Vũ khí siêu thanh là con bài mà Mỹ và các đồng minh bị cho là không thể chống đỡ ở vào thời điểm hiện tại. Nhưng nó có thực sự có khả năng như vậy? Dưới đây là tình trạng thực sự tên lửa siêu thanh của lục quân, không quân và hải quân Nga.
“Avangard” (“Авангард”)
Avangard là đầu đạn dẫn đường siêu thanh có công suất từ 800 kiloton đến 2 megaton, được phóng bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100N UTTKh (УР-100Н УТТХ).
Ưu điểm chính của Avangard là tốc độ bay cực nhanh, đạt Mach 27-28 và khả năng cơ động, khiến nó gần như không thể bị đánh chặn bằng các hệ thống phòng không hiện có. Tuy nhiên, cái gì cũng có nhược điểm. Thay vì mang 6 đầu đạn phân hướng của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), UR-100N UTTKh (УР-100Н УТТХ) chỉ mang được duy nhất 1 đầu đạn Avangard, khiến hiệu quả của nó giảm đi 6 lần.
Đồng thời, khả năng bất khả xâm phạm của vũ khí siêu thanh này vẫn bị phóng đại - có thể cần khoảng 50 tên lửa chống tên lửa SM-3 của Mỹ để đánh chặn Avangard. Con số 50 đúng là rất lớn, nhưng không thể nói tên lửa siêu thanh này không thể đánh chặn.
Nhiệt độ cao của tên lửa Avangard đang bay giúp đơn giản hóa việc phát hiện nó bằng các cảm biến hồng ngoại đặt trên quỹ đạo. Nếu người Mỹ và đồng minh của họ phóng các hệ thống phòng thủ tên lửa đầy tiềm năng vào không gian, khả năng đánh chặn tên lửa Nga của họ sẽ tăng lên.
“Dagger” (“Кинжал”)
“Dagger” là phiên bản trên không của tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật OTRK Iskander. Đáng nói, nó cũng có những nhược điểm của mình. Ban đầu, giới truyền thông Nga tự mệnh danh tên lửa này là “sát thủ hàng không mẫu hạm”. Trên lý thuyết, mọi thứ diễn ra suôn sẻ: máy bay cất cánh cùng “Dagger” khi máy bay tiêm kích-đánh chặn MiG-31K được nâng cấp, tầm bay của máy bay và tên lửa, khoảng 3.000 km.
Khi được phóng, “Dagger” không bị đánh chặn tấn công vào boong, phòng điều khiển, và sau đó là lò phản ứng hạt nhân của tàu sân bay Mỹ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa nhóm tấn công tàu sân bay hiện có của Hải quân Mỹ không có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh. Nhưng đừng quên rằng Iskanders và Dagger không thể tấn công các mục tiêu đang di chuyển có độ cơ động cao. Đây là tên lửa đạn đạo không có đầu tự dẫn radar chủ động, nó được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cố định.
Tàu sân bay của Hải quân Mỹ từ khoảng cách 3.000 km sẽ chỉ bị Dagger đánh chìm nếu nó neo ở bến đậu. Đồng thời, cần lưu ý rằng, Nga đang thiếu hụt trầm trọng về phương tiện mang các tên lửa siêu thanh này. Cho đến nay, chỉ có vài chục máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-31K có thể chuyển đổi để sử dụng “Dagger”.
Ngoài ra, các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57, máy bay ném bom Tu-22M3M và “máy bay ném bom chiến lược” Tu-160 được gọi là phương tiện mang tiềm năng, nhưng mọi thứ vẫn vậy, chưa có gì mới. Đây là tất cả những gì Nga đang có “trong túi”. Đó là chưa nói đến việc treo “Dagger” bên dưới bụng, nhưng lại tước đi lợi thế tàng hình của máy bay chiến đấu tàng hình Su-57.
“Zircon” (“Циркон”)
“Zircon” được tung hô lên tận mây xanh là “kẻ hủy diệt hàng không mẫu hạm” tiếp theo và là mối đe dọa lớn đối với Hải quân Mỹ. Người ta đã quên rằng đây chỉ là một tên lửa chống hạm thông thường, mặc dù nó có tốc độ rất nhanh. Đe dọa người Mỹ bằng “Zircon” cũng là quá sớm.
Thứ nhất, chúng vẫn chưa được đưa vào trang bị và chưa được sản xuất hàng loạt. Theo hãng thông tấn TASS, dựa trên kết quả của các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước, ngày 13/1/2022, Ủy ban Nhà nước chỉ khuyến nghị rằng tên lửa siêu thanh Zircon được sử dụng trên tàu mặt nước của Hải quân Nga. Các tàu ngầm sẽ phải đợi ít nhất đến năm 2024, khi các cuộc phóng thử từ tàu ngầm mới được nối lại.
Thứ hai, vì lý do trên, giá trị của Zircons trong việc răn đe Hải quân Mỹ sẽ rất nhỏ do số lượng tàu mặt nước của Nga cực kỳ khiêm tốn.
Các tàu chiến vùng biển xa của Hải quân Nga không nhiều, bao gồm tàu Đô đốc Nakhimov sau khi hoàn thành hiện đại hóa, 3 khinh hạm thuộc dự án 22350 thuộc loại Đô đốc Gorshkov đã được chế tạo, tàu thuộc dự án 1155M Marshal Shaposhnikov mới được chuyển thành một tàu khu trục nhỏ, cộng với phần còn lại của các tàu chống ngầm lớn và tàu Peter Đại đế sau khi hiện đại hóa.
Thứ ba, vấn đề chỉ định mục tiêu cho Zircons vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cần nhớ rằng lực lượng Không gian Mỹ có máy bay không người lái X-37B trên quỹ đạo, có khả năng tuần tra và cơ động dài ngày. Những tàu con thoi mini như vậy có thể gây ra mối nguy hiểm tiềm tàng cho các vệ tinh chỉ định mục tiêu của Nga.
Nhằm thay thế vai trò cung cấp dữ liệu chỉ định mục tiêu cho Zircons, Calibre và Onyxes, hạm đội Nga có thể sử dụng máy bay cảnh báo từ xa AWACS trên tàu sân bay, nhưng Nga không có AWACS và đã tuyên bố AWACS là “không cần thiết”. Vì thế, dường như vẫn còn quá sớm để Nga có thể răn đe người Mỹ và đồng minh của họ bằng tên lửa siêu thanh.