Chiến trường Syria: Mỹ rút quân vội vã, để mặc đồng minh bị nuốt chửng?

Kiệt Linh |

Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức ký lệnh rút quân khỏi chiến trường Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ồ ạt đưa lực lượng quân sự đến biên giới, chỉ trực chờ phát động chiến dịch tấn công nuốt chửng lực lượng người Kurd - một đội quân mạnh trong phe nổi dậy Syria.

Mỹ ký lệnh rút quân

Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký lệnh rút quân khỏi chiến trường Syria, một phát ngôn viên trong quân đội Mỹ vừa tiết lộ.

Hồi giữa tuần trước, Nhà Trắng thông báo Mỹ đã bắt đầu rút các lực lượng quân sự ra khỏi Syria nhưng nhấn mạnh điều này không đồng nghĩa với việc cuộc chiến của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kết thúc.

Sau thông báo trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nộp đơn xin từ chức vì bất đồng ý kiến với Tổng thống Donald Trump về quyết định rút quân đột ngột ra khỏi chiến trường Syria.

Quyết định bất ngờ của ông Trump đã phải đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt của giới nghị si Mỹ bởi họ cho rằng, hành động của ông chủ Nhà Trắng sẽ làm phương hại đến an ninh của nước Mỹ đồng thời cũng là hành động trao lại khu vực quan trọng cho Nga, Iran và Syria.

Đáp lại, ông Trump giải thích rằng, quyết định rút quân của ông là do Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại lực lượng khủng bố IS hay còn gọi là Daesh.

Hồi cuối tuần vừa rồi, ông Brett McGurk - đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về liên quân chống IS, cũng đã nộp đơn xin từ chức vì bất đồng sâu sắc với quyết định của ông Trump khi rút quân Mỹ ra khỏi Syria.

Mỹ hiện đang có 2.000 quân đóng ở Syria và đang kiểm soát một loạt cứ điểm quan trọng ở chiến trường này. Mỹ hậu thuẫn cho Lực lượng Dân chủ Syria với đội quân người Kurd đóng vai trò chủ chốt.

Mỹ cũng đang dẫn dắt liên quân gồm hơn 70 nước trong cuộc chiến chống IS ở Syria.

Trong khi giới chức Mỹ lên án mạnh mẽ quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria của ông Trump thì quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng - ông Mick Mulvaney cho rằng, quyết định đó chẳng có gì bất ngờ và rằng người dân Mỹ ủng hộ bước đi đó.

"Chúng tôi thừa nhận thực tế là quyết định đó không được lòng giới chức Mỹ nhưng nó lại rất được người dân Mỹ ủng hộ", ông Mulvaney nói với hãng tin Fox News.

Vị quan chức Mỹ cho rằng, ông Trump đã bắt đầu thực hiện kế hoạch rút quân trong 2 năm. "Đó không phải là một quyết định vội vã. Nó cũng không gây bất ngờ cho bất kỳ ai bởi đó chính xác là những gì Tổng thống đã nói là ông ấy sẽ làm", ông Mulvaney nhấn mạnh.

Bình luận về việc Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và một số quan chức Lầu Năm Góc từ chức, ông Mulvaney cho biết, việc một số quan chức không ủng hộ quyết định đó không phải là vấn đề của Tổng thống Trump.

Thổ Nhĩ Kỳ dồn vũ khí đến biên giới, trực chờ tấn công

Ngay sau khi có tin, Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi chiến trường Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng điều động hàng trăm phương tiện và binh sĩ đến các khu vực xung quanh đường biên giới của một thành phố ở phía tây bắc Syria mà Ankara từ lâu đã muốn quét sạch lực lượng người Kurd ra khỏi đây.

Lực lượng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đi trên một đoàn gồm khoảng 200 phương tiện quân sự, trong đó có xe bọc thép, bích kích pháo và khẩu pháo hiện đại, đã tiến về phía khu vực biên giới trong một nỗ lực của Ankara nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực giáp với thành phố Manbij.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa tuyên bố sẽ mở một chiến dịch quân sự mới trong vài ngày nữa để giành lại thành phố Manbij.

Ankara và Washington từ lâu đã mâu thuẫn sâu sắc với nhau ở chiến trường Syria bởi Mỹ ủng hộ, hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng YPG trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại coi YPG là lực lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của họ.

Thổ Nhĩ Kỳ đang rất tức giận và mất kiên nhẫn trước việc triển khai chậm trễ thỏa thuận mà theo đó Washington cam kết rút toàn bộ lực lượng chiến binh người Kurd YPG ra khỏi thành phố Manbij – khu vực nằm chủ yếu ở phần lãnh thổ phía tây của sông Euphrates và lùi về phía đông của con sông này.

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tránh đánh vào Manbij vì sợ đụng chạm đến Mỹ.

Tuy nhiên, việc Mỹ rút quân đi chẳng khác nào việc mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh Manbij. Như vậy, hai đồng minh của Mỹ là phe nổi dậy Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lao vào xâu xé nhau sau khi Mỹ rút đi.

Bất kỳ chiến dịch quân sự mới nào của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đều có thể trở nên phức tạp bởi sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở phía bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO và là một phần của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. YPG là lực lượng chiến đấu nòng cốt trong đội quân chống IS ở Syria. YPG đã chứng minh họ là một lực lượng chiến đấu hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các nhóm chiến binh khủng bố, cũng như chiếm lại các khu vực lãnh thổ từ tay IS.

Việc YPG thiết lập được một khu vực kiểm soát ở khu vực sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Ankara thực sự lo ngại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại