Cục diện Syria và vai trò của các bên ở Idlib

Thùy Linh |

Cuộc nội chiến ở Syria dường như đã thu nhỏ lại chỉ còn ở Idlib, thành trì cuối cùng của các phiến quân, nhưng sự can dự của các bên dường như lại lớn nhất từ trước tới nay.

Nga và Iran đã giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giành lại hầu hết lãnh thổ Syria, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây lại đang thúc giục lãnh đạo Syria và các đồng minh của ông không tiến quân vào tỉnh Idlib – khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của nhóm Hayat Tahrir al-Sham có liên kết với Al-Qaeda, đồng thời là nơi có gần 3 triệu người dân sinh sống.

Một thỏa thuận đạt được ngày 17/9 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đã ngăn được cuộc tấn công của quân đội Syria vào Idlib, nhưng căng thẳng vẫn cao trong khu vực, đặc biệt là sau khi Israel tấn công vào một điểm nghi là kho vũ khí ở gần tỉnh Latakia dẫn tới việc Syria vô tình bắn rơi máy bay IL-20 của Nga, khiến 15 người thiệt mạng.Mỹ lâu nay vẫn đe dọa hành động quân sự, đặc biệt là khi Washington nghi ngờ chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Trong khi đó, Nga cáo buộc chính phủ các nước phương Tây đang âm mưu cùng các phiến quân dàn dựng vụ tấn công hóa học để tạo cớ tấn công Syria.

Dưới đây là vai trò của các bên ở Syria trong bối cảnh hiện nay:

Mỹ

Mỹ cùng Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar bảo trợ những nỗ lực lật đổ Tổng thống Syria Assad sau cuộc nổi dậy của các phiến quân năm 2011. CIA đã huấn luyện và trang bị cho phe đối lập ở Syria. Điều đó đã thành công trong việc buộc chính phủ phải rời khỏi các thành phố và thị trấn chủ chốt, nhưng lại khiến các nhóm khủng bố nổi lên ngày càng nhiều, trong đó có Mặt trận Nusra của Al Qaeda và IS.

Năm 2014, Mỹ thành lập một liên minh quốc tế bắt đầu dội bom IS và năm sau đó, chính thức “bắt tay” với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) có hầu hết là người Kurd.

SDF được Lầu Năm Góc hỗ trợ đã thâu tóm được phần lớn lãnh thổ phía Bắc và phía Đông Syria từ tay các phiến quân và hiện đang tham gia vào chiến dịch cuối cùng nhằm vào các phần tử thánh chiến Hồi giáo ở phía Đông. Không giống phe đối lập Syria, nhóm này không hoàn toàn kêu gọi Tổng thống Assad phải từ chức và thậm chí có lúc chiến đấu cùng lực lượng của ông Assad.

Nhánh chính trị của SFD đề xuất họ có thể tham gia vào chiến dịch của Quân đội Syria trong tương lai ở Idlib, nhưng vẫn đang ở trong quá trình đối thoại với chính quyền Damascus và chưa đạt được thỏa thuận nào.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ tập trung chủ yếu vào cuộc chiến chống IS và kiềm chế ảnh hưởng của Iran. Tuy nhiên, Mỹ đã 2 lần tấn công vào các khu vực do chính phủ Syria kiểm soát để đáp trả các cuộc tấn công vũ khí hóa học nghi là do lực lượng chính phủ Syria tiến hành. Lực lượng Mỹ cũng đã vài lần liên kết cùng các nhóm vũ trang ủng hộ chính phủ Syria.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh Quốc gia John Bolton tháng trước nói rằng, Mỹ sẽ “phản ứng mạnh mẽ” trước bất cứ cuộc tấn công vũ khí hóa học nào ở Idlib. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng cảnh báo tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng, “bất cứ cuộc tấn công nào vào Idlib cũng là một sự leo thang thiếu thận trọng” do những lo ngại về khủng hoảng nhân đạo.

Nga

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đẩy mạnh sức mạnh quân sự và chính trị của Nga, ông đang “quay lưng” với “Cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ dẫn đầu mà ông ban đầu ủng hộ vào năm 2001.

Nga coi vai trò của liên minh quân sự NATO trong việc lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar el-Qaddafi có ảnh hưởng tiêu cực trong khu vực và Nga can thiệp một cách chính trị vào Syria năm 2012 để cứu chính quyền Assad (cha của ông Assad là một đồng minh của Liên Xô trước đây). Năm 2015, khi các nhóm vũ trang mà Mỹ hậu thuẫn tại Syria bị IS áp đảo, Nga chính thức can thiệp quân sự tại đây.

Sự can thiệp của Nga dường như đã thành công khi giúp chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng đất từ tay IS và các nhóm phiến quân khác.

Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016 ban đầu đã làm dịu đi sự đối đầu Nga-Mỹ về vấn đề Syria. Trong khi ông Trump đã bày tỏ hào hứng với việc Mỹ rút khỏi cuộc xung đột Syria vì IS đã bị đánh bại và xem xét phối hợp với Nga trong vấn đề tái định cư người tị nạn, thì hai cường quốc này vẫn còn nhiều bất đồng và không đạt được thỏa thuận chính thức nào.

Lực lượng Nga tại Syria chủ yếu đồn trú ở căn cứ không quân tại Hmeimim và căn cứ hải quân ở Tartous. Cả 2 căn cứ này đều là mục tiêu tấn công bởi máy bay do thám do các phiến quân ở Idlib thực hiện. Điều này lại cho Nga thêm một lý do để chấm dứt sự hiện diện của các nhóm như Hayat Tahrir al-Sham – vốn bao gồm cả Mặt trận Nusra trước đây và Ahrar al-Sham ở Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây đã trở thành nhà bảo trợ đầu tiên của đám tàn dư của Quân đội Syria Tự do (FSA) mà CIA hậu thuẫn. Lực lượng này vốn kiểm soát khu vực biên giới Tây Bắc Syria, phía trên tỉnh Idlib.

Từ một đồng minh thân cận của Mỹ ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ trở nên bất mãn với việc Lầu Năm Góc hỗ trợ các nhóm người Kurd như Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd, vốn bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.

Khi mà phương Tây “ruồng bỏ” phe đối lập Syria, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại cố đàm phán với Nga và Iran thay mặt họ [các nhóm đối lập Syria], và Ankara chính thức tham gia tiến trình hòa bình Astana 3 bên về Syria từ năm 2017.

Những cuộc đàm phán Astana này đem lại 4 khu vực giảm căng thẳng ở Syria, gồm: Đông Ghouta - khu vực ngoại ô Damascus, tỉnh Daraa và Quneitra ở Tây Nam Syria, phía Bắc thành phố Homs và ở Idlib. Quân đội Syria đã giành lại tất cả các khu vực này, ngoại trừ Idlib.

Lo ngại về thảm kịch nhân đạo và làn sóng tị nạn ồ ạt, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi đối thoại và đạt được thỏa thuận với Nga để thiết lập vùng phi quân sự từ 15-20km do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở Idlib.

Theo thỏa thuận này, các nhóm thánh chiến Hồi giáo cũng cần sơ tán và các vũ khí hạng nặng sẽ được chuyển khỏi khu vực. Sau 3 ngày tham vấn với các giới chức Nga, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/9 rằng, “khi tính đến cấu trúc địa lý và đặc điểm của các khu dân cư, ranh giới của khu phi quân sự ở Idlib đã được thiết lập”.

Iran

Quan hệ của Iran đối với gia đình Assad phải nói đến từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 đưa phong trào Hồi giáo Shiite lên nắm quyền ở Tehran. Syria ủng hộ Iran trước kẻ thù chung Iraq, mở ra mối quan hệ gần gũi hàng chục năm qua.

Khi Syria trải qua cuộc xung đột nội bộ của mình, các nhóm vũ trang mà được Iran hậu thuẫn như phong trào Hezbollah của Lebanon đã chiến đấu cùng lực lượng của Assad. Iran cũng triển khai các cố vấn từ Lực lượng vệ binh cách mạng Iran tới Syria để hỗ trợ.

Việc Iran huy động các nhóm trong khu vực trợ giúp chính quyền Syria cũng đã kéo theo sự can thiệp của Israel. Ít nhất là từ năm 2013, Israel đã tiến hành đánh bom vào các điểm nghi là có người Iran hay các lực lượng mà Iran bảo trợ.

Mới đây, Israel cũng đã tiết lộ rằng nước này đã tiến hành hơn 200 cuộc không kích tại Syria chỉ riêng trong 2 năm qua, một sự thừa nhận hiếm hoi về chiến dịch vốn thường được tiến hành trong bí mật.

Trong khi Iran và Nga vẫn duy trì liên minh chiến lược suốt cuộc xung đột ở Syria, thì Iran cũng đã công khai từ chối đề xuất của Nga rằng, tất cả các lực lượng nước ngoài nên rút khỏi Syria, và tuyên bố, Tehran sẽ vẫn ở lại Syria chừng nào chính phủ Damascus còn hoan nghênh sự hiện diện của họ.

Giống như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có các điểm quan sát riêng được dựng lên dọc biên giới của Idlib, nhưng vai trò quân sự trực tiếp của họ ở Syria không thể so sánh với 2 đối tác Astana còn lại [Nga và Thổ Nhĩ Kỳ].

Thay vào đó, Iran hoạt động chủ yếu thông qua các liên minh khu vực, ngoài Hezbollah và các nhóm Syria địa phương, còn có các nhóm có nguồn gốc từ Afghanistan, Iraq và Pakistan. Lãnh đạo Iran có những lực lượng hữu hảo ở Baghdad, Beirut, Damascus và Sanaa, cho phép họ có thể mở rộng tầm ảnh hưởng khu vực khiến Mỹ, Israel và Saudi Arabia lo ngại./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại