Chuyên gia Nga: Tên lửa SM-2 Mỹ bất lực, không thể đánh chặn CM-302 Trung Quốc

Thùy Dung |

Theo Sputnik, dù khả năng của tên lửa CM-302 do Trung Quốc sản xuất chưa thể sánh bằng Nga nhưng nó đủ khiến tên lửa đánh chặn SM-2 của Mỹ bó tay.

Mỹ không thể đánh chặn

Tại Triển lãm Chu Hải vừa qua, Tập đoàn China Aerospace Science and Industry Corp (CASIC) của Trung Quốc đã giới thiệu tên lửa siêu thanh CM-302 phiên bản xuất khẩu mới của mình, có khả năng tấn công mục tiêu trên mặt đất và ngầm dưới nước.

Một số báo chí của Trung Quốc gọi loại tên lửa này là tốt nhất trên thế giới. Để hieur rõ sức mạnh của tên lửa này, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã có bài phân tích đăng tải trên Sputnik.

Theo nội dung bài viết, Trung Quốc chắc chắn sẽ thành công trong việc chế tạo tên lửa chống tàu siêu âm. Nhưng khả năng của nước này để tạo ra một phiên mẫu hiện đại hoàn toàn của riêng mình như vũ khí này là rất khiêm tốn.

Tên lửa hành trình siêu âm do hai Tập đoàn CASC và CASIC sản xuất, là sản phẩm sao chép, dù đã qua sửa đổi cấu trúc của hai loại… tên lửa hành trình chống tàu quan trọng của Nga.

 Chuyên gia Nga: Tên lửa SM-2 Mỹ bất lực, không thể đánh chặn CM-302 Trung Quốc - Ảnh 1.

Tên lửa CM-302 tại Triển lãm Chu Hải.

Tên lửa Trung Quốc CX-1, do công ty CASC trình bày tại triển lãm hàng không Chu Hải vào năm 2014, đã được dựa trên tên lửa chống tàu Yakhont của Nga có tiếng trên thị trường vũ khí quốc tế và tên lửa BrahMos sản phẩm liên doanh của Nga-Ấn Độ gần giống với nó.

Tên lửa CM-302 do công ty đối thủ CASIC trưng bày tại triển lãm hiện nay. Về bản chất, đây là tên lửa diệt hạm X-31 của Nga phóng đại kích thước, được sản xuất tại Trung Quốc theo giấy phép của Nga.

Tuy nhiên, Trung Quốc không có tên lửa hạng nặng chống tàu siêu âm tương tự như P-1000 Basalt và P-700 Granit của Nga. Những tên lửa này dành để đối phó với tàu sân bay. Chúng có tầm bắn hơn 700 km, vận tốc lên đến 2.5 Mach (2.5 vận tốc âm thanh).

Chỉ cần bắn một loạt, chúng trao đổi thông tin với nhau trong chuyến bay và phối hợp tấn công đồng thời mục tiêu từ nhiều hướng khác nhau. Các phiên bản mới nhất của Granite và Basalt còn có thể bắn vào mục tiêu trên đất liền.

Tuy nhiên, cần lưu ý: sự tiến bộ của Trung Quốc trong ngành chế tạo tên lửa ảnh hưởng đến tình hình quân sự-chính trị ở Thái Bình Dương, gây ra mối lo ngại cho người Mỹ. Bởi tên lửa chống máy bay phổ biến nhất Standar SM-2 của Mỹ do tầm bắn giới hạn của nó sẽ không thể đối phó với tên lửa CM-302 của Trung Quốc.

Việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của Mỹ bằng tên lửa Standard SM-6 với tầm bắn xa hơn sẽ đòi hỏi chi phí rất lớn, bởi vì giá của một quả tên lửa như vậy là rất đắt đỏ với ngân sách quốc phòng Mỹ hiện nay.

Nhận định của báo Anh

Mặc dù được chuyên gia Nga đánh giá khá cao nhưng theo Tạp chí Jane’s Denfence Weekly của Anh lại có cái nhìn hoàn toàn khác biệt.

Theo tạp chí Anh, tuy Trung Quốc đã gia nhập hàng ngũ các nước chế tạo được tên lửa siêu âm nhưng tính năng của CM-302 chỉ có thể ngang với loại tên lửa hạm đối hạm Hùng Phong-3 của Đài Loan và loại tên lửa không đối hạm XASM-3 của Nhật, chứ chưa so được với các loại tên lửa khủng của Nga và của Ấn Độ.

Tạp chí Jane’s cho biết, YJ-12 (phiên bản nội địa của CM-302) xuất hiện lần đầu tiên dưới dạng mô hình từ triển lãm hàng không Chu Hải năm 2000, cho đến nay mới bắt đầu thử nghiệm tên lửa thật.

Nó được thiết kế kiểu 2 động cơ phản lực xung áp nhưng những bức ảnh chụp gần đây nhất đã cho thấy tên lửa đã được sửa đổi thiết kế thành kiểu 4 động cơ, có vẻ nó đã được copy từ loại tên lửa Kh-31 mà Trung Quốc mua của Nga vào năm 2006 và 2007.

Số liệu của Jane’s cho biết, tên lửa này có trọng lượng vào khoảng 2 đến 2,5 tấn, chiều dài đạn 7m, tốc độ bay từ 2-3 Mach, tầm bắn từ 250-500km. Theo số liệu này thì trọng lượng, kích thước của nó lớn hơn rất nhiều so với Kh-31 (Trung Quốc mua của Nga).

Ngoài ra, có 1 số thông tin cho biết, hiện Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển một loại tên lửa chống hạm phóng thẳng đứng với phiên hiệu là YJ-18, có kích thước và trọng lượng tương đồng với loại tên lửa Kh-41 hay còn gọi là SS-N-22 Sunburn lắp đặt trên tàu khu trục lớp Sovremenny mà Trung Quốc mua lại của Nga.

Jane’s khẳng định, nếu CM-302 thử nghiệm thành công, Trung Quốc sẽ gia nhập hàng ngũ các nước chế tạo được tên lửa siêu âm, nhưng tính năng của tên lửa này chỉ ngang với loại tên lửa hạm đối hạm Hùng Phong-3 của Đài Loan và loại tên lửa không đối hạm XASM-3 của Nhật, chứ chưa so được với các loại tên lửa khủng của Nga và của Ấn Độ.

Hơn nữa, hiện sự tin cậy của chính Trung Quốc vào tên lửa này đang bị đánh dấu hỏi khi vừa qua, Một quan chức quốc phòng Nga cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua các hệ thống động cơ của tên lửa chống hạm Kh-31.

Điều đó chứng tỏ, các động cơ xung áp thể tích nhỏ của Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu chất lượng, công nghệ vật liệu động cơ của Trung Quốc còn kém phát triển dẫn đến trọng lượng và kích thước tên lửa quá lớn so với các loại tên lửa cùng thế hệ và làm quá tải các động cơ Ramjet vốn đã yếu kém của họ.

Một lần nữa, bài toán động cơ lại làm đau đầu ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không giải quyết được những vấn đề mấu chốt về động cơ thì họ luôn phải phụ thuộc vào nước ngoài và không bao giờ vươn lên được top những nước phát triển về công nghệ hàng không và tên lửa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại