Cơ hội biến thỏa thuận đình chiến 1953 thành Hiệp ước hòa bình

TTXVN/ Tin Tức |

Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 trên danh nghĩa chấm dứt bằng một thỏa thuận đình chiến được các bên ký kết ngày 27/7/1953 tại Panmunjom.

Theo Hiệp định đình chiến này, tất cả các hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên đều bị đình chỉ, vĩ tuyến 38 được ấn định là giới tuyến phân chia 2 miền Nam-Bắc Triều Tiên với một khu phi quân sự được thiết lập.

Tuy nhiên, ngay từ khi ký kết, thỏa thuận đình chiến này đã bị đánh giá là có quá nhiều lổ hổng pháp lý, dẫn tới thiếu tính ràng buộc và ít có giá trị thực tiễn.

Ví dụ như thỏa thuận này không có chữ ký của Hàn Quốc, vốn là một bên tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, chưa kể việc đại diện Mỹ hay Trung Quốc tham gia ký kết cũng gây tranh cãi.

Vấn đề càng trở nên phức tạp khi một thỏa thuận đình chiến, thông thường được hai phía tham chiến ký kết, lại có sự tham gia của quá nhiều bên, khiến việc xác định bên nào có trách nhiệm thực thi hiệp định trở nên không rõ ràng.

Điểm mấu chốt của hiệp định này, là quy định 3 tháng sau khi thỏa thuận có hiệu lực, các bên sẽ tiến hành hội nghị chính trị cấp cao để giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng, tiến tới giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên, cụ thể là đạt được hiệp định hòa bình cuối cùng, cũng không được thực hiện.

Đó là lý do khiến suốt 65 năm nay, Hiệp định đình chiến 1953 thực chất chỉ là một văn kiện trên giấy không được các bên tuân thủ nghiêm túc.

Hai miền Triều Tiên vẫn bị coi là trong tình trạng chiến tranh bởi các bên vẫn chưa thể ký một Hiệp ước hòa bình. Dù ngày 27/7 vẫn được kỷ niệm trên bán đảo Triều Tiên như mốc kết thúc cuộc chiến tranh 1950-1953, song trên thực tế, hòa bình vẫn chưa hiện hữu tại khu vực này.

Trong bối cảnh đó, những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên từ đầu năm tới nay, đặc biệt là hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Triều vừa qua, khiến ngày 27/7 năm nay đang được nhắc tới như một sự kiện có thể tạo bước chuyển, hướng tới chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, thay vì mới chỉ chấm dứt về mặt kỹ thuật như hiện nay.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 thành công khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí hướng tới chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trong năm 2018; xây dựng một hiệp định hòa bình thay thế thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt tình trạng thù địch; tiến hành các cuộc đàm phán 3 hoặc 4 bên với sự tham gia của nước lớn như Mỹ trong việc thiết lập hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Cam kết của hai bên về việc sẽ ra tuyên bố kết thúc chiến tranh trong năm nay được sự ủng hộ đông đảo của cộng đồng quốc tế, và cũng tạo tiền đề thuận lợi cho một Hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhất trí tham gia nỗ lực nhằm xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, đồng nghĩa với một hiệp ước hòa bình sẽ được hoàn tất với sự ủng hộ của Mỹ.

Các nước liên quan, từ Trung Quốc, Nga tới Nhật Bản đều hoan nghênh những cam kết về một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh.

Từ đó tới nay, dù có những gập ghềnh, Triều Tiên, Hàn Quốc và cả Mỹ đều đã có những nỗ lực và thiện chí hướng tới mục tiêu chung này bằng những hành động cụ thể.

Hàn Quốc và Mỹ đã đồng ý dừng cuộc tập trận chung quy mô lớn mà Triều Tiên trước đây thường phản đối khi cho đây là “hoạt động diễn tập xâm lược”, đồng thời tuyên bố dừng cuộc tập trận chung Người bảo vệ tự do Ulchi (UFG) dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới.

Còn về phía Triều Tiên, nước này đã có những bước đi rõ rệt trong nỗ lực phi hạt nhân hóa cũng như cải thiện hình dung về đất nước – con người trong con mắt dư luận thế giới, với những quyết định quan trọng như dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri và gần đây nhất là bãi thử tên lửa Sohae...

Việc đúng vào ngày 27/7 năm nay, Triều Tiên tiến hành trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên theo thỏa thuận giữa hai bên tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6, mang tính biểu tượng cao, phần nào thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng nhằm đạt được tiến bộ thực sự trong giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Đây là lần trao trả hài cốt đầu tiên giữa Triều Tiên và Mỹ trong suốt 11 năm qua và được Washington xem là một dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai nước về tìm kiếm và hồi hương hài cốt các binh sĩ Mỹ.

Tất nhiên, tiến trình để các bên ký Hiệp ước hòa bình thực sự chấm dứt chiến tranh là một quá trình dài lâu, không thể một sớm một chiều có thể thực hiện được, bởi những mâu thuẫn lợi ích trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Và cũng sẽ còn nhiều khó khăn đối với cả Bình Nhưỡng và Washington để xây dựng lòng tin, gạt bỏ quan hệ thù địch kéo dài hàng thập niên qua, trong bối cảnh hai bên còn nhiều bất đồng liên quan trình tự từ bỏ chương trình hạt nhân.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực hiện nay đang mở ra hy vọng thỏa thuận đình chiến 1953 có thể biến thành hiệp ước hòa bình đem lại sự ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại