Thất bại không phải là một lựa chọn
Đó là tháng 7/1974. Cơn mưa bụi khiến bầu trời u ám khi William Simon – Bộ trưởng Tài chính vừa mới nhậm chức của Mỹ - và người phụ tá Gerry Parsky bước lên chuyến bay khởi hành lúc 8h sáng từ căn cứ không quân Andrews.
Không khí trên máy bay khá căng thẳng. Các quốc gia Arab vừa đưa ra lệnh cấm vận để trả đũa việc quân đội Mỹ viện trợ cho Israel trong cuộc chiến Yom Kippur, khiến giá dầu ở Mỹ tăng gấp 4 lần. Lạm phát tăng cao, TTCK lao dốc và nền kinh tế Mỹ gặp rất nhiều khó khăn.
Trên danh nghĩa thì chuyến đi 2 tuần của Simon được coi là một chuyến đi ngoại giao kinh tế đến Trung Quốc với lịch trình dày đặc các buổi tiếp đón trang trọng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thực sự chỉ tập trung trong 4 ngày Simon lưu lại thành phố ven biển Jeddah của Saudi Arabia.
Mục tiêu mà ông phải thực hiện là: vô hiệu hóa tác dụng là một vũ khí kinh tế của dầu thô và tìm ra cách thuyết phục vương quốc đang giận dữ Saudi Arabia hãy tài trợ cho thâm hụt ngân sách của Mỹ bằng những đồng đôla dầu mỏ mà nước này vừa tìm thấy.
Theo Parsky, Nixon đã tuyên bố rõ ràng rằng họ không được phép trở về tay trắng. Thất bại không chỉ khiến sức khỏe kinh tế Mỹ lâm vào nguy hiểm mà còn tạo điều kiện cho Liên Xô tiến sâu hơn vào thế giới Arab.
Thoạt nhìn thì Simon không phải là người phù hợp cho vị trí này. Ông là người nóng tính, không giỏi ngoại giao và có cái tôi rất lớn. Ngay trước thềm chuyến thăm, ông đã công khai chỉ trích nhà vua Iran.
Tuy nhiên, đây lại là người am hiểu về sức hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ Mỹ hơn ai hết. Ông sẽ là người có tiếng nói thuyết phục nhất để có thể bán cho Saudi ý tưởng rằng Mỹ là nơi tốt nhất để cất giấu những đồng đôla dầu mỏ. Cuối cùng ông là người đã được chọn để thực hiện “canh bạc” với Saudi.
Về cơ bản thì ý tưởng khá đơn giản: Mỹ sẽ mua dầu của Saudi Arabia đổi lại viện trợ quân sự cũng như vũ khí cho vương quốc này. Hàng tỷ USD mà Saudi thu được từ dầu mỏ sẽ được dùng để mua trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Theo Parsky, hai bên đã mất nhiều tháng đàm phán để thống nhất về kế hoạch chi tiết. Cuối cùng Mỹ và Saudi đã đạt được đồng thuận, nhưng có một chi tiết nhỏ mà Nhà vua Faisal bin Abdulaziz Al Saud yêu cầu: thỏa thuận này là bí mật.
Thăng trầm mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia
Các quan chức Bộ Tài chính Mỹ đã cho phép Saudi bước vào từ “cửa hậu”. Theo thỏa thuận, Saudi Arabia được phép bỏ qua quá trình đấu thầu đầy tính cạnh tranh thông thường để mua trái phiếu Mỹ một cách bí mật.
Những khoản này cũng không được tính vào các con số chính thức, giúp che giấu sự hiện diện của Saudi Arabia trên thị trường nợ lớn nhất thế giới.
Người Mỹ đã kín tiếng trong suốt 4 thập kỷ và bí mật chỉ vừa được hé lộ cách đây vài tuần, khi lần đầu tiên trong lịch sử số trái phiếu Mỹ mà Saudi nắm giữ được công bố. Con số 117 tỷ USD biến Saudi thành một trong những chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ.
Theo một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, con số nói trên chưa thể hiện được hết mức độ đầu tư của Saudi Arabia vào nợ của Mỹ. Số lượng có thể gấp đôi hoặc hơn thế nữa.
Con số 117 tỷ USD chỉ tương đương 20% tổng dự trữ ngoại hối của Saudi và chưa bằng 2/3 số tài sản USD mà NHTW nước này thường nắm giữ. Một số chuyên gia phân tích dự đoán Saudi có thể che giấu số trái phiếu Mỹ mà họ sở hữu bằng cách chuyển chúng sang các trung tâm tài chính ở một nước thứ ba.
Ở thời điểm này, câu hỏi chính xác thì Mỹ nợ Saudi Arabia bao nhiêu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Mặc dù giá dầu giảm mạnh trong thời gian qua làm dấy lên mối lo ngại rằng Saudi phải bán ra nhiều hơn trái phiếu Mỹ để huy động tiền mặt, có một mối lo đáng sợ hơn nổi lên: nước này có thể sử dụng vị thế to lớn ở thị trường nợ quan trọng nhất thế giới như một vũ khí chính trị, giống như điều mà Saudi đã làm với dầu mỏ trong những năm 1970.
Hồi tháng 4, Saudi Arabia đã cảnh báo sẽ bắt đầu bán ra hàng trăm tỷ USD trái phiếu Mỹ cũng như các tài sản USD khác vì vụ khủng bố 11/9.
Lâu nay vẫn dựa vào những đồng đôla thu được từ dầu mỏ để trang trải trợ cấp y tế, xăng dầu và tăng lương cho người dân, giờ đây Saudi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng.
111 tỷ USD dự trữ ngoại hối đã bị đốt cháy để tài trợ cho thâm hụt ngân sách hay cho những cuộc chiến tranh đắt đỏ chống lại IS và Iran. Mặc dù giá dầu đã ổn định quanh mức 50 USD/thùng trong thời gian gần đây, mốc này quá xa so với mức ngưỡng 100 USD mà Saudi mong đợi.
Mối thâm tình giữa Mỹ và Saudi Arabia (vốn nổi lên từ sau thỏa thuận của Dimon) đã gắn kết 2 quốc gia không có nhiều điểm tương đồng giờ đây đang có những dấu hiệu rạn nứt.
Mỹ có dấu hiệu nối lại quan hệ với Iran và cuộc cách mạng dầu đá phiến giúp Mỹ không còn phải dựa quá nhiều vào dầu của Saudi nữa.
Theo các nguồn tin ngoại giao, nỗi lo sợ lớn nhất của Saudi chính là tiền bạc của nước này – dù theo cách trực tiếp hay gián tiếp – sẽ rơi vào tay những kẻ thù lớn nhất dưới dạng viện trợ của Mỹ.
Cuối cùng thì sau nhiều sức ép từ các phía, Mỹ đã chính thức công bố số liệu. Parsky cho rằng lẽ ra bí mật với Saudi đã phải được tiết lộ từ mấy năm trước.
Ông ngạc nhiên khi Mỹ đã giữ bí mật lâu đến vậy. Tuy nhiên, ông không hề hối hận vì những gì mình và Simon đã làm. “Thỏa thuận ấy đã có lợi cho nước Mỹ”, ông nói.