa sĩ nổi tiếng đã tặng chủ nhân ngôi nhà bức tranh này từ lâu lắm rồi.

- Anh làm việc nhiều, nhưng vẫn nghèo và không có gì, -Vanga nói với họa sĩ. – Hãy cố gắng giữ vững tinh thần cao cả, nghị lực sống và niềm tin vào thiên chức của mình.

Anh sẽ gặp nhiều khó khăn. Anh sẽ thất bại thảm hại và sau đó sẽ ra đi đơn độc một mình.

Một thời gian sau, có mấy vị khách không mời đến phàn nàn với Vanga, hóa ra, đó là bố mẹ vợ của người họa sĩ nọ. Họ nói rằng con gái của họ đã lấy chồng bất chấp ý nguyện của bố mẹ. Vanga, vị quan tòa nghiêm khắc, đã tuyên án:

- Vâng, con gái của các bạn lấy người họa sĩ mà các bạn căm ghét, không hiểu vì sao. Anh ta tuy nghèo nhưng trung thực. Các bạn không lấy lại được con gái đâu, vì dù sao họ gắn bó với nhau bằng tình yêu.

Tuy vạy, bố mẹ cô gái đã tìm mọi cách phá hoại cuộc hôn nhân đó. Và điều gì đã xẩy ra? Hai đứa con thành trẻ mồ côi. Bố của chúng quá đau khổ và cô độc, đã bỏ cả gia đình và tổ quốc. Con gái của họ sau đó chết vì tai nạn xe hơi.

… Lần nọ, có một ông từ Sofia đến gặp Vanga. Đó là một con người tráng kiện, dáng thẳng, đi cùng hai phụ nữ.

Ngay lập tức rất khó xác định tuổi của người đàn ông này. Em gái Lubka lúc bấy giờ ở cạnh Vanga hỏi ông ta bao nhiêu tuổi.

Người đàn ông mỉm cười và bảo chị đoán xem, nhưng sau đó nói rằng ông từng là sĩ quan trong thế chiến thứ nhất. Lubka lấy làm ngạc nhiên và nói với ông ta rằng ở tuổi đó không thể trông khỏe mạnh như vậy.

Ông ta nói rằng có thể, vì suốt đời ông chỉ quan tâm tới bản thân, không để ý tới những điều khác, không chịu trách nhiệm về việc gì và trong tương lai cũng vậy. Vanga im lặng lắng nghe tất cả, còn sau đó giẫm chân và nói: “Thôi, đủ rồi!”.

Không ai hiểu cử chỉ đó của bà. Người đàn ông ra về, và ba ngày sau thì qua đời.

“Thôi, đủ rồi”, - Vanga nói. Bà đã nói như vậy, còn AI nói với bà?

Sau đây là một trường hợp mang tính chất giáo dục.

…Người thủ quỹ của Vanga lấy trộm của bà một chiếc đài bán dẫn. Chẳng bao lâu anh ta bị ốm nặng Vanga biết rằng điều đó sẽ xẩy ra, nhưng không nói gì, ngoài việc anh ta phải tự mang đài đến.

Cuối cùng, anh ta cũng mang trả và xin bà tha thứ. Nhưng đã muộn mất rồi. Vanga nói: “Tội nghiệp, tôi thương anh.

Anh phải trả giá vì đã lấy trộm chiếc đài của tôi. Tôi tha thứ cho anh, nhưng không thể làm được gì nữa. Anh đến muộn mất rồi”.

Ít lâu sau người thủ quỹ bất hạnh chết một cách bi thảm.

Liệu trong giây phút tức giận bột phát, Vanga có cầu cho con người đó “ mày chết quách đi” không?

Vì thực ra phải là một kẻ nhỏ mọn đến mức nào mới đang tâm lấy trộm chiếc đài bán dẫn của một người mù quen biết, cho dù đó là một đồ vật không to tát gì!

Còn tiếp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại