Chuyên gia nước ngoài giúp Việt Nam cải tiến tên lửa phòng không

Đại tá Trần Danh Bảng |

Vất vả cơ động, ban đầu được 10 bộ SAM, sau đó tiếp tục tăng tốc. Cùng với đó, chúng tôi đã "mổ bụng" điều chỉnh tần số hơn một ngàn trái đạn tên lửa phòng không hiện có ở VN.

Những chuyên gia kỹ thuật của Liên Xô đã có mặt tại Hà Nội từ ngày đầu tên lửa phòng không Việt Nam đánh thắng không quân Mỹ. Họ đã nhìn nhận cuộc đấu trí công nghệ giữa hai nền khoa học quân sự Nga-Mỹ, từ thực chiến ác liệt trên bầu trời Việt Nam.

Đại tá Mosaic Anatoly Petrovich sinh năm 1926 tại vùng Oryol, Nga. Ông là chuyên gia cao cấp về hệ thống tên lửa S-75 (Việt Nam hay gọi là SAM-2), đã kể chuyện về việc tìm hiểu, phát hiện, cải tiến khí tài, trước tình trạng "nhiễu rãnh đạn", do không quân Mỹ chế áp tên lửa Việt Nam.

"Nhiễu rãnh đạn" từng làm cho nhiều đạn tên lửa mất điều khiển

Tháng 10 năm 1967, không quân Mỹ tiếp tục thực hiện hàng ngàn phi vụ ném bom. Ban ngày, các chuyến bay SR-71 trinh sát liên tục từ tầng cao, máy bay cường kích hải quân A-6 đánh phá dữ dội vào khu vực ngoại ô thành phố Hà Nội, cảng Hải Phòng.

Đường sắt chiến lược và đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng bị uy hiếp mạnh. Khách sạn Kim Liên, nơi những chuyên gia quân sự chúng tôi nghỉ và làm việc không còn an toàn, buộc phải sơ tán về vùng đồi rừng, cách 25km (gọi là khu B).

Chuyên gia nước ngoài giúp Việt Nam cải tiến tên lửa phòng không - Ảnh 1.

Tên lửa phòng không S-75 (SAM-2).

Sự xuất hiện tên lửa Liên Xô lúc này đã hơn 2 năm. Không quân Mỹ đã có nhiều thủ đoạn đối phó với tên lửa Liên Xô, khiến cho hiệu quả tác chiến phòng không của Hà Nội giảm sút.

Trong số 212 trận diễn ra trong tháng mười, lực lượng PKKQ Việt Nam đã bắn rơi 88 máy bay Mỹ. Nhưng tỷ lệ tiêu thụ đạn lên tới 3,86 tên lửa/ 1 mục tiêu.

Vào ngày 15 tháng 12 năm 1967, một đội hình lớn máy bay Mỹ nối đuôi, đan chéo nhau, từ nhiều hướng tấn công Hà Nội và các vùng lân cận.

Các tiểu đoàn hoả lực đã phóng tổng cộng 29 tên lửa, 11 quả đạn không điều khiển được rơi xuống đất. Đây là một ngày điển hình, tác chiến không kết quả.

Người Mỹ đã tự tin, ồ ạt sử dụng sản phẩm mới của mình. Đó là thiết bị gây nhiễu kênh radiovizirovaniya, Việt Nam gọi là nhiễu kênh đạn, nhiễu rãnh đạn. Khiến đài điều khiển CHP bị "mù", vô hiệu hoá việc điều khiển.

Tìm nguyên nhân

Theo tổng kết, tên lửa S-75 gặp phải ba trường hợp, đạn được phóng lên nhưng rơi tại chỗ, đạn không có điều khiển bay vọt lên cao tự nổ hoặc đạn không rời bệ phóng vì không bắt được tín hiệu điều khiển.

Những quả đạn tên lửa với động năng lớn, rơi xuống bất cứ nơi nào, gây tai nạn, tang thương cho dân chúng. Nếu các đầu nổ đạn bị kích hoạt, nguy cơ còn cao hơn, sát thương người và vật xung quanh.

Đã có nhiều người bị chết và bị thương do hậu quả đạn rơi. Có nơi trái đạn cày dọc khu phố, thật kinh hãi. Điều đó không chỉ giảm sút sức đánh trả mà còn tác động tiêu cực đến tinh thần chiến đấu của tên lửa Việt Nam và người dân địa phương.

Có một thực tế là dòng tên lửa S-75, bị lộ tính năng tại Ai Cập trong chiến tranh Trung Đông. Trước đó, 5-6-1967, gần 200 máy bay phản lực chiến đấu Isarel ồ ạt cất cánh tấn công phủ đầu Ai Cập.

20 bộ khí tài S-75 Dvina bị bỏ lại ở sa mạc Sinai, rơi vào tay quân Isarel. Người Mỹ nhanh chóng "mổ xẻ", nghiên cứu khí tài tên lửa này, và đưa ra các biện pháp đối phó.

Không phải dễ dàng kết luận ngay nguyên nhân. Các chuyên gia Liên Xô, các chỉ huy hoả lực của các trung đoàn và ngay cả các sĩ quan trực tiếp bắn đã phải kỳ công tìm hiểu. Qua một số trận phóng đạn tiếp theo, đạn vẫn mất điều khiển…

Một trong số đó là sự can thiệp tích cực của không quân Mỹ vào các kênh tên lửa, như hệ thống radiovizirovaniya. Thực tế là "trái tim" của tên lửa là khối DF-15, gồm máy phát và radiovizirovaniya bị lộ tần số.

Công nghệ Mỹ đã phát triển ngay máy gây nhiễu, có tên ALQ-71. Người Việt nam đã tóm được nó. "Mổ xẻ" trạm ALQ-71 của Mỹ để nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ.

Thì ra, dải tần số phát ổn định của nó rất rộng, có thể trùm hết cả rãnh mục tiêu và rãnh đạn của đài điều khiển CHP, trong đó có khối DF-15 của tên lửa.

Trong quá trình thảo luận căng thẳng, chúng tôi đi đến kết luận rằng chỉ có một đường thoát khỏi tình trạng này là cơ cấu lại các tần số hoạt động của đài điều khiển CHP và tăng hiệu suất tín hiệu cao lên hẳn.

Những thông tin quý giá do Quân chủng Phòng Không Việt Nam và chuyên gia Liên Xô nhận định, được báo cáo lên cấp Chính phủ, yêu cầu sự hỗ trợ của Đại sứ quán Liên Xô.

Chuyên gia nước ngoài giúp Việt Nam cải tiến tên lửa phòng không - Ảnh 2.

Xe tiếp đạn tên lửa S-75 (SAM-2).

Khắc phục, đánh thắng

Đại sứ tại Hà Nội là đồng chí Shcherbakov ngay lập tức tổ chức một cuộc họp với các chuyên gia quân sự của chúng tôi về chủ đề này.

Với sự tham dự giới hạn gồm: Các chỉ huy nhóm chuyên gia cao cấp, Trung tướng VN. Abramov; chỉ huy nhóm chuyên gia kỹ thuật SMP Thiếu Tướng NI Kullback, đại diện của nhà thiết kế tên lửa, như AM Eliseev và một vài chuyên gia nữa.

Đại sứ Shcherbakov nói rằng, sau khi báo cáo Bộ Chính trị Liên Xô về tình hình, chính phủ Liên Xô đã chỉ thị ngành công nghiệp quân sự của chúng tôi, tiến hành gấp các biện pháp khẩn cấp để khôi phục lại khả năng chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không tại Việt Nam.

Đại sứ cho rằng, Moscow lệnh cho ông phải liên hệ với các chuyên gia ở Việt Nam, tiến hành mọi công việc cần thiết nhằm phá vỡ nỗ lực của không quân Mỹ.

Phát biểu của đại diện nhà thiết kế chính, đồng chí Eliseev cho rằng, việc tái cấu trúc lại các dải tần số của đài điều khiển trên các rãnh CHP, như đề xuất, có thể được thực hiện trong một thời gian ngắn, thậm chí một vài ngày.

Về phía Việt Nam, Thiếu tướng Phan Thu, người có công lớn trong mổ sẻ trạm phát nhiễu ALQ-71 của Mỹ sau này viết:

Giai đoạn 1967-1968, để đối phó với đạn tên lửa của ta, máy bay Mỹ sử dụng máy gây nhiễu ALQ-71 mở rộng tần số gây nhiễu sóng 10cm trùm qua rãnh đạn tên lửa, làm cho đạn tên lửa bị chế áp, mất điều khiển" .

"Các nhà khoa học Liên Xô đã có bước cải tiến cơ bản, vừa điều chỉnh lệch tần số, vừa nâng cao công suất đèn phát tín hiệu trả lời của đạn về đài điều khiển. Nhờ vậy, tín hiệu trả lời của đạn đã vượt lớn hơn hẳn tín hiệu nhiễu".

Lúc này máy gây nhiễu của Mỹ không thể thiết kế tăng theo được, do bị hạn chế về công suất phát.

Đối với việc xác định thử nghiệm các thông số định lượng và định tính của khí tài, tôi đã được phép tiết lộ thông số kỹ thuật. Đại sứ hỏi: "Cần thiết bao nhiêu phụ tùng, khó khăn ra sao?".

Tôi đã báo cáo rằng , để có thông số thí nghiệm, thì cần 15 đến 20 khối DF-15 lấy từ kho dự trữ (kho ZiP). Cần một Trạm thử nghiệm - kiểm tra cơ động, như vẫn dùng để kiểm tra toàn diện các tên lửa và các khối riêng biệt, một trạm phát điện, (giống xe công trình xa). Thời gian chỉ cần ba ngày.

Tuy thế, đại diện nhà thiết kế tên lửa SAM-2, ở đó cực lực phản đối việc mở các khối DF-15 với lý do giữ bí mật tuyệt đối về chúng. Nhưng Đại sứ Shcherbakov đã nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc thực nghiệm.

Ông nói: "Còn có thể nói về giữ bí mật nào ở đây nữa cơ chứ? Khi phía Mỹ đã khám phá được "bí mật" đó rồi, đã thành công trong việc tạo nhiễu và dùng nhiễu để phá tần số điều kiển tên lửa của chúng ta. Tôi cho phép thực hiện thí nghiệm". Đại sứ Shcherbakov rất tin tưởng, động viên chúng tôi.

Ngay sau cuộc họp của nhóm chúng tôi, Đại tá I. Sherstobitov, Đại uý V. Goncharenko, Trung úy AB Aslamov… cùng một số kỹ sư trẻ người Nga bắt đầu làm việc. Chúng tôi đã làm việc liên tục trong ba ngày ở vùng rừng, đồi.

Thật may mắn, các cuộn cảm và tụ điện của DF-15 vẫn còn khả năng hiệu chỉnh được. cho phép thực hiện việc thay đổi dải tần và tăng công suất máy phát. Thế nhưng dải tần đặt lại của các khối lại khác nhau.

Vì thế, khi việc thử nghiệm kết thúc, chúng tôi đưa ra quyết định: Một phần các tổ hợp tên lửa sẽ cài đặt ở dải tần đến 3 MHz, một phần ở dải tần 1,5 MHz …

Thế rồi, cuốn vào công cuộc cải tiến khí tài cho các trung đoàn tên lửa. Thật là, vất vả, cơ động đi lại, tốn kém, ban đầu được 10 bộ SAM, sau đó tiếp tục tăng tốc. Cùng với đó, chúng tôi đã "mổ bụng" điều chỉnh tần số hơn một ngàn trái đạn tên lửa hiện có ở Việt Nam.

Đầu năm 1968, ngày 1 tháng 1, chúng tôi đề xuất vẫn để một, hai trận địa tên lửa lộ diện với tần số cũ, cho không quân Mỹ chủ quan, vừa làm đối chứng. Mặt khác sắn sàng thử nghiệm khí tài cải tiến trong thực chiến.

Ngay loạt tên lửa đầu tiên, từ khí tài được đặt lại dải tần 3MHz, chiếc máy bay dẫn đầu của Mỹ lao vào đánh phá mục tiêu đã bị bắn rụng.

Trong 12 trận liên tiếp, tên lửa Việt Nam đã phóng 20 đạn, 5 chiếc F-105 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Tiếp đến 27 tên lửa được phóng đi trong 20 trận tiếp theo, 9 máy bay Mỹ bị bắn hạ. Tình trạng đạn mất điều khiển được khắc phục cơ bản. Chân lý đã rõ ràng.

Luôn sau đó, các tài liệu tổng kết, mô tả chi tiết sự kiện này, được lập thành văn kiện. Từ Hà Nội , văn kiện kỹ thuật lập tức gửi về Moscow.

Lực lượng phòng không rộng lớn của Liên Xô cũng đã triển khai nhanh việc nâng cấp, cải tiến hệ thống S-75 trong toàn lãnh thổ Liên bang.

Được biết tới tháng 4 năm 1968, Liên Xô đã gửi đến Việt Nam đủ phụ tùng, linh kiện, để cải tiến, nhằm ngăn chặn việc không chế khối DF-15 của đối phương.

Từ đây mở ra một thời kỳ tiếp tục đánh thắng không quân Mỹ, bằng tên lửa SAM-2/ S-75 của lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam.

Mosaic Anatoly Petrovich tham gia Hồng quân từ tháng 4 năm 1943. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông là phó chỉ huy của bộ phận kỹ thuật cho hệ thống tên lửa. Từ tháng 9 năm 1967 đến tháng 8 năm 1968.

Đại tá Mosaic Anatoly Petrovich

Ông tham gia hoạt động chiến đấu ở Việt Nam trong nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô cấp cao về kỹ thuật đài điều khiển và đạn tên lửa. Từ tháng 1 năm 1975 đến tháng Giêng năm 1977 ông là chỉ huy cao cấp thiết bị kỹ thuật tên lửa ở Libya.

Tuổi cao, Mosaic Anatoly Petrovich đã qua đời năm 2006 tại Moscow.

*** Những số liệu trong bài do Đại tá Mosaic Anatoly Petrovich tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại