Chủ tịch Sendo: Facebook mới là mối đe dọa chính của chúng tôi

L.T |

Hàng triệu người Việt đang sử dụng mạng xã hội Facebook hơn cả một kênh liên lạc và thể hiện bản thân: họ đặt hàng, hẹn địa điểm vận chuyển và nhận tiền mặt. Đó mới là mối đe dọa chính với các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Nguyễn Đắc Việt Dũng, 44 tuổi, Chủ tịch và đồng sáng lập Công nghệ Sendo, vốn là cựu sinh viên đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Dũng làm việc tại FPT trước khi thành lập Sendo ở vị trí lập trình viên, sau đó giữ chức vụ giám đốc phát triển dự án tại một công ty con của FPT Telecom.

Khi FPT bắt tay cùng hai công ty khác để phát triển một doanh nghiệp kinh doanh trên mảng thương mại trực tuyến, Nguyễn Đắc Việt Dũng được giao trọng trách này. Năm 2013, Sendo ra đời, với cổ đông lớn nhất là FPT. Trong bộ sậu quản trị của Sendo, ngoài Nguyễn Đắc Việt Dũng còn có Trần Hải Linh, CEO, tốt nghiệp đại học Công nghệ Nanyang Singapore và Nguyễn Phương Hoàng, phó giám đốc điều hành, tốt nghiệp đại học Greenwich ở Anh.

"Chúng tôi đã phải xây mọi thứ từ đầu, bởi khi ấy, thương mại điện tử vẫn là điều gì đó rất mới ở Việt Nam. Không ai trong số các lãnh đạo cao nhất của dự án này có kinh nghiệm trong lĩnh vực trên".

3 tháng sau khi được thành lập, Sendo mua lại 123mua.vn, một nền tảng thương mại điện tử được phát triển bởi VNG. Giá trị của thương vụ không được tiết lộ, nhưng theo một chuyên gia trong ngành, mức giá có thể dao động ở khoảng 5 tỷ đồng - gấp 3 lần định giá của Sendo lúc bấy giờ - nhưng mang lại cho công ty này cơ hội tiếp cận với 30 triệu tài khoản nằm trong hệ sinh thái của VNG.

Có được 123mua, Sendo nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2014, công ty này gọi thành công 18 triệu USD từ 3 công ty Nhật, trong đó có SBI, để đổi lấy 33% cổ phần. Đến vòng gọi vốn thứ hai, Daiwa và SoftBank Group rót thêm 51 triệu USD.

Sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy tỷ lệ sở hữu của FPT trong Sendo xuống dưới 50%. Số còn lại chia cho các nhà sáng lập và 7 cổ đông nước ngoài lớn nhất.

Sau 5 năm hoạt động, Sendo phát triển được một platform với sự góp mặt của 10 triệu sản phẩm từ 300.000 người bán. Giá bán trung bình các mặt hàng tại Sendo chỉ ở mức 15 USD.

Khác với các công ty cùng ngành là Lazada, Shopee, Adayroi hay Tiki, Sendo nói họ không tìm kiếm thị trường mục tiêu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp HCM. "Chúng tôi sẽ khai thác các thành phố cấp II, nơi có tới 70 triệu người Việt đang sinh sống và các đối thủ không đặt ưu tiên".

Lý do của sự lựa chọn này được Nguyễn Đắc Việt Dũng dẫn chứng bằng những số liệu thực tế: 6) người mua đến từ các đại phương nằm ngoài Hà Nội và TP HCM, trong khi hơn 30% số người bán đến từ tỉnh lẻ.

Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường này, Sendo cũng vấp phải sự cạnh tranh đến từ một đối thủ không ngờ: Facebook. "Chúng tôi coi Facebook là mối đe dọa chính", Dũng thừa nhận.

Thực vậy, hàng triệu người Việt đang sử dụng mạng xã hội Facebook hơn cả một kênh liên lạc và thể hiện bản thân: họ đặt hàng, hẹn địa điểm vận chuyển và nhận tiền mặt. Dù ít có khuyến mãi hơn, nhưng buôn bán và trao đổi qua Facebook thuận lợi hơn, bởi người Việt bỏ ra trung bình 2,5 giờ mỗi ngày để vào Facebook.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại