Chia sẻ xúc động về "nghi thức" trước mỗi chuyến bay

Quân Anh (TH) |

(Soha.vn) - "Khi bạn chọn bay, hãy báo cho người thân bạn đã đến nơi an toàn. Ai dùng Facebook, hãy “check in” khi bạn bắt đầu ở sân bay đi và “check out” khi đã đến..."

"Chắc những tai nạn máy bay này sẽ làm một số người đắn đo hơn khi chọn phương tiện bay. Và nếu có thể, khi bạn chọn bay, hãy báo cho người thân bạn đã đến nơi an toàn. Ai dùng Facebook, hãy “check in” khi bạn bắt đầu ở sân bay đi và “check out” khi đã đến sân bay cuối cùng...." Đó là lời khuyên của nhà báo Bùi Thu Thủy dành cho những người sắp bay trong bài chia sẻ mới đây trên trang cá nhân của chị.

Trong bài viết này, chị Thủy đã chia sẻ về những chuyến bay của chị, của các thành viên trong gia đình và cả những cảm xúc nghẹn ngào hụt hẫng khi phải chia tay người thân ở sân bay. Mỗi chuyến bay đều khiến những người ở nhà lo lắng không yên, vì thế cứ mỗi lần cất cánh, hạ cánh chị Thủy và các thành viên trong gia đình luôn cố gắng thông báo nhanh nhất để người thân yên tâm phần nào.

Bài viết này của chị Thủy hiện đang được nhiều người đọc và chia sẻ lại trên mạng xã hội:

"FLY, CHECK IN & CHECK OUT (Bay, điểm đầu và điểm cuối)

Mẹ chồng tôi có một nghi thức không khi nào bà bỏ qua là hỏi các chuyến bay của các con và mọi người trong gia đình để thắp hương khấn tổ tiên phù hộ đi đến nơi về đến chốn. Các con trai và con dâu bà, trong đó có tôi, là những người hay phải đi lại, thường cười bà mỗi khi bà hỏi giờ bay của mình. Em trai chồng tôi còn hỏi, mẹ có cần biết số chuyến bay không. Thực tế thì không. Mẹ tôi chỉ cần biết máy bay sẽ cất cánh từ sân bay nào, mấy giờ, quá cảnh ở thành phố nào, mấy giờ bay tiếp và mấy giờ hạ cánh ở điểm cuối cùng. Bà có một niềm tin chắc chắn là các cụ nhà tôi sẽ biết chuyến bay của chúng tôi để phù hộ. Nhà tôi cứ “check in” (lên đường) bằng việc thắp hương của mẹ, và “check out” (ra khỏi sân bay) bằng điện thoại báo rằng chúng tôi đã đến nơi an toàn như thế.

Chồng tôi thì có cách khác, mỗi lần con trai tôi, lúc thì gần 13 tuổi, giờ đã hơn 15, bay một mình, là một lần anh ấy thao thức theo dõi chuyến bay của con. Thỉnh thoảng anh ấy lại bảo máy bay đã đến chỗ này, chỗ kia. Nhìn vào màn hình máy tính, hàng trăm cái máy bay rối cả mắt. Anh ấy vẫn chăm chắm vào cái hình máy bay, nhỏ như con muỗi, xem con bay đến đâu. Một việc không thể thiếu là cu cậu phải xạc đầy pin điện thoại và thay sim ở mỗi chặng xuống máy bay. Nhưng chàng trai trẻ ấy thường không làm việc này, và vợ chồng tôi vô cùng sốt ruột mỗi khi đến điểm chuyển tiếp (transit) là cu cậu biến mất. Cũng may là luôn luôn, ông nội đón ở đầu Việt Nam và ông luôn là người chủ động gọi cho chúng tôi biết là cháu đã đến.

Những chia sẻ của chị Bùi Thu Thủy

Những chia sẻ của chị Bùi Thu Thủy

Tôi, có một hồi sợ những cuộc chia tay ở sân bay. Ba năm ở Úc, người đi lại ít nhất là tôi, còn nhiều nhất là người thân trong gia đình. Con tôi, chồng tôi, mẹ đẻ tôi, bố chồng tôi, cứ bay đi bay lại từ Việt Nam sang Úc. Những chuyến bay một mình của họ càng làm tôi cảm thấy lo lắng. Tôi không bao giờ quên cảm giác buồn bã, dù chẳng muốn khóc nước mắt cứ chảy ra, khi chia tay một người trong gia đình ở sân bay. Cái máy bay kia, mang người thân của mình, rủi có điều gì xảy ra thì đấy là lần chia tay cuối cùng.

Lần đó, con trai lớn về Hà nội. Hồi đó là tháng Mười hai, lúc quay lại sẽ là cuối tháng Một, con tôi sẽ 15 tuổi ở Hà Nội mà không có bố mẹ bên cạnh. Nhìn cháu đi một mình qua chỗ kiểm tra an ninh, vào hải quan rồi đi đến khu lên máy bay, tôi nghĩ là khi gặp lại, cháu đã là một chàng trai khác. Mãi mãi không bao giờ quay lại tuổi 14. Có một cái gì đó mất mát trong lòng tôi. Sau này nghĩ lại tôi vẫn cho là mình quá may mắn vì sự “mất mát” đó quá nhỏ so với nỗi đau của những người chia tay người thân mà chuyến bay đã vĩnh viễn chia cắt họ.

Có lẽ với nhiều vụ tai nạn máy bay trong mấy tháng qua, những người mắc hội chứng sợ bay  (Pteromerhanophobia) là có lý nhất. Nếu ai cũng như họ, cực đoan tới mức không bay, sẽ chẳng bao giờ có tai nạn máy bay. Nhưng nếu ai cũng như thế, giấc mơ “now everyone can fly” (bây giờ ai cũng có thể bay) của Air Asia lại không có giá trị. Chắc những tai nạn máy bay này sẽ làm một số người đắn đo hơn khi chọn phương tiện bay. Nhưng cũng sẽ không ít người vẫn chọn bay và bay một mình.

Mong sao các chuyến bay “đi đến nơi về đến chốn” như câu cầu khấn của mẹ tôi.

Và nếu có thể, khi bạn chọn bay, hãy báo cho người thân bạn đã đến nơi an toàn.

Ai dùng Facebook, hãy “check in” khi bạn bắt đầu ở sân bay đi và “check out” khi đã đến sân bay cuối cùng.

Good luck!"

Trong cuộc sống, BẠN NHÌN THẤY chuyện gì GÂY CẢM XÚC MẠNH cho bản thân (xúc động, phẫn nộ, bất bình, đau đớn, thán phục, hạnh phúc, sảng khoái...)? Hãy lập tức DÙNG ĐIỆN THOẠI quay clip hoặc chụp ảnh, hoặc viết thành bài theo cách của bạn. Cũng có khi, chỉ một thông tin/ảnh/clip đăng trên mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải trên các báo) cũng khiến bạn có cảm xúc, suy nghĩ...

Gửi ngay cho chúng tôi qua email cudanmang@soha.vnChúng tôi sẽ duyệt để ĐĂNG TẢI TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại