Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh Trần Trọng Kiên tiết lộ tin mới nhất về liên doanh hàng không với AirAsia

Phương Ánh |

Tony Fernandes, CEO AirAsia sẽ xuất hiện tại Hà Nội ngày mai và sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến chiến lược của hãng hàng không liên doanh giữa Việt Nam và AirAsia, ông Trần Trọng Kiên nói với báo Trí Thức Trẻ.

Bên lề Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VIEF) 2018 về du lịch, báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group về câu chuyện của thị trường hàng không Việt Nam.

VBF 2018 diễn ra ngày hôm qua nhận định hàng không có thể trở thành "nút thắt cổ chai" của ngành du lịch. Theo ông tại sao tư nhân lại khó tham gia vào thị trường hàng không?

Việc cấp phép cho các hãng hàng không mới đã được quy định rõ ràng trong Nghị định 92 của Chính phủ. Hiện thị trường này đang tăng trưởng rất hấp dẫn khiến cho các nhà đầu tư mong muốn tham gia vào. Việc cấp phép cho Bamboo Airways vừa qua, tôi cho rằng đây là biểu hiện Chính phủ đã mở cửa cho các hãng hàng không mới.

Tôi cũng tin rằng hãng hàng không AirAsia Việt Nam được thành lập sẽ đóng góp một phần quan trọng cho tăng trưởng, đưa khách nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn và giúp cho người Việt Nam đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.

Nhắc đến AirAsia Việt Nam, ông từng tuyên bố liên doanh hàng không này sẽ cất cánh trong năm 2018, nhưng đến nay đã gần hết năm. Vậy dự án này đang như thế nào?

Chúng tôi vẫn tiếp tục làm dự án. Hi vọng có thể công bố cho mọi người vào sáng mai, sau khi có ký kết với Tony Fernandes, CEO AirAsia.

Tức là ngày mai (6/12) chúng tôi mới biết được số phận của hãng bay này?

Đúng vậy.

Vừa qua Chính phủ đã cấp phép cho Bamboo Airways và Vietstar Airlines cũng lại rục rịch đề xuất bay. Thị trường liệu có đất chật người đông?

Thị trường hàng không đã tăng trưởng rất tốt trong 10 năm vừa rồi. Năm nay thực ra có khó khăn hơn khi giá dầu tăng đôi chút nhưng tôi tin rằng nhu cầu đi lại vẫn tiếp tục tăng. Điều này thể hiện ở khát vọng ngành du lịch Việt Nam mục tiêu đón được 30 triệu khách, khách nội địa có thể tăng 200 triệu lượt tour.

Như vậy, nhu cầu hàng không sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Mà nhu cầu này cần mất thời gian để xây dựng, vì thế Việt Nam thực sự cần các hãng hàng không mới.

Bên cạnh đó, so sánh số lượng hãng hàng không Việt Nam với các nước trong khu vực, đơn cử như Thái Lan, chúng ta chỉ bằng 1/3 về số lượng, chưa tính đến chất lượng. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể nói đến cơ hội có thêm nhiều hãng hàng không ở Việt Nam. Điều này tốt cho người dân, cho tất cả khách du lịch.

Vậy để cạnh tranh, liên doanh hàng không Việt Nam và AirAsia khi thâm nhập thị trường có chiến lược gì?

Câu hỏi này để cho Tony trả lời vào ngày mai.

Cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại