"Làm con ở Việt Nam thật khó" tạo nên cuộc tranh cãi gay gắt

Hương Trà (TH) |

(Soha.vn) - "Nên tự mình sống cuộc sống của mình và để con cái sống cuộc sống của nó. Hãy yêu đứa con, đừng coi nó là một mối "đầu tư"..."

Được đăng tải trên một fanpage lớn, bài viết "Làm con ở Việt Nam thật khó" đã ngay lập tức thu hút được sự chú ý và tranh luận từ phía dân mạng

Dưới đây là nội dung bài viết:

"Cách đây hai tuần, tôi chứng kiến một người mẹ chở con đi học về, vừa chạy xe vừa chửi con té tát ầm cả đường. Tới đầu một con hẻm nhỏ trên đường LCT, chị ta dừng xe nhất định đuổi con xuống. Nhiều người can ngăn nhưng chị ta càng gào thét như phát điên. Đuổi mãi con bé không chịu xuống, chị ta cầm luôn cái mũ bảo hiểm quật thẳng vào mặt cháu.

Hóa ra cháu gái suốt 7 năm luôn là học sinh giỏi, nhưng năm nay cháu bị tụt hạng khiến mẹ thất vọng. Chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối, tôi rùng mình. Chỉ trong năm ngoái, liên tiếp 5, 6 vụ học sinh lớp 5 đến lớp 10 tự tử vì học sút, không đáp ứng được mong mỏi của cha mẹ. Làm con bây giờ khổ quá!

Chưa tượng hình đã bị lựa chọn. Ra đời đúng giới tính cha mẹ muốn thì cha chu toàn, mẹ hớn hở. Chẳng may trái ý thì cha bỏ bê, mẹ âu sầu. Mà nào phải chỉ cha mẹ, còn cả dòng họ bên nội, bên ngoại... Bạn bè của cha thì sẵn sàng xếp nhau "chiếu trên" hay "chiếu dưới" vì vợ... không biết đẻ! Thành ra mới chào đời đã bị coi là công trình thất bại!

Hầu như chẳng cha mẹ nào ở xứ ta cả đời chưa từng "phết đít" con, quát mắng con, ép buộc con, thậm chí chửi rủa con. Có đủ cơ quan, đủ các bộ luật bảo vệ trẻ con nhưng xứ ta có tâm lý coi chuyện dạy con là chuyện riêng của mỗi gia đình, người khác không can thiệp. Thầy cô nhiều khi còn được phụ huynh nhờ đánh cho cháu nên người. Thế nên mới có chuyện những đứa bé bị cha mẹ đánh, đâm, đốt... Đến khi bé ngắc ngoải, dư luận mới ào lên phẫn nộ.

Nhiều gia đình còn nhờ thầy xem mạng đứa con có hợp không, đẻ nó ra cha mẹ làm ăn phát tài hay điêu đứng. Chẳng may bà mẹ đau bụng đẻ đúng giờ "xấu" thì ôi thôi đứa trẻ dè chừng: nó sẽ là nguyên nhân để cha mẹ cay đắng nhau.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Lớn thêm vài tháng, vừa dứt sữa đã bị nhồi ăn. Chỉ vì nhồi con ăn cho đủ "chỉ tiêu", cả nhà thành đám xiếc: ba đánh trống thổi kèn, bà ngoại múa hát, con chạy mẹ đuổi theo khắp xóm, gặp ai cũng nhờ dọa cháu một tí để nó sợ há miệng ra. Mặc kệ đứa bé la khóc, đút được muỗng bột nào thì cả nhà vỗ tay như U.19 Việt Nam mới ghi bàn.

Lớn nữa thì nhồi học. Mờ sáng con ngủ gật sau lưng, mẹ mắt nhắm mắt mở chở đến trường. Chiều tối con gặm bánh mì mẹ hoa mắt chở con từ lớp học thêm nọ sang lớp học thêm kia. Tối mịt về tới nhà nếu con chưa lăn ra ngủ thì phải khảo bài với mẹ. Không đạt học sinh giỏi thì chết, cả trường cả lớp đứa nào cũng học sinh giỏi, con mình chỉ tiên tiến thì nhục lắm!

Lên cấp 3, chọn nghề theo cha mẹ. Cha mẹ muốn con học y thì dù con chỉ mê nhạc họa, vẫn phải trợn mắt lên học mà thi. Cãi thì cha quát mắng, mẹ nỉ non, nội ngoại chì chiết. Rồi lại "cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Đi làm vài năm, cha mẹ ra tối hậu thư "Thèm cháu". Thế thì phải lấy chồng lấy vợ, mà phải lấy người cha mẹ ưng, nếu chống sau này khó sống!

Con mình sinh ra nhưng ở chung với ông bà thì xem như cha mẹ mất quyền dạy con. Nó là cục vàng của ông bà, đụng vô là sinh chuyện. Vợ chồng muốn ly dị, cha mẹ xúm vô khuyên can, thôi ráng sống vì con. Ô hay, lấy nhau thì vì cha mẹ, mà khi không sống được nữa thì lại phải vì con! Vậy còn đoạn nào là sống vì mình?Thật, làm con thời này quá khổ!

Một người bạn của tôi một ngày bất ngờ cảm thán, cả đời bao nhiêu ước nguyện riêng tư không làm được vì phải chiều lòng cha mẹ. Đến khi trả xong nợ cho cha mẹ, nhìn lại đời sống cá nhân thì đã già mất rồi. Đó không phải một dạng bạo hành tâm lý thì là gì?

Tôi cho rằng trở thành cha mẹ là một cấp độ trưởng thành, phải học, chuẩn bị và sẵn sàng sửa sai trong thực hành. Nên tự mình sống cuộc sống của mình và để con cái sống cuộc sống của nó. Hãy yêu đứa con, đừng coi nó là một mối "đầu tư". Đừng sống giùm con, cũng đừng bắt con phải thực hiện thay cha mẹ những mong muốn chưa thành. Đừng ngã giá với con về sự hy sinh của cha mẹ. Khi cha mẹ biết yêu chính mình thì các bi kịch bạo hành trẻ con, dù ở mức độ nào, dù tâm lý hay thân thể, sẽ giảm."

Ngay sau khi được đăng tải, bài viết trên đã nổ ra một cuộc tranh luận nảy lửa, có người đồng tình với quan điểm của người viết, nhưng cũng có rất nhiều người phản đối cho rằng người viết có cái nhìn phiến diện và có phần ích kỷ:

"Người viết ko biết có con chưa?? Làm cha làm mẹ chưa mà nói như đúng rồi? Sinh con ra nuôi dạy nó cực khổ như vậy mà bị người viết ra như cha mẹ làm việc ác lắm không bằng. Con không ăn đủ không dụ cho nó ăn có mà còi xương suy dinh dưỡng.

Cha mẹ muốn con ráng học để sau này có tương lai, không lẽ để con thích thì học không thích thì nghỉ? Đọc bài viết thấy buồn cười dã man. Có cha mẹ thương, lo cho mà còn nói giọng đó, có biết bao nhiêu người mồ côi trên đời này muốn có cảm giác được cha mẹ bao bọc? Theo mình thì người viết quá ích kỷ", thành viên Nước mắt màu xanh bình luận.

Đồng quan điểm với thành viên Nước mắt màu xanh, Trần Thuật chia sẻ: "Xin lỗi nhưng mình không đồng ý những quan điểm này, công ơn cha mẹ trả hoài không hết, tất cả những gì họ làm chỉ mong rằng con mình sẽ không thua bạn bè và con mình sẽ không khổ như mình, bạn đăng bài biết này có thấy sự ích kỷ trong đó không?".

Trong khi đó, thành viên Briana Pham thì lại cho rằng làm cha mẹ thời nay cũng khó lắm: "Con cái bây giờ có internet, có facebook, hơi ấm ức tí thì lên tâm sự và có quá nhiều người vào chia sẻ rồi chửi cha mẹ. Cứ để con phát triển theo ý chúng, chúng sẽ không biết cái gì gọi là khuôn khổ, là trật tự.

Cha mẹ là lo con không bằng bạn bằng bè thì khi lớn lên bị chèn ép, không kiếm được đủ tiền mà sống, thấy người ta có mà mình không có thì thật khổ. Cha mẹ có sống với con được cả đời đâu? Có những cái ép con là sai, nhưng đa phần cha mẹ ép con là đúng.

Tôi đã từng khóc, từng giận cha mẹ rất nhiều khi ép tôi phải thế nọ thế kia. Thậm chí từng hỗn hào và miễn cưỡng, nhưng khi có con rồi tôi mới hiểu, cha mẹ nào cũng chỉ vì con, và làm cha mẹ cũng chẳng phải chuyện dễ dàng gì. Đâu phải cha mẹ nào cũng giỏi thể hiện tình yêu với con."

Trước những lời chỉ trích người viết bài, một số dân mạng đã lên tiếng khuyên người đọc cần bình tĩnh và có cái nhìn toàn diện. Người viết ở đây chỉ nêu lên cảm nhận và quan sát chung tâm lý của những người làm cha làm mẹ ở Việt Nam, chứ không đánh đồng tất cả:

"Tại sao mọi người cứ mang cái lý lẽ bài viết phiến diện, không đúng với tất cả các trường hợp mà phản bác. Lý lẽ cùi. Cái gì cũng có ngoại lệ làm sao đúng với tất cả mọi người được? Chẳng lẽ cứ phải đúng 100%, khách quan tuyệt đối mới được nói lên suy nghĩ của mình.

Trái tim của cha mẹ đặt đúng chỗ nhưng nhiều khi hành động của họ thì không. Ai chẳng biết cha mẹ yêu thương và muốn điều tốt cho con nhưng con cái cũng có những nguyện vọng suy nghĩ và cuộc sống riêng cùa mình. Ngồi xuống lắng nghe con mình cần gì và muốn sống như thế nào thì khoảng cách giữa cả 2 sẽ rút ngắn hơn.

Cha mẹ sinh con ra chứ không phải là chủ nhân của cuộc đời con. Đừng nói không có nhiều cha mẹ ở Việt Nam can thiệp nhiều (thậm chí ép buộc bằng việc gây áp lực tinh thần) vào cuộc đời của con mình từ học hành, nghề nghiệp cho đến thậm chí việc kết hôn, 1 việc mà đáng ra chỉ có 2 người mới có thể quyết định! Kết quả tốt hay xấu cũng là sự lựa chọn của nó và ít nhất là con đường nó muốn đi. Bài viết này đúng với 1 bộ phận không nhỏ. Yêu thương là tốt nhưng yêu thương như thế nào còn quan trọng hơn. Đọc và nên rút kinh nghiệm.", thành viên Lâm Yến Nhi bình luận.

Còn thành viên Candy My thì chia sẻ: "Bài viết chỉ phê phán một bộ phận nhỏ cha mẹ chưa biết cách dạy con trong xã hội hiện nay... Mọi người đọc cần nhìn một cách toàn diện bài viết, không nên chỉ trích vì người viết cũng là một người con, hoặc có thể đã trở thành ba mẹ của những đứa nhỏ. Cùng là người Việt có ai lại mang cái xấu của cha mẹ ra để chê bai...".

Bạn nghĩ sao về những quan điểm, những dẫn chứng trong bài viết "Làm con ở Việt Nam thật khó"? Hãy chia sẻ với chúng tôi và gửi bài viết về địa chỉ email: Cudanmang@soha.vn

Những bài viết tốt sẽ được đăng tải và áp dụng chế độ trả nhuận bút. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại