Chờ bầu Đức rủ từ chức

Minh Ngọc |

Những ngày gần đây, trừ việc bầu Đức khẳng định sẽ rút lui, những thành viên còn lại của thường trực LĐBĐ Việt Nam (VFF) giữ im lặng tuyệt đối trước sức ép dư luận sau thất bại của U22 Việt Nam, riêng Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ chiều 28-8 đã thay mặt tổ chức này xin lỗi người hâm mộ.

Không ít người trong giới làm bóng đá cho rằng việc 2 ủy viên Ban Chấp hành VFF đứng lên phản ứng về trường hợp thủ môn Phí Minh Long và tiền đạo Mạc Hồng Quân được HLV tạm quyền Mai Đức Chung gọi lên tuyển đá với Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2018 nghe có vẻ mang tính phản biện nhưng thực tế có thể là cách đánh lạc hướng dư luận khi CĐV đang bức xúc và muốn các lãnh đạo cao nhất của VFF nhận trách nhiệm.

Với những người am hiểu luật bóng đá, muốn thay chủ tịch hay phó chủ tịch VFF là điều không hề đơn giản. Luật FIFA như một chiếc áo giáp bảo vệ thường trực VFF. "Một nước cờ sai trong việc thay chủ tịch Lê Hùng Dũng hay phó chủ tịch chuyên môn Trần Quốc Tuấn có thể dẫn đến sự cố không mong muốn cho bóng đá Việt Nam là các đội tuyển bị "cấm vận" quốc tế. 

Chưa kể, ông Trần Quốc Tuấn còn là người được Tổng cục TDTT biệt phái, không phải ai cũng có thể thay. Tất nhiên, trước đây sức ép dư luận từng buộc tổng cục phải rút ông Tuấn về nhưng lần này không đơn giản nữa vì vai trò của ông Tuấn ở AFC và FIFA" - một chuyên gia bóng đá phân tích.

Trước đây, đại diện cho Hội CĐV bóng đá Việt Nam, ông phó chủ tịch kiêm doanh nhân Trần Song Hải từng chỉ trích vai trò của ông Trần Quốc Tuấn góp phần khiến nền bóng đá Việt Nam tụt dốc. Thậm chí hội còn đề tặng những lãnh đạo VFF "rượu tự trọng" với hy vọng kịp thời chấn chỉnh đội ngũ quản lý VFF.

Không thể phủ nhận bóng đá Việt Nam 3-4 năm gần đây giàu sức sống với sự phát triển và tiến bộ của những đội tuyển trẻ, với xuất phát điểm là lứa U19 Việt Nam và Học viện HAGL JMG, từ đó tạo tiền đề cho một loạt trung tâm đào tạo có tiếng khác như Hà Nội T&T (sau đổi thành Hà Nội FC), Viettel, PVF... cùng nhau phát triển. 

Tuy nhiên, như đã nói, trong một loạt thất bại ở các giải đấu tầm khu vực như AFF Cup 2016, SEA Games 2015, 2017, trách nhiệm của vị phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn rất lớn. 

Điểm lại 4 đội bóng vào bán kết SEA Games gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan, cả 4 đều có những sự tiến bộ vững vàng với những người đứng đầu nền bóng đá thuộc hàng "giàu có và biết xây dựng chiến lược, tầm nhìn đầy tham vọng". 

Tỉ phú giàu nhất Myanmar U Zaw Zaw; hoàng tử bang Johor Ibrahim Ismail (Malaysia), tướng quân đội Edy Rahmayadi ở Indonesia hay tướng cảnh sát Somyot Poompunmuang ngồi ghế chủ tịch LĐBĐ Thái Lan, họ đều có những nước đi tạo được sự tin tưởng và kỳ vọng từ người hâm mộ.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao cả 4 LĐBĐ kể trên đều có những thay đổi mạnh mẽ như vậy vì những mục tiêu xa hơn trong tương lai, trong khi đến thời điểm này, khi U22 thất bại, chỉ có bầu Đức từ chức, dù ông không phụ trách chuyên môn? Bầu Đức từng nói khi từ chức, ông sẽ rủ những người khác nghỉ. Liệu ông Lê Hùng Dũng hay ông Trần Quốc Tuấn có làm theo bầu Đức hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại