Chứng kiến vợ sinh, chồng mất luôn ham muốn?

Anh Thư thực hiện |

Tôi chọn dịch vụ để chồng cùng vào phòng sinh nhưng chồng tôi bị đưa ra ngoài giữa chừng vì có biểu hiện choáng ngất. Sau đó, tâm lý anh thay đổi nhiều, thậm chí mất ham muốn…

Bạn đọc Trần H.P. (35 tuổi; quận 2, TP HCM): Khi đi sinh con đầu lòng, tôi đã chọn dịch vụ cho phép một người thân cùng vào buồng sinh (sinh thường) và chồng tôi là người đã vào với tôi. Tuy nhiên, lần đó mọi việc không như mong muốn: anh có vẻ rất căng thẳng, vã mồ hôi đầm đìa và khi tôi sinh xong thì anh đã ra ngoài.

Nghe kể là lúc thấy cảnh sinh nở, máu chảy, anh có biểu hiện choáng váng, mọi người sợ anh ngất sẽ ảnh hưởng đến tôi nên đưa ra ngoài. Nay con tôi 2 tuổi và chúng tôi vẫn chưa quan hệ lại vì anh thường né tránh, cho dù rất yêu thương chăm sóc tôi và con.

Có khi cảnh phụ nữ sinh nở có thể làm đàn ông giảm ham muốn không thưa bác sĩ? Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi nên làm gì, vì chúng tôi muốn có cháu thứ 2 do nay cũng không còn trẻ nữa. Nghe nói nếu chần chừ vài năm nữa tôi sẽ khó có con, đúng không thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:

Theo như lời bạn mô tả thì tôi cho rằng chồng bạn đang có tình trạng rối loạn tâm lý trầm trọng, dẫn đến việc giảm ham muốn và ức chế về tình dục, mà nguyên nhân thì bạn đã biết rõ (tạm thời chúng ta loại trừ những nguyên nhân khác về tình cảm và mối quan hệ vợ chồng).

Đúng ra là trước khi chọn dịch vụ cho người thân vào dự chứng sinh nhằm hỗ trợ tâm lý cho sản phụ thì người chồng phải được chuẩn bị tâm lý, tìm hiểu rõ về những việc có thể phải chứng kiến trong lúc sản phụ chuyển dạ (những cơn đau chuyển dạ, rặn đẻ, tình trạng chảy máu…) để có thể chấp nhận và là chỗ dựa tinh thần cho bạn.

Ngược lại, do không biết, không có sự chuẩn bị trước nên khi thấy cảnh đau đẻ và chảy máu của vợ, anh đã phải hứng chịu một cú sốc tâm lý dẫn đến các vấn đề tại chỗ (choáng ngất) và các vấn đề kéo dài như tình trạng mà bạn gọi là lãnh cảm, như tâm lý không tích cực, thậm chí tự ti, mặc cảm có lỗi (vì cho rằng mình là nguyên nhân), sợ hãi tình dục vì e ngại vợ mang thai và sinh đẻ lần nữa…

Trái lại, nếu được chuẩn bị tốt, người chồng sẽ là một chỗ dựa tinh thần đáng kể, mặt khác nó cũng giúp cho người chồng thông cảm, thấu hiểu nỗi khó khăn của vợ trong cuộc vượt cạn, họ sẽ thương yêu vợ hơn, có ý thức đỡ đần giúp đỡ vợ, ý thức sinh đẻ có kế hoạch và sẽ thay đổi cách nhìn tích cực, biết ơn hơn đối với mẹ, chị em gái và người thân là phụ nữ.

Để giải quyết tình trạng hiện thời, bạn cần trao đổi thẳng thắn với chồng để biết thêm về suy nghĩ và tâm trạng của chồng, cùng nhau giải tỏa lo âu hoặc những tâm trạng tiêu cực, tìm lại sự ham muốn tình dục vợ chồng.

Nếu hai bạn không thể tự giải quyết thì nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên ngành tâm lý hoặc sản phụ khoa, nam khoa… để được tư vấn, hướng dẫn điều trị. Không nên chần chừ nếu bạn muốn có thêm con vì từ 35 tuổi trở đi khả năng thụ thai của phụ nữ giảm nhanh.

Lần sinh sau, hãy lưu ý những điều tôi nói ở trên nếu bạn vẫn muốn chọn dịch vụ để người thân theo vào phòng sanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại