Cuộc chiến khiến công nghệ bị đảo ngược hoàn toàn ở Ukraine

Minh Hoàng |

Ở Donbass, chiến thuật máy bay không người lái (drone) đã bị đảo ngược hoàn toàn. Các drone càng lớn, hiện đại, chuyên cho mục đích quân sự lại càng dễ bị bắn hạ hơn drone dân sự.

Cho dù nhìn theo nhiều hướng khác nhau, cuộc chiến đang diễn ra ở miền Đông Ukraine hiện nay vẫn là một cuộc xung đột sử dụng phần lớn là các công nghệ quân sự đời cũ, lỗi thời.

Xe tăng, các tổ hợp tên lửa, súng máy và các loại vũ khí khác vốn được Liên Xô thiết kế nhằm chống lại NATO, thì nay chúng lại tự đọ sức với nhau trên một vùng đất vốn là một vùng phòng thủ cũ.

Trong khi vũ khí tuy lỗi thời đó vẫn chứng minh được sức hủy diệt chết người của mình thì cuộc chiến ở Ukraine nay lại xuất hiện một nhân tố mới, một dạng công nghệ được nhân loại ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực từ đầu thế kỷ XXI, đó là máy bay không người lái (drone).

Cuộc chiến drone

Cả hai phe trong cuộc chiến tại Donbass đều sử dụng các drone công nghệ cao. Việc hàng chục chiến đấu cơ, trực thăng của Không quân Ukraine bị bắn hạ đã buộc họ phải chuyển sang sử dụng các phương tiện bay không người lái, có khả năng dễ dàng xuyên qua lưới lửa phòng không của đối phương để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, do thám.

Cuộc chiến khiến công nghệ bị đảo ngược hoàn toàn ở Ukraine - Ảnh 1.

Chiếc drone dân sự bốn cánh (quadcopter) của một tiểu đoàn tình nguyện Ukraine chiến đấu ở Donbass sử dụng nhằm mục đích phục vụ chiến đấu.

Các drone được quân đội Ukraine sử dụng rất đa dạng, từ những chủng loại cũ có từ thời Xô Viết như Tupolev Tu-143, Tupolev Tu-141 đến những chiếc tiên tiến hơn như RQ-11 Raven của Mỹ, Bird Eye của Israel hay PD-1 do Ukraine tự sản xuất.

Cuộc chiến khiến công nghệ bị đảo ngược hoàn toàn ở Ukraine - Ảnh 2.

Một máy bay không người lái Tu-143 mang phù hiệu Không quân Ukraine bị bắn hạ ở Donetsk tháng 8/2014 bởi lực lượng ly khai miền Đông Ukraine.

Tuy nhiên, các drone càng hiện đại thì lại có tỉ lệ sống sót càng thấp. Trong tháng 8/2014, ít nhất có 1 drone Tu-143 và 1 Tu-141 của Không quân Ukraine bị bắn hạ tại Donestk.

Tiếp tục trong những tháng tiếp theo, 2 drone của Quân đội Ukraine, không rõ chủng loại, được tuyên bố là có nguồn gốc từ Pháp, bị lính Novorossiya tiêu diệt. Một số drone PD-1 và Bird Eye cũng đã được Quân đội Ukraine xác nhận rằng đã mất tích khi đang làm nhiệm vụ.

Đến tháng 2/2015, 1 chiếc Tu-143 khác bị dân quân miền Đông bắt sống khi đang bay trên không, chứng tỏ họ có khả năng can thiệp vào giao thức liên lạc của máy bay với sở chỉ huy.

Song, trên thực tế thì điều tương tự cũng xảy ra với cả lực lượng dân quân miền Đông Novorossiya. Một số máy bay không người lái hiện đại mà họ được Nga cung cấp như Orlan-10, Granat-1 hay Forpost cũng bị quân chính phủ Kiev bắn hạ và mang ra trưng bày trước công chúng.

Ngay cả đối với các phái đoàn quốc tế đến Donbass với nhiệm vụ đảm bảo sự duy trì của lệnh ngừng bắn như OSCE cũng gặp tình trạng tương tự. Ít nhất 4 trực thăng không người lái S-100 của Cơ quan An ninh và Hợp tác Châu Âu đã bị bắn hạ tại tỉnh Donestk và đến nay vẫn chưa xác minh được chính xác là phe nào đã tiêu diệt chúng.

Cuộc chiến khiến công nghệ bị đảo ngược hoàn toàn ở Ukraine - Ảnh 3.

Chiếc máy bay không người lái trong ảnh bị Quân đội Ukraine bắn hạ ở Donetsk năm 2014, nó được cho là máy bay Granat-1 có nguồn gốc từ Nga.

Vì sao như vậy?

Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do sự có mặt của nhiều khí tài giám sát không phận, khí tài tác chiến điện tử ở cả hai phe trên chiến trường Ukraine. Không những thế, sự đa dạng về chủng loại, về tầm bắn của các loại vũ khí phòng không ở miền Đông Ukraine cũng là một nhân tố khác dẫn đến vấn đề này.

Ví dụ như dân quân Novorossiya, cho dù chỉ là một lực lượng quân sự nổi dậy không chính quy, nhưng họ sở hữu những tên lửa phòng không vác vai có tầm bắn từ 5-6 km và tầm cao khoảng 4 km, và cả những tổ hợp tên lửa tầm trung, có hỏa lực vươn xa từ 15-30 km như 9K33 Osa hay 9K37 Buk.

Cuộc chiến khiến công nghệ bị đảo ngược hoàn toàn ở Ukraine - Ảnh 4.

Một drone đa cánh (Multicopter) được binh sĩ Ukraine tự lắp ráp, phục vụ cho nhiệm vụ trinh sát, chụp ảnh.

Nhằm giảm thiệt hại của những drone hiện đại và có giá thành đắt đỏ, cả hai phe đều giảm tần suất hoạt động cho chúng. Thay vào đó, họ bắt đầu sử dụng các drone "nghiệp dư" hơn, như các flycam dân sự, thậm chí là các trực thăng đa cánh điều khiển từ xa (multicopter) tự lắp ráp.

Các drone này có tầm bay hạn chế, thường xa nhất chỉ khoảng 4-5 km, thiếu các thiết bị trinh sát đặc chủng như camera không ảnh, thiết bị thu tín hiệu hồng ngoại.

Tuy nhiên, chúng có ưu điểm là có kích thước nhỏ gọn hơn nhiều, dùng tần số điều khiển 2,4 GHz không trùng với bất cứ chủng loại drone quân sự nào nên khó bị phát hiện vào theo dõi, và đương nhiên cũng có giá thành rất rẻ, dễ thay thế khi bị hư hại.

Đặc biệt lực lượng dân quân miền Đông ngoài sử dụng drone tự chế và các flycam dân sự để thực hiện nhiệm vụ giám sát và theo dõi kẻ thù, họ còn dùng chúng nhằm cung cấp tham số cho pháo binh.

Hiệu quả khi sử dụng các máy bay không người lái trong nhiệm vụ phản pháo, pháo kích đội hình hành quân là rất đáng kinh ngạc.

Kết hợp với các phương pháp lấy phần tử truyền thống của các loại pháo Xô Viết, dân quân miền Đông còn dùng drone nhằm theo dõi kết quả từng đợt tấn công, thu lại độ chênh lệch thời gian sau từng đợt pháo kích để điều chỉnh lại cự ly và góc phương vị trong trường hợp loạt khai hỏa trước đó chệch mục tiêu.

Drone dạng multicopter còn có thể đảm trách việc giám sát một khu vực nhất định trong vòng vài tiếng đồng hồ. Nếu có sự xuất hiện của các đoàn hộ tống, đoàn hành quân, dân quân Donbass sẽ sử dụng bản đồ trinh sát pháo binh kết hợp với hình ảnh thu được từ thiết bị bay nhằm nhanh chóng triển khai trận địa, pháo kích vào đội hình đối phương.

Cuộc chiến khiến công nghệ bị đảo ngược hoàn toàn ở Ukraine - Ảnh 5.

Những gì còn lại của 1 chiếc T-64BM của Quân đội Ukaine sau khi chịu pháo kích, ảnh chụp từ một flycam của dân quân Novorossiya.

Cuộc chiến ở Ukraine là lần đầu tiên các máy bay không người lái, camera bay vốn được thiết kế cho thị trường dân sự nay lại tung hoành ngang dọc khắp các mặt trận khốc liệt nhất Đông Âu, với yêu cầu phải đảm nhiệm được những nhiệm vụ của drone quân sự, nhưng cũng phải có sức sống sót cao hơn.

Nhiều năm về trước, khi công nghệ máy bay không người lái bùng nổ và lan rộng trong các lĩnh vực dân sự trên toàn thế giới, nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng, với tính đa dụng, dễ cải tiến và tiết kiệm, các drone dân sự sẽ sớm có chỗ đứng ngay cả trong các hoạt động quân sự, đặc biệt là các hoạt động tác chiến phi đối xứng.

Và cuối cùng họ đã đúng. Hiện nay, các drone dân sự, dù được sản xuất bằng dây truyền công nghiệp hay tự lắp ráp bởi những nhà nghiệp dư, đều đã xuất hiện không chỉ trên chiến trường Ukraine mà còn ở cả Syria, Iraq, Yemen và Bắc Phi.

Nhiệm vụ của chúng cũng không còn gói gọn trong các hoạt động trinh sát, do thám hay cảnh giới nữa. Ngày nay, các drone và các multicopter đã có thể mang theo vũ khí sát thương hạn chế nhằm tấn công vào vị trí của đối phương, như những gì quân khủng bố IS đã và đang làm tại miền Bắc Iraq.

Tất cả những điều trên đã chứng tỏ việc mở rộng khả năng cho các máy bay không người lái, từ thụ động theo dõi sang chủ động tấn công là điều hoàn toàn có thể làm được, thậm chí ngay trong tình trạng thiếu thốn nguyên vật liệu và tài chính.

Trong tương lai gần, các phương tiện bay không người lái nói chung vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn vào các hoạt động chiến tranh phi quy ước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại