Con số 4 kinh hoàng!

BS Võ Xuân Sơn |

Nỗi kinh hoàng này có thể xảy ra ngay trên những cơ địa khỏe mạnh sẵn trước khi bị bệnh, chứ không chỉ ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân, nằm giường bệnh nặng.

LTS: Sự cố 4 bé tử vong ở Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, 19 bé nhiễm khuẩn nặng được chuyển đến 3 bệnh viện lớn tại Hà Nội cho thấy rõ rất hậu quả nặng nề của nhiễm khuẩn bệnh việnNhiễm khuẩn bệnh viện đang là một nỗi ám ảnh của ngành y tế Việt Nam. Dưới đây là góc nhìn của TS-BS Võ Xuân Sơn - Giám đốc phòng khám Quốc tế EXSON bàn về vấn đề này.

4 trẻ sơ sinh tử vong trong một buổi sáng. Kinh hoàng không? Chắc chắn là kinh hoàng rồi. Nhưng nếu chỉ thêm vào vài từ: thiếu tháng, nhẹ cân- sẽ thấy bớt kinh hoàng hơn. Và nếu nói rõ hơn một chút, rằng 4 trẻ ấy nằm ở giường bệnh nặng, thì mức độ kinh hoàng lại giảm xuống một bậc nữa.

Có thể việc 4 trẻ sơ sinh thiếu tháng nhẹ cân phải nằm giường bệnh nặng tử vong trong cùng một ngày chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng câu chuyện mà tôi kể dưới đây thì thực sự kinh hoàng. Trong một đêm trực của tôi, chỉ chưa đầy 12 tiếng đồng hồ, 4 bệnh nhân lần lượt chết trên cùng một chiếc giường. Đau đớn hơn, chỉ trước khi chết vài giờ, họ là những thanh niên trai trẻ, cường tráng, có đủ sức khỏe để chịu đựng những thử thách gay cấn nhất.

Đó là những bệnh nhân chấn thương sọ não. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức mình, nhưng không thể làm gì hơn. Tôi còn quên chưa nói, ngoài 4 bệnh nhân chết trên cùng một chiếc giường, đêm hôm ấy, còn có vài bệnh nhân khác chết trong cái khoa Săn sóc đặc biệt Ngoại Thần kinh chỉ với khoảng 30 giường của chúng tôi.

Các bạn là bác sĩ, y tá ở nước ngoài sẽ thắc mắc ngay: Tại sao lại có thể có 4 bệnh nhân chết trên cùng một chiếc giường trong vòng chưa đến 12 giờ? Sau khi một bệnh nhân chết, người ta phải khử trùng giường và tất cả những phương tiện sử dụng cho bệnh nhân đã tử vong trước khi mang sử dụng cho bệnh nhân khác. Nếu thực hiện như vậy thì không thể có 2 bệnh nhân chết trên cùng một chiếc giường trong cùng một ngày, chứ đừng nói 4 bệnh nhân trong chưa đến 12 giờ.

Con số 4 kinh hoàng! - Ảnh 1.

Đừng tưởng bạn đã biết: Lạnh sâu nhất Việt Nam trong vòng 40 năm trở lại đây là mấy độ?

Trong khoa bạn đang có một chiếc giường trống, một bệnh nhân nặng được đẩy từ cấp cứu lên. Bạn sẽ để bệnh nhân nằm dưới đất, không đặt máy thở mà thay nhau thổi miệng qua miệng, để có thời gian khử trùng giường, khử trùng máy thở, hay bạn sẽ đặt bệnh nhân lên cái giường vừa có người chết trên đó, gắn cái máy thở mà trước đó ít phút người vừa chết sử dụng?

Ở Việt Nam, bạn không có nhiều lựa chọn. Thậm chí, với tình hình bạo hành y tế như hiện nay, nếu bạn đẩy cái giường và cái máy thở đi đâu đó để khử trùng, có thể chính bạn sẽ phải nằm lên cái giường ấy. Đấy là tôi mới nói đến việc, sự quá tải không cho phép các thầy thuốc làm tốt công tác khử trùng trong phòng hồi sức, phòng bệnh nặng.

Nhưng quá tải mới chỉ là một vấn đề. Năm 1974, công trình xây mới Bệnh viện Chợ Rẫy do chính phủ Nhật viện trợ được khánh thành. Kể từ đó, Bệnh viện Chợ Rẫy được coi là bệnh viện hiện đại nhất Việt Nam. Thế nhưng, khoảng cuối những năm 1990, khi JICA qua khảo sát, thì phát hiện Bệnh viện Chợ Rẫy được thiết kế rất lạc hậu, nhất là khu phòng mổ, hồi sức.

Tôi đến Úc, đi thăm một bệnh viện. Họ đưa chúng tôi vào thăm khoa hồi sức. Mỗi một giường là một phòng riêng, không khí áp lực dương, phòng cách ly thì lại áp lực âm. Không kể những vách ngăn có thể điều chỉnh thành trong suốt hay mờ đục, nhìn cái kho chứa máy của họ thì không thể không mê được. Họ có 12 phòng (12 giường), nhưng có đến 16 máy thở, khoảng 20 monitor. Và vấn đề quan trọng là họ chẳng bao giờ có tới 12 bệnh nhân nằm trong khoa đó cùng lúc cả. Khi chúng tôi đến, khoa chỉ có 2 bệnh nhân.

Tôi từng rất kinh ngạc khi phát hiện ra, rằng khoa của tôi là một trong các khoa Ngoại Thần kinh có nhiều máy thở nhất trên thế giới. Chúng tôi không chỉ có 16 máy thở như cái khoa Hồi sức ở Úc, mà luôn có tới 40 cái máy bơm xì xọp liên tục trong khoa. Cho dù đó đều là loại máy thở rẻ tiền, nhưng khoa chúng tôi vẫn có nhiều máy nhất. Nhưng, dù có nhiều máy thở như vậy, trong khoa vẫn luôn có cả chục người phải chịu cảnh bóp bóng bằng tay.

Con số 4 kinh hoàng! - Ảnh 2.

Ở nơi mà bệnh nhân nằm san sát nhau, áp suất không khí trong phòng chẳng có áp lực dương, cũng chẳng có áp lực âm. Thậm chí đa phần nhân viên còn không có khái niệm gì về áp lực dương, áp lực âm nữa, mọi việc cứ là rất thiên nhiên, lại chẳng có thời gian mà khử trùng, thì chuyện nhiễm trùng khó tránh khỏi. Bệnh nhân nào không chết ngay, hoặc không tỉnh ngay, mà không nhiễm trùng thì chỉ có là phổi bằng thép.

Mà nhiễm trùng bệnh viện thì kinh hoàng thật. Tôi còn nhớ hồi mới mở cửa, một bệnh nhân nữ bị nhiễm trùng. Sau hơn một tháng vật lộn, tốn hết hơn 40 cây vàng, bệnh nhân tử vong. Cùng lúc đó, một anh bạn tôi có căn nhà mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đối diện Intershop, chiều ngang mặt tiền khoảng 8 mét, bán 45 cây không ai mua.

Ở Singapore, tôi biết một bệnh viện có giá tiền nằm phòng hồi sức khoảng 10.000 SGD/ngày (chưa kể tiền thuốc và tiền bác sĩ chuyên khoa thăm khám). Ở cái bệnh viện tôi thăm tại Úc, giá phòng hồi sức là 12.000 AUD/ngày. Tôi cũng đã từng nhìn thấy một quotation cho một ca mổ vẹo cột sống ở Mỹ, giá phòng hồi sức là 15.000 USD, cộng phí khác là 18.000 USD/ngày.

Trong một môi trường vừa quá tải, vừa không bảo đảm các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn, với chi phí rẻ bèo, thì chúng ta sẽ còn phải kinh hoàng dài dài nữa. Nỗi kinh hoàng này có thể xảy ra ngay trên những cơ địa khỏe mạnh sẵn trước khi bị bệnh, chứ không chỉ ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân, nằm giường bệnh nặng.

Nhiễm khuẩn bệnh viện nhìn từ một khoa bệnh nặng (Nguồn: VTC)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại