Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: "Không thể trồng xà cừ cổ thụ trên các tuyến phố”

Hoàng Đan |

"Sở Xây dựng tổ chức hội thảo thay thế cây xà cừ đúng vào ngày nóng bức nhất trong vòng 40 năm vừa qua nên tạo ra bức xúc của bà con. Cho phép tôi rút kinh nghiệm điều này".

Quy hoạch vành đai 3 từ năm 1992 nhưng vẫn trồng cây

Sáng 20/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu HĐND thành phố đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa 15.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Nguyễn Văn Hòa (phường Hàng Bồ) đề cập câu chuyện mở rộng vành đai đô thị liên quan đến 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng.

Theo ông Hòa, cử tri thông cảm với TP về những khó khăn, bất cập nhưng cử tri đề nghị cần thận trọng rà soát, có phương án tối ưu nhất.

Ông Hòa đưa ra 3 điều, một là những cây nào để lại tồn tại và phát triển, thứ 2 những cây nào buộc phải di dời nơi khác thì phải thay đổi cho phù hợp, 3 là những cây nào buộc phải chặt hạ.

Đồng thời, đề nghị lãnh đạo TP phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để cấp dưới lợi dụng để làm bừa, làm ẩu, kiểm soát chặt chẽ tài chính đầu vào đầu ra, không để lãng phí giống tình trạng cắt cỏ, tỉa cành như năm trước.

Ông lấy ví dụ trước cửa số 28 Lãn Ông, có 2 cây được UBND TP cho trồng, trong đó có 1 cây lộc vừng trồng 1 thời gian đã chết, bây giờ trồng tiếp 1 cây lộc vừng nữa.

"Tôi thấy cây đến nay chỉ có cành chứ không có lá, khả năng cũng có thể chết, thông tin tôi nắm được anh em bảo cây lộc vừng chết giá cũng phải 25 triệu, kinh phí rất lớn. Vì vậy đề nghị phải có kiểm soát chặt chẽ", ông Hòa lưu ý.

Trước kiến nghị của ông Hòa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quy hoạch đường vành đai 3 có từ năm 1992. Theo ông, khi đã có quy hoạch đáng lẽ ra không nên trồng hàng cây vào giữa đường bây giờ phải mở.

Ông Chung cho biết, TP đã tham khảo rất nhiều nhà khoa học về số cây trên tuyến đường Phạm Văn Đồng này. Ông bày tỏ nhất trí như các ý kiến cử tri nêu ra là cây nào sẽ để lại, cây nào đánh chuyển, cây nào sẽ chặt hạ.

"Đúng là Sở Xây dựng tổ chức hội thảo thay thế cây xà cừ đúng vào ngày nóng bức nhất trong vòng 40 năm vừa qua nên tạo ra bức xúc của bà con. Cho phép tôi thay mặt lãnh đạo TP rút kinh nghiệm điều này", ông Chung nói.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt nhất thế giới để đảm bảo cây sống tỷ lệ cao nhất

Theo Chủ tịch Hà Nội, từ cuối năm 2015 đến nay TP đã trồng được khoảng 300.000 cây xanh, những cây này đảm bảo 97% là sống và Hà Nội cũng đều có thiết kế trên từng tuyến phố khi trồng cây, đồng thời, đã ứng dụng tất cả những gì tốt nhất của thế giới về khoa học kỹ thuật để đảm bảo cây sống tỷ lệ cao nhất.

Ông cũng nêu lo ngại, với cây xà cừ 26 -27 tuổi khi đánh đi thì tới đây sẽ trồng vào đâu bởi trên địa bàn TP không có một tuyến phố nào có thể trồng lại cây xà cừ.

Theo ông Chung, cây xà cừ khi đánh lên bộ rễ có đường kính khoảng 3m, tới đây ta phải đào hố 3,5m mới cho cây xuống được và ít nhất sâu 1,5m, phải có cọc 25m, trống trong vòng 3-4 năm. Lúc đó rễ ăn sâu vào lòng đất mới sống được.

"Một cây phải bỏ mất chục triệu tiền đánh chuyển xong lại mất công chăm sóc mà chưa biết cây này trồng ở đâu. Tôi khẳng định là không thể trồng ở các tuyến phố được mà chỉ có thể đem ra các công viên trồng.

Chúng tôi cũng đã nghĩ những cây nào đánh chuyển được thì tới đây sẽ đem ra bùng binh của đường 5 kéo dài, đường Võ Nguyên Giáp trồng.

Tuy nhiên chỉ trồng với tỷ lệ nhất định vì không thể nào trồng hết cây xà cừ được. Trong một công viên cũng không có một nước nào trồng tất cả các cây xà cừ, bởi họ còn để đất trồng hoa và các loại cây khác", lãnh đạo TP nói.

Chủ tịch Thành phố nói thêm: "Nếu dự án này chậm sẽ kéo theo dự án đường trên cao của Bộ GTVT vay bằng vốn ODA của Nhật Bản. Đến tháng 7 này Bộ GTVT không khởi công được thì nguồn vốn ODA bị cắt (từ 1/8) thì nó sẽ đẩy giá thành lên rất cao".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại