Vlogger Việt: "Ngôn ngữ thể hiện văn hóa thấp"

Hương Trà (TH) |

(Soha.vn) - Với những lời lẽ chỉ trích gay gắt về nội dung vlog Việt, bài viết "Vlogger Việt, đã đến lúc dừng cuộc chơi" đang nhận những ý kiến trái chiều từ phía dân mạng.

Trong bài viết "Vlogger Việt, đã đến lúc dừng cuộc chơi", người viết cho rằng đỉnh cao của vlogger Việt đã thoái trào, những sản phẩm vlog trong thời gian gần đây có nội dung nhạt, nhiều lời tục tĩu, thậm chí một số Vlogger còn cố tình bắt chước nhau trong cách thể hiện. Nếu những vlogger không thể tạo ra những vlog có ích hơn, việc họ sẽ dần tan vào dĩ vãng là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, người viết còn cho rằng để câu kéo sự chú ý của người xem, phần lớn vlogger đã lạm dụng những ngôn từ quá dễ dãi đến mức tục tĩu, thiếu văn hóa. "Chuyện nói tục chửi bậy trong vlog giờ là ‘chuyện thường ngày ở huyện’".

Tuy nhiên bài viết trên đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng.

"Bạn viết bài này ơi!!! theo như "Hậu Vlog" bạn nói thì các anh chị ngoài làm Vlog thì vô ăn rỗi nghề hả?? Người ta kinh doanh, làm việc, kiếm tiền sao bạn biết??? Làm Vlog chỉ để vui thôi, đừng quy chụp kiểu vậy nhé!!!", thành viên Huỳnh Tú Mai bình luận.

Còn thành viên Đạt Minh Nguyễn thì lên tiếng thanh minh hộ các vlogger về ngôn ngữ sử dụng trong các sản phẩm vlog: "Mình không hiểu người viết bài này ra để làm gì, ai đã từng xem vlog cua JVevermind đều biết là chất lượng hiển đang nhạt dần, còn về toàn shinoda thì vlog vẫn có những luận điểm về cả 2 mặt.

Mọi người xem xong không nói được câu gì, còn dùng từ chửi thề đó là phong cách hay là thói quen hoặc gọi là cái gì cũng được hết, miễn là người nghe không thấy phản cảm là được. Còn công ăn sự nghiệp của người ta liên quan gì đến bạn không, người ta chưa có việc làm thì kệ người ta, người ta chưa thích và người ta làm vlog cũng chả phải để vui lòng các bạn hay kiếm lợi, làm cho vui, làm vì muốn kết bạn, làm để tăng khả năng nói chuyện, làm để chia sẻ ý kiến của mình thay vì ngồi viết như bạn đang làm. Bài này mà có dislike giống youtube thì nó phải có cả triệu cái dislike".

Trong khi đó, thành viên Hằng Bích thì lại ủng hộ với những ý kiến mà người viết nêu ra: "Mình nghĩ quan điểm của người viết bài này không sai. Với tư cách người cũng biết không ít và cũng đã trải qua cái chuyện đi du học, mình hoàn toàn cho rằng người viết bài này có cơ sở để nói. Cảm ơn bạn đã viết bài này, mãi mới thấy có người nói đúng.".

Dưới đây là nội dung bài viết "Vlogger Việt, đã đến lúc dừng cuộc chơi":

"Đỉnh cao đã qua

Đến thời điểm hiện tại, độ nóng của Vlog đã phần nào giảm nhiệt. Trào lưu Vlog trở nên phổ biến do tính chất dễ dãi của nó: chỉ cần một chiếc máy quay, một tin ‘hot’ nào đó là đã sản xuất được một vlog. Với mạng lưới Facebook, những vlog ‘không có mục đích’ cứ thế mà lan truyền khắp cộng đồng mạng. Ngoài một số Vlogger nổi tiếng như Jvevermind, HuymeProduction, An Nguy... còn vô vàn các vlogger khác. Chính sự xuất hiện quá nhiều này khiến cho các vlog gần đây trông ‘na ná’ nhau, chưa kể các Vlogger còn cố tình bắt chước nhau trong cách thể hiện.

Vlogger luôn được coi là ‘hot’ nhất Việt Nam – vlog thứ 47 của Jvevermind (Trần Đức Việt) gần đây vừa bị cho rằng đã đạo ý tưởng từ vlog của  ThisIsACommentary.

Vlogger luôn được coi là ‘hot’ nhất Việt Nam – vlog thứ 47 của Jvevermind (Trần Đức Việt) gần đây vừa bị cho rằng đã đạo ý tưởng từ vlog của  ThisIsACommentary.

Vlogger Việt đang dần cạn kiệt về ý tưởng, đề tài. Trước đây fan của JVevermind hay HuymeProduction háo hức từng tuần để xem vlog mới thì giờ đây, sự háo hức đó đã ‘nguội lạnh’.

Với nhiều hình thức giải trí thú vị hơn như phim ngắn, clip chế, những vblog nhàn nhạt và na ná nhau của Vlogger Việt đang dần hết hot.

Ngôn ngữ phản ánh văn hóa ‘lùn’

Để thu hút người xem, phần lớn các Vlogger lạm dụng ngôn ngữ quá dễ dãi đến mức tục tĩu, thiếu văn hóa. Chuyện nói tục chửi bậy trong vlog giờ là ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Chính Jvevermind đã chịu sự phản đối của cư dân mạng về ngôn ngữ thiếu văn hóa của mình trong vlog số 45 “Về nhà mà thể hiện”. Vlog này có lượng dislike cao hơn 12 nghìn.

Sử dụng văn nói để đưa ra các lập luận sắc bén là một lợi thế của vlog, nhưng sản sinh ra trào lưu sử dụng ngôn từ thiếu trong sáng là hậu quả mà các vlog Việt tạo ra. Điển hình là Vlogger Toàn Shinoda, người tự hào với bảng ‘thành tích khủng’ là người chế ra ca khúc “Thu cuối” với câu “thế *éo nào” và đã được không ít người, đến cả nhạc sĩ sáng tác ra bài hát, ‘áp dụng’.

Ngôn ngữ phản ánh tri thức và văn hóa của người nói. Nếu đây là những ngôn ngữ thường xuyên của các vlogger, thực sự họ cũng chỉ là những anh hùng ảo, dám dùng bất cứ ‘công cụ’ gì để mua vui và trở nên nổi tiếng.

Hậu Vlog, Vlogger Việt về đâu?

An Nguy tốt nghiệp California State University Long Beach đã được 5 năm. Năm năm sau khi rời khỏi Mỹ, ở cái tuổi mà nhiều người đã có công việc ổn định, cô vẫn cứ quanh quẩn với những vlog ngày một thiếu muối. Phạm Công Thành bỏ dở việc học ở Cleveland Institute of Art (Ohio), lãng phí thời gian đáng lẽ có thể dành cho việc học để quay vlog.

Toàn Shinoda, cựu Amser chuyên Anh, đạt học bổng đại học Wesleyan và cũng đã về nước được 5 năm. Với thành tích đáng nể như thế nhưng vẫn chưa thấy Toàn Shinoda đóng góp hay áp dụng những gì mình được học cho cuộc sống và sự nghiệp ngoài việc tạo nên ‘phong trào’ Thu Cuối ‘chế’.

Ngay đến những fan vlog cũng đã nên tiếng chán ngán với món giải trí tinh thần nhạt nhẽo này. Điều đó chứng tỏ, vlog đã đến đoạn cuối của con đường phát triển. Kết thúc của trào lưu vlog đã ở ngay trước mắt. Nếu những vlogger không thể tạo ra những vlog có ích hơn, việc họ sẽ dần tan vào dĩ vãng là điều không thể tránh khỏi..."

Bạn đọc gửi bài viết, ý kiến bình luận, hoặc thậm chí chỉ là một dòng LINK bài viết từ mạng xã hội (Facebook, diễn đàn...) và bài viết này chưa đăng tải trên báo chí, chúng tôi sẽ cân nhắc ĐĂNG TẢI TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ.

Xem chi tiết chương trình: Trả Nhuận bút trong 24 giờ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại