Cuộc chiến pháp lý của Tổng thống Trump ngày càng căng thẳng

Bình Minh |

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/2 tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ vị thẩm phán ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh của ông về tạm thời cấm nhập cảnh đối với người tị nạn và công dân của 7 quốc gia có phần lớn dân số là người theo đạo Hồi.

Theo tin từ Reuters, ông Trump nói rằng các tòa án Mỹ đang gây khó dễ cho việc bảo vệ an ninh biên giới của nước này. Những diễn biến mới nhất này cho thấy cuộc chiến pháp lý đầu tiên của Trump trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng ngày càng trở nên căng thẳng.

Trong một loạt dòng trạng thái (tweet) trên mạng xã hội Twitter, Trump công kích hệ thống tòa án của Mỹ, nói rằng người dân Mỹ nên đổ lỗi cho thẩm phán James Robart và hệ thống tòa án nếu có điều gì đó xảy ra.

Tân Tổng thống không nói cụ thể về những nguy cơ mà nước Mỹ có thể phải đối mặt. Ông cho biết đã yêu cầu Bộ An ninh nội địa “kiểm tra những người đến đất nước của chúng ta một cách thật kỹ lưỡng. Các tòa án đang khiến cho công việc này trở nên rất khó khăn!”.

Hôm 4/2, ông Trump thậm chí còn gọi ông Robart là “cái gọi là thẩm phán”. Trước đó một ngày, vị thẩm phán ở thành phố Seattle ra phán quyết tạm thời đình chỉ sắc lệnh của ông Trump về cấm nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với công dân từ Iran, Iraq, Libya, Syria, Sudan, Yemen, và Somali, đồng thời cấm nhập cảnh trong vòng 120 ngày đối với tất cả người tị nạn.

Chính phủ Mỹ đã kháng cáo ngay sau đó nhằm đưa sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực trở lại. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm ngày 4/2 đã từ chối đề nghị của Nhà Trắng về ngay lập tức xóa bỏ phán quyết của thẩm phán Robart.

Rất hiếm khi một Tổng thống Mỹ đương nhiệm chỉ trích một thành viên của hệ thống tòa án Mỹ như những gì mà ông Trump đang làm đối với ông Robart. Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, hệ thống tòa án được xem là một sự kiểm soát quyền lực đối với Chính phủ và Quốc hội nước này.

Nghị sỹ Dân chủ Patrick Leahy, một thành viên cấp cao thuộc Ủy ban Tư pháp thuộc Thượng viện Mỹ, cho rằng có vẻ như ông Trump đang có ý định mở đường cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Một số nghị sỹ cùng Đảng Cộng hòa với ông Trump cũng tỏ ra lo ngại trước những gì đang diễn ra.

“Theo tôi, tốt nhất không nên lôi thẩm phán ra chỉ trích. Nhiều khi chúng ta thất vọng với kết quả các vụ xét xử mà chúng ta quan tâm. Nhưng tôi nghĩ tốt nhất nên tránh chỉ trích cá nhân các thẩm phán”, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói với CNN.

Thượng nghị sỹ Cộng hòa Ben Sasse, một người công khai chỉ trích Trump, tỏ ra kém kiềm chế hơn.

“Chúng ta không có ‘cái gọi là thẩm phán’ hay ‘cái gọi là tổng thống’, mà chỉ có những người thuộc ba nhánh khác nhau của chính phủ đã tuyên thệ duy trì và bảo vệ hiến pháp”, ông Sasse nói với kênh ABC.

Phán quyết của thẩm phán Robart, người được bổ nhiệm bởi cựu Tổng thống Cộng hòa George W. Bush, cùng với quyết định của tòa án phúc thẩm ở San Francisco từ chối bác bỏ phán quyết này theo đề nghị của Nhà Trắng, là một đòn giáng mạnh vào ông Trump - người chỉ mới làm Tổng thống được 2 tuần.

Những phán quyết này cũng có thể báo trước cho thách thức pháp lý mà ông Trump có thể phải đương đầu trong nỗ lực siết kiểm soát người nhập cư, bao gồm việc xây dựng một bức tường ngăn biên giới Mỹ-Mexico.

Tuy nhiên, vị tỷ phú bất động sản trở thành chính trị gia thề sẽ đưa sắc lệnh cấm nhập cảnh có hiệu lực trở lại. Lời hứa tạm thời cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đã được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ.

Trump nói rằng làm như vậy là cần thiết để bảo vệ Mỹ khỏi các phần tử Hồi giáo cực đoan, trong khi những người phản đối biện pháp này là phi lý và phân biệt đối xử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại