Công ty của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: Thiếu tiền kinh doanh nhưng chăm chỉ đầu tư góp vốn

Tại thời điểm cuối quý 2/2016, NHP chỉ có hơn 1 tỷ đồng tiền mặt và nếu không có 95 tỷ đồng từ phát hành, doanh nghiệp sẽ gặp cảnh không có tiền để hoạt động kinh doanh và đặc biệt là để “góp vốn đầu tư vào đơn vị khác” tới 70 tỷ đồng.

Ra đời năm 2013 và lên sàn HOSE vào ngày 11/03/2015 – tức sau hơn 1 năm thành lập, CTCP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (mã chứng khoán NHP) gây chú ý với nhà đầu tư bởi đây là doanh nghiệp do một chuyên gia kinh tế rất nổi tiếng làm Chủ tịch HĐQT: ông Lê Xuân Nghĩa.

Giống như nhiều doanh nghiệp lên sàn đầu năm năm 2015, NHP đã tăng vốn điều lệ rất nhanh trước khi niêm yết thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Sau ngày niêm yết, cổ phiếu tăng trần liên tục và rồi cũng nhanh như lúc lên, cổ phiếu lại bước vào chu kỳ giảm giá kéo dài.

NHP vẫn được giao dịch trên mệnh giá cho đến cuối tháng 9 năm nay, cổ phiếu này giảm giá đột ngột từ 17.000 đồng xuống 3.200 đồng tương ứng mức giảm hơn 80%.

Cùng với sự mất giá của giá cổ phiếu, hoạt động kinh doanh của NHP cũng lộ ra những bất ổn. Công ty vừa điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức từ 28/10/2016 sang 30/12/2016 do chưa kịp chuẩn bị nguồn tiền.

Công ty của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: Thiếu tiền kinh doanh nhưng chăm chỉ đầu tư góp vốn - Ảnh 1.

Sau 1 thời gian dài dao động quanh ngưỡng 16-17.000 đồng, cổ phiếu NHP đã giảm xuống đáy 3.200 đồng vào ngày 23/11 trước khi tăng trở lại

Một công ty thiếu tiền

Báo cáo tài chính quý 3/2016 của NHP cho thấy doanh thu 9 tháng đầu năm tăng 76% nhưng lợi nhuận ròng lại giảm tới gần một nửa so với 9 tháng đầu năm trước, chỉ còn hơn 4,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do hoạt động tài chính.

Doanh thu tài chính giảm từ 5,8 tỷ xuống 1,9 tỷ trong khi chi phí tài chính thì tăng vọt từ 731 triệu đồng lên 4,2 tỷ đồng.

Nhưng điều đáng chú ý hơn là dòng tiền của NHP. Cụ thể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty bị âm 35,5 tỷ đồng do tiền chi trả cho người bán và tiền chi khác tăng vượt trội so với cùng kỳ.

Đồng thời, do đã chi ra gần 70 tỷ đồng để góp vốn đầu tư vào đơn vị khác, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của NHP tiếp tục âm 70 tỷ. Tất cả sự thiếu hụt này được bù đắp bằng tiền từ phát hành cổ phiếu (95 tỷ đồng) và đi vay.

Nhờ vậy, NHP giữ được gần 7 tỷ đồng tiền và tương đương tiền vào cuối quý 3/2016. Vào tháng 10, công ty thông báo chốt quyền trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 1,89%. Trước đó trong tháng 9, NHP đã phát hành cổ phiếu và tăng số cổ phiếu lưu hành lên gần 27,6 triệu đơn vị.

Như vậy, NHP sẽ phải chi 5,2 tỷ đồng để trả cổ tức. Con số này chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng tài sản của NHP nhưng cũng là gần như toàn bộ số tiền mặt mà công ty có tại thời điểm cuối quý 3.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao NHP lại trả cổ tức sau khi phát hành cổ phiếu tăng vốn, trong khi hành động này sẽ khiến cho số tiền chi trả cổ tức tăng lên?

Có thể thấy, tại thời điểm cuối quý 2/2016, NHP chỉ có hơn 1 tỷ đồng tiền mặt và nếu không có 95 tỷ đồng từ phát hành, doanh nghiệp sẽ gặp cảnh không có tiền để hoạt động kinh doanh và đặc biệt là để “góp vốn đầu tư vào đơn vị khác”.

Công ty của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: Thiếu tiền kinh doanh nhưng chăm chỉ đầu tư góp vốn - Ảnh 2.

BCTC quý 3/2016 của NHP

Còn việc trả cổ tức với tỷ lệ khá “tượng trưng” dường như là hành động để an ủi cổ đông. Cổ tức được lấy nguồn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Tuy nhiên, tính đến 30/09/2016, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của NHP mới chỉ có hơn 3 tỷ đồng, không rõ đến ngày chốt quyền, khoản mục này đã tăng lên đủ con số 5,2 tỷ đồng để trả cổ tức hay chưa?

Chiếm phần lớn tài sản là các khoản góp vốn đầu tư

Hoạt động trong ngành sản xuất bao bì, chiếm phần lớn tài sản của NHP là tài sản cố định nhưng đáng chú ý, chiếm phần lớn tài sản cố định lại là đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào đơn vị khác.

Tại thời điểm cuối quý 3, NHP có 80 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh và 96 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác.

Như đã đề cập đến ở trên, trong quý 3/2016, số tiền thu được từ việc phát hành tăng vốn của NHP được dùng để bù đắp cho 70 tỷ đồng mà DN này dùng để đầu tư góp vốn.

Cũng có thể thấy hoạt động đầu tư góp vốn của NHP diễn ra rất sôi động khi các doanh nghiệp được NHP đầu tư thay đổi liên tục.

Chi tiết của việc góp vốn không được thuyết minh tại BCTC quý 3 nhưng tại BCTC quý 2/2015 đã soát xét, khoản 109 tỷ đồng đầu tư tài chính bao gồm 74 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Đầu tư NHP, 9 tỷ đồng dành cho CTCP Delex Việt Nam và 26 tỷ đồng dành cho CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang.

Trước đó, tại cuối năm 2015, NHP dành một khoản đầu tư cho CTCP Dầu Thực vật Sài Gòn (SGO).

Cũng cần nhắc lại, theo BCTC quý 2 của NHP thì các khoản phải thu chủ yếu là phải thu đối với công ty liên quan là công ty TNHH Thịnh Phát, CTCP Đầu tư NHP và tạm ứng cho các cá nhân là ông Lê Xuân Nghĩa, bà Phạm Thị Thanh Hoa…

Nếu nhà đầu tư còn nhớ, khi “vụ MTM” xảy ra, thị trường đã dấy lên một cảnh báo về chiêu “ve sầu thoát xác” của các công ty “rởm”.

Trong đó có chiêu doanh nghiệp mua lại các dự án hoặc khoản đầu tư của mình ở các công ty khác với danh nghĩa đầu tư tài chính hoặc góp vốn, liên danh liên kết để làm đầy tài sản trên báo cáo tài chính của DN. Đồng thời, để có KQKD đẹp thì doanh nghiệp lại bán chịu cho đối tác và đổi lại, tài sản là các khoản phải thu.

Cho nên, hành động của NHP không khỏi khiến cho nhà đầu tư đặt dấu hỏi.

Một chi tiết khác, tại ĐHCĐ 2015, lãnh đạo của NHP cho biết, công ty này đã cùng với Geleximco của ông Vũ Văn Tiền thành lập một công ty chung lấy tên là CTCP Sapa (ngày cấp giấy phép là 29/05/2015) tại Hưng Yên.

Nhắc đến Sapa Hưng Yên, người ta sẽ nhớ đến thương vụ thần sầu quỷ khốc của ông Vũ Văn Tiền trong cuộc tái cơ cấu SHN.

Trong vòng 20 ngày, SHN đã hoàn tất quá trình đầu tư và thoái vốn vào 2 doanh nghiệp là CTCP Sapa Hưng Yên và CTCP Tân Hoàng Cầu để ghi nhận những khoản lợi nhuận không hề nhỏ là 177 tỷ đồng và 76,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên hiện tại, trên BCTC của NHP không có chi tiết nào đề cập đến công ty Sapa Hưng Yên này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại