Công an huyện chỉ biết đây là vụ cá hồi Sa Pa chết trắng đầu tiên!

Kế Toại |

Ông Hà Đức Thành, người trực tiếp điều tra và có mặt hiện trường vụ việc tại xã Nậm Cang cho biết, sự việc xảy ra chiều 14/10, ngày 15/10 thì đơn vị nhận được tin báo từ công an xã...

Như Báo NNVN đã đưa tin, vụ việc đáng tiếc xảy ra tại bản Nậm Cang 1, xã Nậm Cang (huyện Sa Pa) không phải chuyện mới, cũng không phải vụ đầu tiên.

Ba năm trôi qua, rất nhiều sự việc tương tự, cả người dân và lãnh đạo địa phương đều cho biết đã báo cáo lực lượng chức năng để điều tra.

Tuy nhiên, khi chúng tôi làm việc với lãnh đạo công an huyện Sa Pa thì nhận được câu trả lời là “Không nắm được”.

Ngay sau sự việc kể trên xảy ra, PV NNVN đã liên lạc và có cuộc làm việc với các ông: Đại tá Trần Văn Trường, Trưởng công an huyện Sa Pa; Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó công an huyện; Thiếu tá Hà Đức Thành, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra công an huyện.

Ông Hà Đức Thành, người trực tiếp điều tra và có mặt hiện trường vụ việc tại xã Nậm Cang cho biết, sự việc xảy ra chiều 14/10, ngày 15/10 thì đơn vị nhận được tin báo từ công an xã.

Nhận thấy sự phức tạp của vụ việc, công an huyện Sa Pa đã thành lập hội đồng khám nghiệm.

Công an huyện chỉ biết đây là vụ cá hồi Sa Pa chết trắng đầu tiên! - Ảnh 1.

Bể cá hồi của nhóm hộ chăn nuôi tại bản Nậm Cang 1

Kết quả khám nghiệm ban đầu như sau: Chiều ngày 14/10, tại khu vực nuôi cá của ông Nguyễn Thái Bình và 5 hộ khác, bản Nậm Cang 1 xảy ra hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt.

Người nuôi đã nhanh chóng thay, lọc nước cứu cá nhưng cá vẫn chết trắng. Đến 8h ngày 15/10 thì toàn bộ cá trong bể của 6 hộ nuôi gần như chết sạch. Riêng hộ ông Bình thiệt hại khoảng 2,2 vạn con.

“Ngay sau đó, chúng tôi đã mở rộng hiện trường, kiểm tra nguồn nước dẫn vào ao cá. Tại đây chúng tôi phát hiện 4 vỏ chai nhựa đã mở nắp dạt vào bờ.

Chúng tôi đã tiến hành thu giữ mẫu vật là vỏ chai, cá chết và nước để gửi xuống Viện Khoa học Hình sự Bộ công an để giám định độc chất”, ông Thành cho biết.

Ông Nguyễn Trung Kiên thì cho biết, phải chờ kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự mới có thể kết luận chính xác nguyên nhân của vụ việc.

Cũng theo ông Kiên, việc nuôi cá nước lạnh nói chung, đặc biệt là con cá hồi luôn có độ rủi ro rất cao. Chính vì vậy, để nói cá chết vì nguyên gì là rất khó.

Công an huyện chỉ biết đây là vụ cá hồi Sa Pa chết trắng đầu tiên! - Ảnh 2.

Một góc khu nuôi cá hồi thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa

Sau khi xảy ra vụ việc bất thường tại Nậm Cang, nhiều người dân tỏ ra hoang mang lo lắng về cả nguồn nước chăn nuôi và sinh hoạt. Liệu ai dám khẳng định một vụ việc tương tự không diễn ra. Vấn đề an ninh nông thôn tại những khu vực hẻo lánh cũng là một câu chuyện nan giải.

Trở lại những vụ việc cá chết bất thường từng xảy trong các năm 2013, 2015, 2016, ông Kiên cho biết, vấn đề này, công an huyện không nắm được.

Có thể do người dân không báo cáo nên không biết. Vị này cũng khẳng định, vụ cá chết bất thường tại Nậm Cang cũng là vụ đầu tiên công an huyện ghi nhận nghi bị đầu độc.

Trái ngược với điều này, nhiều hộ dân (có cả lãnh đạo) xã Bản Khoang từng là nạn nhân của các vụ nghi đầu độc đều khẳng định, sau khi sự việc xảy ra luôn báo cáo lên lực lượng công an và có biên bản làm việc.

Liên quan tới vụ việc tại Nậm Cang, khi được hỏi về mức độ ảnh hưởng nếu như có chất độc ngấm vào nguồn nước của 76 hộ dân tại bản Nậm Cang 1, ông Trần Văn Trường, Trưởng công an huyện Sa Pa cho rằng: “Nếu đúng là thuốc sâu, với liều lượng như thế cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới tính mạng, sức khỏe người sử dụng nguồn nước”.

Cũng trong ngày, PV đã có cuộc làm việc nhanh với ông Đỗ Tiến Thắng, Chủ tịch Hội nuôi cá nước lạnh Sa Pa. Bản thân ông Thắng là một trong những hộ nuôi cá hồi đầu tiên của huyện nên nắm rất tường tận sự việc.

Ông Thắng khẳng định, những vụ cá chết nghi bị đầu độc trên địa bàn thì rất nhiều. Mỗi vụ như vậy gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho người chăn nuôi.

Công an huyện chỉ biết đây là vụ cá hồi Sa Pa chết trắng đầu tiên! - Ảnh 4.

Ông Đỗ Tiến Thắng, Chủ tịch Hội nuôi cá nước lạnh Sa Pa

Theo ông Thắng, sự việc đáng tiếc mới đây tại Nậm Cang, phía hội đã đứng ra đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. 

“Nếu vì các nguyên nhân khác, cá sẽ chết từ từ. Nhưng ở đây cá lại chết hàng loạt, chắc chắn là do có hành vi bỏ thuốc độc hại nhau”. 

Về nguyên nhân, theo ông Thắng, có thể là do sự tranh chấp về nguồn nước. Hành động để lại vỏ chai thuốc là mang tính cảnh báo trắng trợn.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 52 cơ sở, trang trại nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là cá hồi vân, cá tầm. Tổng diện tích nuôi thả khoảng 60.000m3. Đa phần tập trung ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà và thành phố Lào Cai. Trong đó Sa Pa là địa phương có số lượng nhiều nhất, với 42 cơ sở. Sản lượng cá nước lạnh Sa Pa năm 2016 sẽ đạt khoảng 260 tấn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại